Du lịch đảo Lý Sơn - một trong những tour du lịch hấp dẫn |
Trong 7 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón gần 9,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến, chỉ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Vấn đề đặt ra là cần có hành động gì để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới - đây chính là nội dung chính của Hội nghị “Tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam” do Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) vừa tổ chức mới đây tại Đà Nẵng.
Với mục tiêu đưa ra và thảo luận các giải pháp hành động cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những tháng cuối năm 2019, Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến, nhiều tham luận của các Sở Du lịch, Sở VHTTDL, các hãng hàng không, các tập đoàn, các Văn phòng đại diện du lịch nước ngoài tại Việt Nam. 22 ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí là những đề xuất gợi mở để thu hút khách du lịch từ những địa bàn trọng điểm. Các ý kiến đều xoay quanh vấn đề tính hiệu quả của công tác thu hút khách, đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế và khẳng định sự cần thiết phải chung tay của các ngành, các doanh nghiệp. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thu hút khách du lịch, cụ thể hóa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đẩy nhanh đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, cơ cấu lại thị trường khách du lịch, mở rộng các đường bay mới đi châu Âu, Mỹ, Ấn Độ.
Cụ thể, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa - Trần Việt Trung cho rằng, vấn đề đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực du lịch hiện nay rất cấp bách khi nguồn cung chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, chính sách visa cần linh hoạt hơn và cần nhanh chóng xây dựng hình thức thanh toán bằng công nghệ số thay cho tiền mặt.
Ông Lê Minh Tân - Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đưa ra phương hướng giải quyết vấn đề nhân lực: trình độ và năng lực của nhân lực phục vụ du lịch là yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm du lịch. Sự khác biệt về chất lượng dịch vụ giữa các quốc gia, các doanh nghiệp chính là chất lượng lao động và phương thức phục vụ. Sự thiếu và yếu của lao động hiện nay là bài toán nan giải đối với ngành Du lịch, vì vậy cần tăng cường số lượng, chất lượng lao động trong ngành bằng cách đưa vào đào tạo bài bản ngay từ bậc học phổ thông, mở các lớp đào tạo nghiệp vụ miễn phí…
Đồng quan điểm về vấn đề nguồn nhân lực, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel thẳng thắn nhận định, nguồn nhân lực hiện nay còn yếu về kỹ năng, ngoại ngữ và trình độ, mà cốt lõi là vấn đề đào tạo. Công tác đào tạo hiện nay chủ yếu đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường mà chưa theo quy chuẩn chung của tiêu chuẩn nghề du lịch đã được ban hành. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo chưa sát với thực tế, còn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành, đặc biệt là yếu ngoại ngữ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu toàn ngành Du lịch tập trung cao nhất để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đang cản trở tăng trưởng và đưa ra những hành động cụ thể để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Ngành Du lịch phải đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm, trung bình mỗi tháng thu hút được ít nhất 1,5 triệu lượt khách quốc tế.
Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - Lê Trung Chinh đưa ra định hướng cụ thể cho du lịch Đà Nẵng đó là du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Ông cho rằng để tiếp tục đà tăng trưởng khách du lịch đến với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, cần nỗ lực hơn nữa trong công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch đồng thời tăng cường liên kết trong thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế.
Các hãng hàng không mong muốn tiếp tục mở rộng mạng đường bay đi châu Âu, Mỹ, Ấn Độ; mở các đường bay trực tiếp kết nối các điểm du lịch Việt Nam với các thị trường hiện tại (Đông Bắc Á, Đông Nam Á); mở rộng đường bay đến một số thành phố thứ cấp tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; ký kết hợp tác mới với các đối tác tại các thị trường Úc, Ấn Độ, châu Âu, Mỹ. Đồng thời cũng ủng hộ những ý tưởng mà Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) sẽ thực hiện từ nay đến năm 2020 là mở các văn phòng xúc tiến du lịch Visit Vietnam tại Anh, Úc. Những ý kiến của các hãng hàng không đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao.
Tổng cục trưởng cũng cho rằng đẩy mạnh marketing “bản địa hóa” đang là hướng đi đúng và là xu thế quốc tế trong việc quảng bá hình ảnh du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa.
Tổng cục trưởng nhấn mạnh một số giải pháp thiết thực để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhằm đạt mục tiêu trong năm 2019. Cụ thể như sau:
Khối cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cùng các doanh nghiệp hàng không, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú, hãng lữ hành… chủ động đưa ra các chương trình kích cầu và các gói sản phẩm dịch vụ thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực và sản phẩm mới và chung tay xây dựng các chương trình quảng bá xúc tiến chung để đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá thu hút khách.
Các hãng hàng không tiếp tục mở thêm các đường bay mới tới các thị trường trọng điểm.
Cải thiện hình ảnh điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó còn một số vấn đề mang tính chất lâu dài, như tổ chức hội chợ du lịch quốc tế mang tầm quốc gia, có thể tổ chức luân phiên tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Các địa phương có thể chủ động phối hợp, chung tay tổ chức các hội chợ quảng bá xúc tiến để tạo hiệu quả lan tỏa sâu rộng hơn. Một số vấn đề liên quan đến visa, hộ chiếu thông hành, du lịch caravan tay lái nghịch, thuế thu nhập doanh nghiệp, lao động du lịch cũng là những vấn đề lâu dài, ngành du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền.