Cần hiểu hơn “hành vi tiêu dùng địa phương”

VƯƠNG TƯỜNG| 23/06/2009 09:35

Trung tâm Thông tin Du lịch tọa lạc tại một trong những vị trí đắc địa nhất Sài Gòn - góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ. Một không gian có vẻ sang trọng, chuyên nghiệp, được đầu tư lớn nhưng... để cung cấp dịch vụ miễn phí.

Cần hiểu hơn “hành vi tiêu dùng địa phương”

Trung tâm Thông tin Du lịch (Tourist Information Center - TIC) tọa lạc tại một trong những vị trí đắc địa nhất Sài Gòn - góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ. Một không gian có vẻ sang trọng, chuyên nghiệp, được đầu tư lớn nhưng... để cung cấp dịch vụ miễn phí.

97% du khách vào TIC là người nước ngoài.

Điều này gây nghi ngờ cho du khách người Việt. Đó là lý do mà có đến 97% khách vào đây là người nước ngoài. Chỉ thu hút được 3% khách nội địa, những người đầu tư coi như thất bại lớn bởi trong mong đợi của họ, du khách nội địa là đối tượng phục vụ chính yếu. Đây là một minh chứng của việc “áp dụng mô hình quốc tế vào VN hơi sớm” của các doanh nhân Việt kiều.

Thực ra, mô hình kinh doanh này đã rất phổ biến ở nhiều quốc gia. Một trung tâm cung cấp thông tin, bản đồ, sách hướng dẫn, tờ rơi, lịch trình tour, các chương trình khuyến mãi liên quan đến du lịch... hoàn toàn miễn phí cho du khách.

Ngược lại, nguồn thu của trung tâm sẽ đến từ các đơn vị kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, công ty du lịch, lữ hành, các điểm mua sắm, đổi tiền..., tức phía muốn chuyển tải thông tin của mình. Khi đến VN, du khách quốc tế cũng tìm đến những nơi như thế để tra cứu những gì mình cần.

Trong khi đó, lượng khách nội địa từ các địa phương khác đổ về TP.HCM rất nhiều, khách từ TP.HCM đi du lịch cũng không ít, nhưng rất ít người biết và “có đủ lòng tin” để sử dụng dịch vụ thông tin miễn phí như trên. “Đa số người dân của mình không tin cái gì miễn phí, vì họ thường phải chi tiền cho cò hoặc phải mua nhiều thứ mà lẽ ra họ phải được phục vụ” - ông Andy Tùng Vũ, Tổng giám đốc của TIC, phát biểu.

Ông Andy cũng như các nhà đầu tư Việt kiều không thể hiểu được “hành vi tiêu dùng địa phương” này trước khi bắt tay vào kinh doanh.
Thế nên, sau thời gian dài mở cửa chỉ thành công được với khách ngoại, đơn vị này đang phải nỗ lực tìm giải pháp mới để tiếp cận khách hàng địa phương, dù là đang mang đến cho họ những dịch vụ không phải trả tiền.

Không hiểu “hành vi tiêu dùng địa phương” chính là “điểm chết” của rất nhiều mô hình kinh doanh của doanh nhân nước ngoài và Việt kiều, dù những mô hình đó đã rất thành công ở nhiều nước khác và rõ ràng đang rất thiếu ở VN.

Một doanh nhân Việt kiều từng thắc mắc: “Sao ở đây người ta có thể chi vài trăm đô-la cho một bữa nhậu, nhưng những hội thảo, hội nghị về kinh doanh thường chỉ phát thư mời, chứ bán vé vài trăm ngàn đồng thì không mấy người mua?”.

Một doanh nhân Việt kiều khác mở chương trình tiệc tối để gây quỹ cho một tổ chức nhân đạo nhưng thất bại “thảm hại” vì khi nghe nói “để gây quỹ” là khách hàng “chạy” mất, dù thực tế khách không phải trả thêm đồng nào ngoài giá tiền như những bữa ăn thông thường.

Dù thất bại trước khách hàng nội địa, nhưng hầu hết các doanh nhân trên cho biết, họ sẽ nỗ lực theo hướng truyền thông và thay đổi khách hàng, thay vì phải lùi lại chỉ để thích nghi với những gì cố hữu.

Một doanh nhân nói: “Những hoạt động kinh doanh hoàn toàn tiến bộ, nhân bản, có lợi cho người tiêu dùng thì dù họ còn hoài nghi, chưa quen, mình vẫn phải kiên nhẫn. Chúng tôi sẽ không nhập gia tùy tục bằng cách cũng thu tiền, làm cò trên những gì mà người tiêu dùng hoàn toàn có quyền được phục vụ. Đó là đi thụt lùi, chứ không phải thích nghi.Thay đổi nhận thức của người tiêu dùng theo hướng tích cực cũng là một sứ mệnh của nhà kinh doanh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần hiểu hơn “hành vi tiêu dùng địa phương”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO