Thúc đẩy đầu tư 23 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao tại TP.HCM
Sáng 15/10, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao năm 2024 tại Hội trường TPHCM.
Đến dự Hội nghị, về phía trung ương có ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Về phía TP.HCM có ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hoá -Thể thao TP.HCM; ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM… cùng đại diện Tổng Lãnh sự, Lãnh sự các nước Vương Quốc Anh, Campuchia, Hà Lan, Liên bang Nga, Trung Quốc… tại TP.HCM.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh TP.HCM, giới thiệu các dự án và chính sách ưu đãi, đồng thời nhấn mạnh những lợi thế và tiềm năng phát triển của thành phố trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Mục tiêu của thành phố là thu hút đầu tư vào các dự án xây dựng công trình văn hóa - thể thao hiện đại, có quy mô quốc tế, qua đó thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao, góp phần gia tăng tăng trưởng kinh tế - xã hội.
TP.HCM được xem là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước, đồng thời là đầu mối giao lưu quốc tế.
Hiện tại, thành phố đứng đầu cả nước về số lượng dự án đầu tư nước ngoài với 12.398 dự án từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đầu tư hơn 57,6 tỷ USD (tính đến cuối năm 2023). Thành tích này là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh rằng, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại TP.HCM vẫn còn rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Các cơ sở văn hóa và thể thao của thành phố hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của một đô thị trung tâm, và TP.HCM vẫn chưa có cơ hội đăng cai các sự kiện lớn như SEA Games hoặc các sự kiện châu lục và thế giới.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, chính quyền thành phố mong muốn cùng các nhà đầu tư, các bên có liên quan cùng giải bài toán này, để đến năm 2030, TP.HCM có các thiết chế văn hóa đủ sức tổ chức các sự kiện ngang tầm châu lục, phát triển hơn nữa ngành công nghiệp văn hóa của thành phố. Các dự án không chỉ là đầu tư, mà còn là hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở TP.HCM.
Tại Hội nghị, các vấn đề liên quan đến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa, thể thao được các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đặt câu hỏi. Trong đó, các nội dung về thuế, thủ tục pháp lý, cơ quan hướng dẫn thủ tục, tham quan thực tế vị trí dự án… đã được đề cập.