Thực hiện “hộ chiếu vắc xin” phải an toàn

T.D| 27/03/2021 09:23

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 (Ban Chỉ đạo) vừa đôn đốc các bộ, ngành tiếp tục các giải pháp kỹ thuật, để sẵn sàng tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam sau khi đã được tiêm vắc xin, hay còn gọi là “hộ chiếu vắc xin”.

Thực hiện “hộ chiếu vắc xin” phải an toàn

Ban chỉ đạo giao Bộ Y tế có phương án báo cáo về cơ chế, địa điểm, thời gian cách ly, xét nghiệm, theo dõi y tế đối với: các chuyên gia, thương nhân đã tiêm vắc xin hai lần, được hệ thống của Việt Nam xác nhận là loại vắc xin đó đã được cấp phép hợp pháp, được tiêm bởi hệ thống cơ sở y tế đảm bảo theo quy định y tế; người Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam đã được tiêm vắc xin và có nhu cầu về nước; đồng thời chuẩn bị về dài hạn là những người nước ngoài muốn vào Việt Nam với mục đích giao lưu, và một mức nữa là du lịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Chúng ta từng bước chuẩn bị những phương án phải rất chi tiết với tinh thần tạo thuận lợi nhưng trên hết phải an toàn. Nếu tạo thuận lợi mà để dịch bùng phát thì mọi nỗ lực, công sức sẽ trở thành vô nghĩa. Do vậy chúng ta phải làm chắc chắn từng bước một”.

Về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đại diện Bộ Y tế cho biết, tính đến 12 h ngày 26-3, thế giới ghi nhận hơn 126 triệu ca mắc COVID-19. Hiện hơn 500 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới sau chưa đầy 4 tháng kể từ khi triển khai tiêm chủng. Đến nay, vắc xin đã được tiêm 140 nước trên thế giới, trong đó 39% số liều vắc xin được tiêm ở Mỹ và châu Âu. Trung bình, mỗi ngày có 12 triệu liều vắc xin được tiêm trên thế giới.

Ở trong nước, sau 6 ngày liên tiếp (tính từ ngày 19/3) không ghi nhận ca mắc mới, đến ngày 25/3, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp công dân Việt Nam nhiễm COVID-19: 1 trường hợp ở Hải Phòng, 1 trường hợp ở TP.HCM (bệnh nhân 2580), đều là các trường hợp từ Campuchia nhập cảnh trái phép vào Phú Quốc lúc 5h ngày 22/3 trên tàu cá (có khoảng 10 người).

Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới và nhất là các nước trong khu vực diễn biết rất phức tạp. Hai ngày qua, mỗi ngày thế giới ghi nhận trên nửa triệu ca mắc mới. Vì vậy, phải tăng cường kiểm soát nhập cảnh tại các tỉnh biên giới.

20200903135232313dua-232-cong-9459-4669-

Hôm qua (26/3), Bộ Y tế đã tập huấn toàn quốc để tăng cường an toàn công tác tiêm chủng, từ tiến hành sàng lọc trước tiêm, theo dõi sau tiêm đến xử lý các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng, để bảo đảm an toàn tối đa. Sau khi tiêm 42.000 liều thì không ghi nhận trường hợp xuất hiện huyết khối.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc thiếu hụt nguồn cung vắc xin đang là vấn đề. Thậm chí ngay khi vắc xin đang nghiên cứu, chưa phát triển, nhiều nước đã đặt mua. Thời gian qua, Việt Nam cố gắng đàm phán với các hãng, nhà sản xuất vắc xin trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng cho Việt Nam. Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận nguồn vắc xin trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin lô vắc xin COVID-19 của AstraZececa được cung cấp qua COVAX Facility (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng ba tuần. Điều này có nghĩa là ba tuần đầu tháng 4 sẽ không có liều vắc xin nào về Việt Nam. Thực tế việc khan hiếm vắc xin là hiện hữu và là thách thức với các nước, nhất là nước đang phát triển như Việt Nam và không phải là nước ưu tiên về vắc xin vì đang kiểm soát dịch rất tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực hiện “hộ chiếu vắc xin” phải an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO