Xe tự lái cần hơn 10 năm để thâm nhập Việt Nam?

07/09/2016 06:15

Các hãng công nghệ có thể cần hơn 10 năm để tạo ra những sản phẩm xe tự lái có thể giải quyết được tình trạng nhiễu loạn thông tin khi tham gia giao thông tại Việt Nam.

Xe tự lái cần hơn 10 năm để thâm nhập Việt Nam?

Vừa qua, nhà báo chuyên viết về công nghệ Alexei Oreskovic của Business Insider đã có dịp ghé thăm Việt Nam và rút ra kết luận: công nghệ xe hơi tự lái phải tốn một thời gian dài để trở nên khả thi ở đây.

Trong vài năm trở lại đây, công nghệ xe hơi tự lái đã trở thành mục tiêu theo đuổi của hàng loạt tập đoàn công nghệ cũng như xe hơi trên khắp thế giới, từ Google cho đến Ford. Mới đây, ở nước láng giềng của Việt Nam là Singapore cũng đã cho thử nghiệm đội xe taxi tự lái đầu tiên mang tên nuTonomy.

Với đà tiến bộ nhanh chóng của công nghệ này, nhiều người đã tự tin cho rằng xe hơi tự lái sẽ sớm được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới. Tuy nhiên, trải nghiệm tại Việt Nam đã khiến Oreskovic thay đổi suy nghĩ.

Oreskovic nhận thấy một điều kỳ diệu về giao thông giờ cao điểm ở Việt Nam: mặc dù mọi thứ cực kỳ hỗn loạn theo kiểu “mạnh được yếu thua”, nhưng lại có khá ít va chạm xảy ra. Đó là minh chứng cho năng lực giao tiếp cũng như xử lý thông tin của não bộ con người: với khả năng tiếp nhận và phân tích cực nhanh nhiều tín hiệu hình ảnh và âm thanh cùng lúc, người điều khiển xe có thể tránh va chạm ngay cả trong những điều kiện căng thẳng nhất.

Trong khi đó, các bộ chip điện tử tối tân của xe hơi tự lái vẫn còn gặp vấn đề với những thử thách tưởng chừng là đơn giản nhất. Hồi đầu năm nay, một chiếc xe tự lái của Google đã va chạm với một xe bus ở gần trụ sở của công ty tại Mountain View, California, do dự đoán sai rằng xe bus đang chạy chậm dần lại để dừng hẳn. Trên đường phố Việt Nam, chiếc xe này sẽ phải cùng lúc thực hiện hàng trăm phép tính toán như vậy.

>>Xe buýt tự lái ở Phần Lan

Oreskovic cho ằng, không khó để tưởng tượng, nếu gặp phải điều kiện giao thông như ở Việt Nam, nhiều khả năng xe hơi tự lái sẽ bị rối loạn thông tin và dẫn tới tình trạng "chết cứng".

Với một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ xe tự lái là giáo sư người Ấn Độ Raj Rajkumar tại Đại học Carnegie Mellon, vẫn có thể có giải pháp cho những trường hợp thế này. Tuy nhiên, ông tin rằng quá trình tìm ra giải pháp cũng phải mất hơn 10 năm.

Theo ông Rajkumar, một trong những điều đầu tiên mà những nhà nghiên cứu xe tự lái cần hiểu là việc giao thông ở Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ rất khác ở phương Tây, vì một bên là dựa theo các quy tắc ngầm được tự động thỏa thuận với nhau, còn một bên hoạt động theo các luật đã được quy định trên giấy tờ.

Rajkumar nêu ví dụ: “Nếu tôi đang đi về phía trước ở một tốc độ nhất định, tôi sẽ được ngầm hiểu là đang có quyền được ưu tiên trong phạm vi xung quanh tôi. Những người khác sẽ tự phản ứng lại bằng cách điều chỉnh tốc độ của họ. Các hành vi giám sát, thích nghi và phản ứng giữa mọi người liên tục diễn ra, và ai cũng có năng lực tiềm thức để đánh giá xem khi nào nên dừng xe lại để tránh va chạm. Các tiếng còi và tiếng beep của đèn xe cũng như ánh mắt của nhau là những manh mối rất quan trọng để tính toán”.

Hiện tại, Rajkumar đang cùng với hãng xe General Motors phát triển các công nghệ cho phép những phương tiện giao thông có thể tự động liên lạc với nhau để mô phỏng lại những hành vi kể trên. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng sẽ còn rất nhiều trở ngại cần phải vượt qua, đặc biệt là việc trang bị đồng bộ công nghệ này cho tất cả các xe và người đi bộ.

>>Mỹ muốn việc làm, Ấn Độ cần công nghệ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xe tự lái cần hơn 10 năm để thâm nhập Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO