Vai trò kinh tế tư nhân

Nguồn SGTT| 02/12/2009 04:46

Nền kinh tế sẽ như thế nào trong thời gian tới, khi các chính sách kích cầu giảm xuống, và về dài hạn, làm sao để Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế thị trường?

Vai trò kinh tế tư nhân

Nền kinh tế sẽ như thế nào trong thời gian tới, khi các chính sách kích cầu giảm xuống, và về dài hạn, làm sao để Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế thị trường? Giám đốc quốc gia ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Victoria Kwakwa, đặt vấn đề như trên tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - cuộc đối thoại thường niên giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tổ chức hôm qua tại Hà Nội.

Giám đốc IFC, Simon Andrews, nói: “Nếu thời điểm này Việt Nam không đẩy nhanh cải cách, thì có thể mất đi tính cạnh tranh của nền kinh tế”.

Và bà đã tự trả lời: "Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân phải được cải thiện để Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn trong tương lai".

Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) Thomas Siebert chia sẻ đánh giá này: "Một chiến lược dài hơi cần phải lấy khu vực tư nhân làm động lực". Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Trần Anh Vương, nói thêm: "Phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân là động lực giúp cho nền kinh tế có nhiều đầu kéo hiệu quả hơn". 

Tuy nhiên, những gợi ý không mới của hai vị này này bị thách thức bởi hàng loạt các rào cản kinh doanh mà họ, cũng như các đại diện khác thuộc giới doanh nghiệp tư nhân cả trong và ngoài nước nêu ra tại Diễn đàn. Ông Vương nói: "Tất cả các con số đều chỉ ra rằng hiệu quả đầu tư vốn ở các tập đoàn kinh tế nhà nước đều thấp hơn so với các doanh nghiệp dân doanh cùng ngành, thậm chí 45% số tập đoàn nhà nước hoạt động lỗ, thì nguồn lực chung của xã hội, hay cụ thể hơn là lợi thế về cơ chế, tài nguyên vẫn chỉ hướng vào khu vực kém hiệu quả này".

Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (Eurocham), Alan Cany, cho rằng, đường hướng đúng đắn của chính phủ trong tình hình hiện nay là thay đổi cơ cấu kinh tế, mà một trong những biện pháp cụ thể là "Chính phủ nên đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá". Cách thức này, ông nói, sẽ "giúp tăng năng suất và phát huy tối đa các tiềm năng tăng trưởng còn tiềm ẩn của quốc gia". "Chúng tôi tin rằng, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh toàn bộ nền kinh tế", ông Cany nói thêm.

Về phần doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông cho rằng, những trở ngại chủ yếu của họ là hạ tầng, nguồn nhân lực, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và thiếu minh bạch trong quy trình chính sách.

Trong khi đó, ông Thomas Siebert thuộc AmCham nói rằng, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đặc biệt quan tâm đến Đề án 30 của chính phủ liên quan đến nỗ lực cải cách nền hành chính đang đè nặng lên hoạt động kinh doanh. Ông nói: "Nếu thủ tướng thực hiện các biện pháp mà ông đã hứa, thì thế giới sẽ biết rằng Việt Nam nghiêm túc trong cải cách và trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh tốt hơn.

Nếu dự án này không tiến triển, thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ nghi ngờ quá trình cải cách và cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam". Ông Siebert cũng nói, minh bạch, quản trị và chống tham nhũng là các thách thức lớn của Việt Nam và là "mối quan ngại hàng đầu của 70% các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam" trong vòng vài năm qua. 

Bất chấp những trở ngại trên, niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân vào môi trường làm ăn ở Việt Nam không ngừng tăng lên. Một nghiên cứu của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) công bố tại diễn đàn cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam được mức điểm 2,62/4 cho năm 2010 và 2,9/4 cho năm 2011-2012, mức tương đối cao. Tuy nhiên, Giám đốc IFC, Simon Andrews, nói: “Nếu thời điểm này Việt Nam không đẩy nhanh cải cách, thì có thể mất đi tính cạnh tranh của nền kinh tế”.

Đại diện chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư, Võ Hồng Phú, lắng nghe những lời kiến nghị mà ông đã quá quen thuộc trong nhiều diễn đàn trước đó. Ông Phúc nhận xét: "Ngày nay, môi trường đầu tư của Việt Nam đã trở nên bình đẳng hơn, dù còn một số lĩnh vực chúng ta còn phải bảo hộ, nhưng đúng lộ trình WTO. Tôi có thể khẳng định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam có được trong những năm qua là nhờ khu vực kinh tế tư nhân đóng góp".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vai trò kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO