Thú chơi cổ ngoạn tại Việt Nam

Nguyễn Dòng| 28/01/2022 07:00

Không có tư liệu nào nói về thú chơi cổ ngoạn của người Việt Nam có từ khi nào, nhưng tôi biết chắc chắn ở Hà Nội có ông Đức Minh là người tiên phong trong việc sưu tập tranh của các họa sĩ nổi tiếng từ trước năm 1954 và các loại cổ vật Hà Thành.

Thú chơi cổ ngoạn tại Việt Nam

Ông từng lặn lội sang tận Pháp để mua về những bức tranh nổi tiếng như Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh, Thiếu nữ bên cây phù du của Nguyễn Gia Trí và sau đó là bức Thiếu nữ bên hoa huệ trong thời Pháp chiếm Hà Nội. Ngôi biệt thự đẹp và rộng lớn bên hồ Thiền Quang của ông từ những năm 60-80 của thế kỷ trước là nơi trưng bày toàn bộ những tác phẩm nghệ thuật và cổ vật mà ông sưu tập được.

Tại miền Nam, nhà văn hóa, học giả và nhà sưu tập cổ vật Vương Hồng Sển là người đi tiên phong và viết nhiều cuốn sách để giới thiệu, luận bàn về thú chơi, cách chơi cổ ngoạn. Năm 1996, trước khi qua đời, ông đã hiến tặng Nhà nước căn nhà Vân Đường phủ và toàn bộ 849 cổ vật quý với hy vọng có thể thành lập một bảo tàng mang tên ông.

Mặc dù vậy, nhưng phải nói trước năm 2000 số lượng người chơi và sưu tập cổ vật ở Việt Nam là rất ít do có nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Cổ vật và người chơi, sưu tập cổ vật không được luật pháp bảo hộ. Và đã có người vướng vào vòng lao lý vì có liên quan đến cổ vật dù người đó không làm gì sai trái mà chỉ vì chưa có luật! Mãi đến năm 2001, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua, mở ra hành lang pháp lý để những người chơi cổ ngoạn được tự do sưu tập, mua bán, trao đổi trong phạm vi cho phép.

Trước đó, tại Hà Nội đã có khá nhiều người, trong đó có các doanh nhân, những người trong giới nghệ thuật âm thầm sưu tập cổ vật. Năm 1999, sau rất nhiều thời gian vận động hành lang, Hội Cổ vật Thăng Long được ra đời, dù Luật Di sản văn hóa mới có trên dự thảo.

Sau khi có luật, hàng loạt hội cổ vật đã ra đời như Hội Cổ vật Thiên Trường, Hội Cổ vật Thanh Hoa... thu hút hàng nghìn hội viên tham gia. Đối tượng tham gia sưu tầm cổ vật ngày một nhiều, thuộc đủ loại thành phần trong xã hội, đặc biệt có giới doanh nhân - những người có điều kiện tài chính đã trở thành các nhà sưu tập lớn, sở hữu nhiều loại hình cổ vật, trong đó có những hiện vật có giá trị nghệ thuật và kinh tế cao, một số được đánh giá là bảo vật quốc gia. Độ tuổi tham gia thú chơi cổ ngoạn cũng ngày càng trẻ hơn, trong đó có thế hệ 8X, 9X và trẻ hơn nữa.

Theo quy luật cung - cầu, số người chơi ngày càng nhiều, cổ vật thì có hạn nên giá cổ vật ngày càng cao, thậm chí còn tăng hơn cả giá nhà đất hiện nay. Nếu như trước năm 2000, những cổ vật đẹp, quý hiếm của Việt Nam đã lần lượt rơi vào tay các nhà buôn và sưu tập nước ngoài rồi xuất hiện trong gần 40 bảo tàng lớn của thế giới, thì những năm gần đây lại diễn ra hiện tượng ngược lại. Hiện tượng này cũng tương tự như đối với các tác phẩm hội họa.

Nhiều bức tranh nổi tiếng của các họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm... lần lượt được mua về Việt Nam với giá có bức hàng trăm nghìn USD. Đối với cổ vật cũng vậy, thông qua các sàn đấu giá quốc tế thêm ngày càng nhiều cổ vật quý hiếm của Việt Nam đã từng “đội nón” ra đi trước đây với giá rẻ mạt thì nay người chơi cổ ngoạn phải bỏ ra hàng nghìn, hàng chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn USD để đưa các món đồ đó trở lại Việt Nam.

thumbnail-thu-choi-do-co-3136-1643268208

Loại hình cổ vật thì vô cùng phong phú từ gốm sứ, đồ đồng, đồ đá (trong đó có ngọc), đồ gỗ, giấy, vải, rồi tiền xu, tiền giấy... Có người chỉ chuyên sưu tầm một loại chất liệu duy nhất, có người thì sưu tập đủ loại, miễn là thấy hợp sở thích. Niên đại cổ vật thì từ hàng nghìn năm đến trên dưới 100 năm trước, nhưng giá trị cổ vật thì không phải cứ càng sâu tuổi càng quý mà giá trị cổ vật phụ thuộc rất nhiều vào giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, sự độc đáo và hiếm gặp. “Nhất kỳ - nhì cổ” là bởi vậy. Ngoài ra, đối với mỗi loại chất liệu lại có những tiêu chí riêng. Ví dụ với đồ gốm sứ thì “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ cổ”. Như vậy, niên đại đối với cổ vật là cần nhưng xếp về tiêu chí thì lại xếp cuối.

