![]() |
Tuần qua tại thủ đô Luân Đôn, Vương quốc Anh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Luân Đôn (LCCI) đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Anh và các doanh nghiệp Việt Nam nhằm trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác kinh doanh và tìm hiểu môi trường đầu tư ở Việt Nam.
![]() |
Tại đây, ông Peter Bishop, Phó Giám đốc LCCI nêu rõ, Việt Nam có nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư an toàn và có một vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á. Những yếu tố trên cùng với dân số khoảng 86 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng nhanh, lực lượng lao động trẻ, được đào tạo và năng động. Quan trọng hơn, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 7%/năm trong vòng một thập kỷ qua, với sự tăng trưởng cao của tầng lớp trung lưu tại các thành thị với khả năng tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư cao. Chính sự thay đổi về chất đó, Việt Nam là nơi lý tưởng để LCCI giới thiệu các nhà đầu tư Anh vào tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Sau buổi gặp gỡ này, Tờ Thời báo Tài chính (Anh) đã đăng tải bài viết: “Việt Nam minh chứng là mảnh đất màu mỡ cho các ngân hàng nước ngoài”, cho rằng bản chất chưa phát triển của ngành ngân hàng khiến Việt Nam trở thành thị trường đầy hứa hẹn cho các ngân hàng quốc tế.
Nhìn vào thị trường Việt Nam, cứ năm người dân mới có một người có tài khoản ngân hàng, đó là nguyên cớ biến Việt Nam trở thành một thị trường hứa hẹn cho các ngân hàng quốc tế. Việt Nam đã mở cửa thị trường ngân hàng, cho phép ngân hàng nước ngoài hoạt động kể từ khi gia nhập WTO năm 2007. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu trong xã hội, chỉ đứng sau Trung Quốc và Armenia.
Ông Ashok Sud, Giám đốc điều hành của StanChart Việt Nam cho biết sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu trong nền kinh tế, Việt Nam trở thành điểm đến của các ngân hàng bán lẻ.
Hai năm sau khi Standard Chartered và HSBC trở thành những ngân hàng nước ngoài đầu tiên nhận được giấy phép mở mạng lưới ngân hàng bán lẻ (chi nhánh) tại Việt Nam, các ngân hàng này cũng đang thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường và mục tiêu đầu tiên của họ là nhắm tới tầng lớp trung lưu hiện đang ngày một tăng về số lượng ở Việt Nam.
![]() |
Doanh nghiệp hai bên gặp gỡ và trao đổi. |
Nhìn vào những động thái mấy tuần gần đây, có thể thấy, Standard Chartered, ANZ, Citibank đã bắt đầu triển khai thực hiện các dịch vụ ngân hàng chất lượng cao nhằm vào đối tượng khách hàng giàu có ở Việt Nam. Tuy nhiên, các "nhà băng cội” này- có tuổi đời cả trăm năm- còn nhìn thấy và không bỏ qua nguồn khách hàng dồi dào hơn một triệu người thuộc tầng lớp “chuẩn bị giàu có” với mức thu nhập bình quân hơn 1.000 USD/tháng, là những khách hàng tiềm năng, theo Hans-Peter Borgh, Tổng giám đốc khối dịch vụ ngân hàng khu vực châu Á- Thái Bình Dương của ANZ, là có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng ưu tiên của ANZ. Bởi Hans-Peter Borgh cho rằng: “Chu kỳ người dân chuyển từ thu nhập thấp lên thu nhập trung bình và từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao đang diễn ra rất nhanh chóng”.
HSBC cũng nằm trong số những ngân hàng quan tâm tới thị trường Việt Nam. HSBC đã mở rộng từ con số 2 chi nhánh lên tới 12 chi nhánh tại Việt Nam trong vòng 2 năm trở lại đây, trong đó có chi nhánh tại các thành phố như Đà Nẵng và Cần Thơ.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có đặc thù riêng của mình và điều này tạo ra cả thách thức và cơ hội cho tất cả các ngân hàng. Với những kinh nghiệm của quá khứ, những bất ổn kinh tế, lạm phát tăng nhanh và nhiều người dân Việt Nam nghiêng về tiết kiệm bằng vàng hoặc USD hơn Việt Nam đồng. Chỉ một số ít đăng ký một khoản vay tại ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, còn hầu hết người dân thích vay mượn từ bạn bè, gia đình và các nguồn cho vay không chính thức khác và chấp nhận với lãi suất cao hơn.
Nhưng dù sao thiên hướng thích sở hữu vàng, USD và bất động sản cũng đã thúc đẩy sự thức tỉnh tương đối tiến bộ của người dân Việt Nam về những nguy cơ tài chính khó lường hết được.
Tom Tobin, Giám đốc điều hành HSBC tại Việt Nam nhận xét: “Trước đây, người dân không sử dụng nhiều các dịch vụ ngân hàng mà sử dụng tiền mặt là chủ yếu. Nhưng ngày càng có nhiều người dân muốn tận dụng những tiện ích của thẻ tín dụng cũng như các mô hình dịch vụ ngân hàng khác.".
Một số đặc trưng của nền kinh tế và thiên hướng tập quán của người dân Việt Nam tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội cho các ngân hàng. Hiểu rõ những điều này, ANZ đã tung ra chương trình đầu tư kết hợp quyền chọn tiền tệ trong hoạt động giao dịch và nghiệp vụ arbitrage và 2 tháng sau đó chương trình này đã được khách hàng tiếp nhận tích cực hơn so với dự kiến nhờ nhận thức rộng hơn về giao dịch và chứng khoán ngày càng được mở rộng hơn về so với thị trường phát triển như Indonesia hay Thái Lan.
Trong báo cáo của mình, Ngân hàng ADB cho rằng, sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại châu Á sẽ giúp tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu trong vòng 20 năm trở lại đây. Điều này xuất phát từ sự cải thiện khả năng tiêu dùng của người dân châu Á, trong đó có Việt Nam, như vậy sẽ hạn chế sự phụ thuộc của khu vực này đối với hoạt động xuất khẩu vào phương Tây.
Nhìn nhận sự tăng trưởng của ngành công nghiệp tài chính tiêu dùng non trẻ đã được hỗ trợ bởi sự nới lỏng kiểm soát của chính phủ, bao gồm việc dỡ bỏ trần lãi suất, nhưng việc kinh doanh tại Việt Nam vẫn chịu nhiều vướng mắc từ thủ tục hành chính, ông Sud cho biết, vẫn còn có những thủ tục giấy tờ không cần thiết, đẩy chi phí của người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng lên cao. Viêc này không ảnh hưởng tới khả năng kinh doanh của các ngân hàng nhưng “tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức”.