Bệnh nhân thử nghiệm Remdesivir là một người đàn ông 35 tuổi, đã đến thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019 và trở về Mỹ hôm 16/1/2020. Sau đó, các triệu chứng viêm phổi bắt đầu xuất hiện và bệnh nhân này được chẩn đoán dương tính với nCoV, điều trị cách ly tại Trung tâm Y tế Providence Everett, Washington.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro cũng như lợi ích, đội ngũ y bác sĩ đã quyết định tiêm Remdesivir cho nam bệnh nhân, dù loại thuốc này chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.
"Theo tôi biết, đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới được điều trị bằng loại thuốc này. Khi đó, chúng tôi nhận thấy lợi ích của thuốc lớn hơn so với các nguy cơ tiềm ẩn, và đã tiến hành thử nghiệm với sự chấp thuận của bệnh nhân", Giám đốc trung tâm y tế Jay Cook nói.
Kết quả, chỉ sau 1 ngày điều trị bằng Remdesivir, tình hình của nam bệnh nhân đã cải thiện mà không có tác dụng phụ đáng kể, thân nhiệt đã giảm xuống và nhanh chóng trở về mức bình thường.
"Tôi đang ở nhà và mọi chuyện đã tốt hơn. Tôi yêu cầu giới truyền thông tôn trọng quyền riêng tư và mong muốn của tôi về việc không muốn để công chúng chú ý. Tôi muốn cảm ơn các bác sĩ, y tá và toàn bộ đội ngũ tại Trung tâm Y tế Dự phòng Khu vực vì sự tận tâm của họ. Tôi cảm ơn công chúng vì bày tỏ sự quan tâm tới tôi và tôi mong muốn được trở lại cuộc sống bình thường", nam bệnh nhân 35 tuổi nói hôm 3/2 khi đã ra khỏi viện và tự cách ly tại nhà.
Theo hãng tin Bloomberg, Remdesivir được Gilead Science - một công ty dược phẩm sinh học tại Mỹ chuyên nghiên cứu và phát triển các loại thuốc chống vi rút sử dụng trong điều trị HIV, viêm gan B, viêm gan C và cúm, phát triển.
Ban đầu, Remdesivir là thuốc điều trị vi rút Ebola. Nguyên nhân vì vi rút Ebola và nCoV có cùng gốc ARN, nên nhiều bác sĩ cho rằng Remdesivir có thể cũng ức chế nCoV. Và, với phát hiện mới thông qua trường hợp nam bệnh nhân ở Washington, suy nghĩ này càng được củng cố và góp phần khuyến khích các chuyên gia thực hiện thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của thuốc.
Trong một tuyên bố ngày 31/1, Gilead Science cho biết đang hợp tác với cơ quan y tế Trung Quốc để tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát trên người, để xác định xem Remdesivir có thể chống lại nCoV một cách an toàn và hiệu quả hay không. Nếu các thử nghiệm lâm sàng đạt kết quả mong muốn, Remdesivir sẽ lập tức được tung ra thị trường.
Dẫu vậy, cần lưu ý rằng, việc Remdesivir có thực sự đã giúp nam bệnh nhân 35 tuổi khỏi bệnh hay không là điều khó có thể khẳng định tuyệt đối. Lý do là vì các y bác sĩ không biết bệnh nhân sẽ tiến triển tự nhiên ra sao nếu không được tiêm tĩnh mạch bằng loại thuốc này. Do đó, sẽ cần thêm thời gian để các chuyên gia thực hiện thử nghiệm lâm sàng kỹ lưỡng trên người.
Hoạt tính kháng vi rút của một loại thuốc trong phòng thí nghiệm hoặc khi được thử nghiệm trên động vật không hoàn toàn đồng nghĩa với việc loại thuốc đó sẽ có tác dụng tương tự khi điều trị cho con người. Trước đây, Remdesivir cũng chứng tỏ khả năng của mình tại phòng thí nghiệm trong việc chống lại vi rút Ebola, song khi thử nghiệm điều trị lâm sàng trên người, nó lại không hiệu quả với bệnh nhân Ebola.
Tân Hoa Xã ngày 30/1 cho hay, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện 3 loại thuốc có tác dụng ức chế khá hiệu quả đối với nCoV ở cấp độ tế bào là Remdesivir, Chloroquine và Ritonavir. |