Thú chơi cổ ngoạn đã được viết khá nhiều trên sách báo, tạp chí và các tài liệu khảo cứu. Trước giải phóng, tại Sài Gòn, cụ Vương Hồng Sển đã viết nhiều cuốn sách về thú chơi này mà cho đến nay giới chơi cổ vật vẫn thường tìm kiếm để tham khảo. Ở TP.HCM còn có ông Trần Đình Sơn, ông Phạm Hy Tùng, ở Huế có ông Trần Đức Anh Sơn cũng có nhiều cuốn sách hay viết về cổ vật. Còn Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã xuất bản hàng chục cuốn sách giới thiệu đầy đủ về các loại hình cổ vật Việt Nam. Ở nước ngoài cũng có khá nhiều sách và tài liệu khảo cứu rất thú vị về gốm và cổ vật Việt Nam, mà khi đọc ta rất ngạc nhiên về sự am hiểu tường tận của các tác giả người nước ngoài.

Tôi đến với cổ vật và dần đam mê, say đắm cũng do tình cờ đọc những cuốn sách và các tài liệu như vậy. Với trên 20 năm sưu tầm, đến nay tôi đã có được hàng nghìn cổ vật khác nhau, trong đó chủ yếu là gốm cổ Việt Nam từ thời Sa Huỳnh, Đông Sơn cho đến Lý, Trần, Tiền, Lê, Nguyễn... sưu tập ở trong nước và cả từ nước ngoài.

Có khá nhiều câu hỏi mà bạn bè và người trong giới cổ ngoạn thường đặt ra với tôi: Ông có bao giờ mua đồ giả chưa? Xin thưa, hầu như không mấy người chơi cổ ngoạn mà không bị “vấp” phải đồ giả, nhất là thời gian đầu khi chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt khi công nghệ sản xuất đồ giả ngày một tinh vi, thậm chí còn đặt làm ở nước ngoài, trong đó có những món đồ được bán với giá nhiều tỷ đồng. “Học phí” đó chỉ có giảm thiểu nhờ mở rộng giao lưu, học hỏi ở những người đi trước có nhiều kinh nghiệm.

Tại sao ông không mở bảo tàng tư nhân để giới thiệu những giá trị văn hóa của cha ông với công chúng? Về số lượng và giá trị cổ vật thì tôi không e ngại, nhưng để lập bảo tàng tư nhân về cổ vật thì tôi không đủ điều kiện để có một mặt bằng lý tưởng và một lượng kinh phí không nhỏ để xây dựng và đảm bảo an toàn cho nó.

Hiện nay trong nước đã có một số nhà sưu tập đang có ý định đó. Còn tôi có cách khác để giới thiệu giá trị văn hóa cổ vật với công chúng. Hằng tuần đều có những người quan tâm đến cổ vật đến thăm các phòng trưng bày của tôi, đặc biệt giới bảo tàng trong và ngoài nước cũng ghé thăm, kể cả giám đốc bảo tàng nhiều nước trên thế giới. Nhiều lần tôi đã giới thiệu vật trưng bày theo chuyên đề ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Cần Thơ...

Đặc biệt, năm 2008, nhân 35 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Singapore, Bảo tàng Văn minh châu Á của Singapore đã xin phép Chính phủ Việt Nam để mượn của tôi một số hiện vật tiêu biểu và giá trị để trưng bày trong 6 tháng... Nhân dịp Xuân Nhâm Dần sắp tới, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam có mượn tôi một số món về đề tài hổ để tổ chức một cuộc trưng bày với chủ đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”. Triển lãm sẽ mở cửa từ ngày 18/1/2022 tại Hà Nội.

Một câu hỏi khác mà bạn bè, đồng nghiệp cũng thường xuyên hỏi tôi là: Sao ông không xuất bản sách? Chắc chắn tôi sẽ xuất bản một vài cuốn sách để giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Việc này không khó nhưng cần chuẩn bị kỹ về nội dung và chất lượng in ấn. Nhiều cuốn sách về cổ vật và mỹ thuật ở Việt Nam còn chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế mà tôi thì từng làm nghề in. Nhiều năm nay, tôi chỉ có viết giới thiệu về cổ vật trên các báo và tạp chí, trong đó có báo Xuân.

Nhân dịp năm mới, xin kính chúc các doanh nhân Sài Gòn và quý bạn đọc một năm nhiều sức khỏe, an vui, hạnh phúc và thành công.

(*)Nhà sưu tập cổ vật, nguyên Giám đốc công ty in Trần Phú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thú chơi cổ ngoạn tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO