Xuất khẩu gạo: Chưa thể thiếu hàng xáo

NGUYỄN THỦY| 14/04/2010 09:25

Không biết tự bao giờ, người mua lúa của nông dân bán lại cho doanh nghiệp được gọi là người làm nghề “hàng xáo”.

Xuất khẩu gạo: Chưa thể thiếu hàng xáo

Không biết tự bao giờ, người mua lúa của nông dân bán lại cho doanh nghiệp được gọi là người làm nghề “hàng xáo”. Như bao nghề khác, nghề hàng xáo đã trải qua bao thăng trầm.

Một thời gian dài - thời bao cấp - họ bị coi là những người làm ăn phi pháp, bị gọi một cách miệt thị là bọn con buôn; và cho đến nay, khi đất nước chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường, vẫn còn có người mặc cảm với đội ngũ lao động chân chính này, dù họ đã được thừa nhận có vai trò quan trọng trong hệ thống lưu thông, phân phối nông - thủy sản.

Chị Nguyễn Thị Béo - thương lái mua nếp thị trấn Chợ Vàm, Phú Tân, An Giang

Trước đây, đa số người làm nghề hàng xáo là những người mua bán nhỏ lẻ, là những người nghèo ít vốn. Họ làm ăn rất linh động, di chuyển thường xuyên và len lỏi vào tận ruộng để mua lúa. Phương tiện chính của họ là xuồng ba lá, hoặc ghe. Rất nhiều người ở nông thôn đã làm nghề hàng xáo mà nuôi được gia đình, cho con ăn học tử tế.

Chị Nguyễn Thị Hà, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - một trong những người làm nghề hàng xáo hơn hai chục năm nay, nhớ lại: “Những năm 1980, người làm nghề hàng xáo cực khổ hơn bây giờ nhiều. Để đưa lúa từ ruộng tới bán cho doanh nghiệp, chúng tôi phải thức thâu đêm hoặc đợi lúc trời mưa to, khi lực lượng canh gác mệt mỏi, ngủ quên, thì nhanh chóng chở lúa “qua mặt” các trạm gác, đó là những trạm ngăn sông cấm chợ. Nếu chẳng may bị phát hiện thì lúa bị tịch thu, bao nhiêu vốn liếng đi hết, nhiều người phải bỏ nghề, sạt nghiệp. Từ khi mười bảy tuổi tôi đã làm nghề này, lớn lên lấy chồng cũng theo nghề này. Nhưng từ khi chồng tôi qua đời, tôi phải chuyển sang nghề khác vì không còn sức để vác những bao lúa ba bốn chục ký lô”.

Bây giờ xã hội phát triển, xuồng ba lá không còn được dùng chở lúa, thay vào đó là ghe máy. Ngày nay, đường giao thông nông thôn và thủy lợi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được cải tạo, nâng cấp thì phương tiện chuyên chở lúa còn có xe tải và vùng đồi núi ở An Giang, Kiên Giang thì có thêm xe bò, xe ngựa...

Chị Nguyễn Thị Béo ở thị trấn Chợ Vàm, Phú Tân, An Giang làm nghề hàng xáo cả chục năm. Đến nay, chị gần như trở thành “bà chủ hàng xáo”. Chị không đi ghe, không đi xuồng mà đi bằng xe tải. Chị thuê tài xế, thuê nhân công bốc vác. Phú Tân, quê của chị là nơi trồng nếp nhiều nhất tỉnh An Giang. Chị không mua lúa mà chỉ mua nếp.

Để đảm bảo chất lượng, chị đến tận ruộng, tận nhà nông dân mua nếp vừa suốt xong, hạt nếp còn ướt, đem tới các lò sấy, sấy khô, sau khi xay xát mới bán cho các doanh nghiệp. Làm như thế - tuy vất vả hơn - nhưng lợi nhuận cao hơn, vừa giảm thất thoát, vừa đảm bảo hạt nếp có chất lượng cao nhất. Chị tâm sự: “Tôi làm việc bất kể trời mưa hay nắng và không có ngày thứ Bảy, Chủ nhật, nhất là vào mùa, mỗi ngày tôi mua bán khoảng 30 tấn lúa nếp, làm ăn cũng được”.

Những người làm nghề hàng xáo trở thành bạn đồng hành, là chiếc cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Ông Trần Văn Sơn, một trong những nông dân trồng lúa ở vùng tứ giác Long Xuyên, tâm sự: “Nhờ có những người hàng xáo mà chúng tôi bán được lúa. Họ đến tận ruộng mua, có khi vừa mua bán xong thì trời mưa ầm ầm.Nếu không bán được kịp thời, gặp mưa bão, lúa ướt hết, phải phơi lại rất vất vả, nhiều khi lúa bị lên mộng hoặc mốc, lúc đó giá bán rẻ hơn phân nửa cũng không ai chịu mua. Chúng tôi là nông dân, làm ra hạt lúa là mong bán nhanh tại ruộng, chứ đâu có phương tiện, đâu có người mà chở đi bán cho các doanh nghiệp”.

Anh Út Hiền, một trong những chủ doanh nghiệp thu mua lúa gạo lớn nhất ở Thoại Sơn, An Giang cho biết: “Nếu không có hàng xáo thu gom lúa của nông dân đem về, chúng tôi không thể đủ nhân công về tận vùng sâu để thu mua. Mỗi vụ, chúng tôi mua bán hàng trăm ngàn tấn lúa. Giá lúa mà thương lái mua tại ruộng bao giờ cũng dựa vào giá chúng tôi mua vào, họ thường mua thấp hơn vài trăm đồng/kg. Đó là cách lấy công làm lời”.

Những người làm nghề hàng xáo là lực lượng không thể thiếu trong dây chuyền đưa hạt gạo nước ta ra nước ngoài, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới. Vậy mà hiện nay vẫn còn một số ý kiến cho rằng lúa rớt giá là do những người làm nghề hàng xáo ép giá nông dân. Quả là oan ức cho họ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo: Chưa thể thiếu hàng xáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO