Thủ tướng yêu cầu: Phải phát huy vai trò vùng kinh tế động lực của cả nước

Nguyễn Nam Phương| 06/05/2019 06:36

Ngày 6/5, tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước. Lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành, nhiều lãnh đạo địa phương và các doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tham dự Hội nghị.

Thủ tướng yêu cầu: Phải phát huy vai trò vùng kinh tế động lực của cả nước

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước thì vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam được coi là “đầu tàu”, có vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế của cả nước. 

Hiện nay, chúng ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) là vùng KTTĐ Bắc Bộ (gồm 7 tỉnh, thành phố), Trung Bộ (5 tỉnh, thành phố), Nam Bộ (8 tỉnh, thành phố) và vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long (4 tỉnh, thành phố). Bốn vùng KTTĐ này với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên và  27% dân số cả nước, đóng góp 89% GDP đất nước

Thời gian qua, vùng KTTĐ Nam Bộ đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển KT-XH, một số chỉ tiêu đã vượt, 2016-2018, tăng trưởng GDP bình quân của vùng đạt 8,34%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của vùng đạt khoảng 5.474 USD, gấp hơn 2 lần trung bình cả nước.

Tuy nhiên, là vùng KTTĐ lớn nhất và năng động của cả nước, nhưng những lợi thế của vùng chưa được phát huy hết nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng. Sự liên kết vùng chưa chặt chẽ. Cơ chế, chính sách cho phát triển vùng thiếu đột phá… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ trước đến nay, chúng ta có vùng kinh tế trọng điểm nhưng chưa có hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm.

Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận vào những vấn đề như cơ chế quản lý điều phối và chính sách thúc đẩy tăng trưởng, phát triển vùng; liên kết phát triển hạ tầng giao thông, logistics; chất lượng nguồn nhân lực... Từ đó, các đại biểu sẽ đưa ra những khuyến nghị, cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, những cách làm mới, đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để vùng KTTĐ Nam Bộ phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, tiếp tục đóng vai trò là vùng động lực, một đầu tàu kinh tế của cả nước.

Theo Quyết định 252/QĐ-TTg, tầm nhìn đến năm 2030, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức; là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm quốc tế… GDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 12.200 USD.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tại Báo cáo về kết quả thực hiện các Quyết định số 941/QĐ-TTg, số 2059/QĐ-TTg, Quyết định số 2360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tình hình phát triển kinh tế -xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm 8 tỉnh, thành phố cho thấy: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước, là vùng động lực của cả nước, quy mô GDP của vùng chiếm tới 45% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm 42% tổng thu ngân sách cả nước, xuất khẩu hàng năm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dân số tong vùng chiếm 21% và diện tích tự nhiên chiếm 9,2% cả nước. Tại Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ phía Nam đến năm 2020, định hướng 2030 đã xác định: phát triển vùng KTTĐ phía Nam thành vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững; là vùng kinh tế động lực đầu tàu; là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, ý tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của nước và khu vực. Thực hiện vai trò là cầu nối với các khu vực ĐBSCL và khu vực Tây nguyên mà hạt nhân là TP HCM là trung tâm dịch vụ tầm khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế; đi đầu trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực…

Kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2018: Tổng GDP của vùng đến năm 2018 theo giá hiện hành đạt khoảng 2.217 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 45,42% GDP cả nước và chiếm 50,9% GDP của 4 vùng KTTĐ. Quy mô của 4 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu chiếm 87,64% GDP vùng KTTĐ phía Nam, trong đó TP. HCM  đóng góp khoảng 49,5% GRDP vùng và gần 23% giá trị GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm thời kỳ 2016-2018 đạt khoảng 6,72%/năm, trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp và xây dựng là 9,88%/năm, ngành dịch vụ tăng 6,55%/năm và ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp tăng bình quân 3,57%/năm. Bình quân tăng trưởng của địa phương tăng 6/8 địa phương trong vùng KTTĐ đều đạt và cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, trước hết là về GDP. Các nhà nghiên cứu đều nhận thấy vùng hội tụ phát triển đầy đủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhất là phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm dịch vụ, nhất là dịch vụ logistics, vận tải với hạ tầng được tập trung xây dựng tương đối đồng bộ hơn các vùng khác.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm nay và năm 2020 nhằm tháo gỡ các ách tắc, khó khăn để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng XII đã đề ra.

Bối cảnh tình hình năm nay có nhiều khó khăn như thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh, giá cả thế giới, đặc biệt là xăng dầu, có sự biến động, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và xung đột chính trị ở một số khu vực, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và đất nước. "Hội nghị này tập trung trước hết là tháo gỡ, những giải pháp đề xuất của các địa phương, các ngành nhằm mục tiêu bứt phá, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 và làm tiền đề để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016 -2020 mà Trung ương đã đề ra", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung vào một số vấn đề, trước hết phản ánh việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, "những mục tiêu đã đề ra thực hiện đến đâu, có khả năng hoàn thành hay không, trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc, kiến nghị sửa đổi gì". Bên cạnh đó, cũng cần nêu các hạn chế, yếu kém, nguyên nhân rút ra trong triển khai thực hiện để năm 2019 là năm "bứt phá", hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

Thủ tướng nêu rõ, "không nói nhiều thành tích mà đi thẳng vào yếu kém, bất cập, hạn chế mà chúng ta vướng phải hiện nay để khắc phục, để Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành nắm được, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của vùng, trước hết là tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng năm nay và năm 2020".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thủ tướng yêu cầu: Phải phát huy vai trò vùng kinh tế động lực của cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO