Trao Giải thưởng và Học bổng KOVA 2014

P.T| 14/12/2014 01:16

116 cá nhân và tập thể đã được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng và Học bổng KOVA 2014 diễn ra ngày 13/12 tại Hà Nội.

Trao Giải thưởng và Học bổng KOVA 2014

116 cá nhân và tập thể - bao gồm 7 công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng đem lại hiệu quả cao; 5 tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội và 104 giải và học bổng dành cho sinh viên vượt khó, đạt nhiều thành tích trong học tập - đã được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng và Học bổng KOVA 2014 diễn ra ngày 13/12 tại Hà Nội.

Cụ thể:

Học bổng cho sinh viên:

Trong số 88 sinh viên nhận học bổng, có 17 em là người dân tộc, đặc biệt có 17 em mất bố hoặc mẹ. Học bổng năm nay là những sinh viên đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng các em vẫn cố gắng vươn lên học giỏi đạt từ 8.0 trở lên.

Giải thưởng cho sinh viên:

16 sinh viên nhận giải đều đạt điểm trung bình từ 9.0 trở lên, có đề tài nghiên cứu đạt kết quả tốt và được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Giáo Dục Đào tạo cũng như của trường và của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu khoa học:

Tập thể: 3 giải tập thể

1. Tập thể Tiến sĩ, Bác sĩ, Kỹ sư - Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y Tế): đề tài “Nghiên cứu thiết kế, sản xuất thành công 1.500 thiết bị rửa tay tự động bằng nước vô trùng nóng lạnh”. Thiết bị góp phần khắc phục tình trạng nhiễm khuẩn trong các bệnh viện và các cơ sở y tế, giá thành rẻ chỉ 15 triệu đồng trong khi giá nhập ngoại từ 7.000 USD - 10.000 USD. Đề tài do KS Trần Hữu Cộng chủ nhiệm.

2. Tập thể Kỹ sư, Dược sĩ Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định: Đề tài: “Nghiên cứu và bào chế thành công thuốc tiêm đông khô Carboplatin dùng điều trị ung thư, đã được 25 Bệnh viện trung ương, địa phương sử dụng điều trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả rât tốt”, đáp ứng với nhu cầu người bệnh, giá thành chỉ bằng 1/2 so với thuốc nhập ngoại. Hiện loại thuốc này đã được Bộ Y Tế cho phép lưu hành trong cả nước để phục vụ kịp thời bệnh nhân bị ung thư. Đề tài do Thạc sỹ Bành Thị Ngọc Quỳnh – GĐ công ty chủ nhiệm.

3. Tập thể Bác sĩ, Kỹ sư Công ty TNHH Công nghệ Long Phương: Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thành công 450 thiết bị phẫu thuật điện cao tần (dao mổ điện cao tần) thay thế hàng nhập ngoại, đã chuyển giao cho hơn 300 Bệnh viện từ trung ương đến địa phương trong cả nước, sử dụng phẫu thuật đạt hiệu quả an toàn cho hàng triệu ca”. Đề tài do KS Lê Mạnh Tuấn - GĐ Công ty chủ nhiệm.

Cá nhân: 4 giải cá nhân

1. Thạc Sỹ Nguyễn Thị Vang - Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam: Đề tài: “Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng lúa nước vùng đồng chiêm trũng giúp nông dân từ sản xuất nhỏ lẽ manh mún sang sản xuất có qui mô lớn tập trung”. Đề tài này xuất phát từ nhu cầu thực tế ở địa phương. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà tổng giá trị sản xuất các cây trồng từ 270 tỷ đồng năm 2006 đến nay đạt 1.017 tỷ đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con toàn tỉnh.

2. Bác sĩ - Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Đình Đức - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ninh Bình: Đề tài: “Nghiên cứu tháo lồng ruột trẻ em bằng bơm hơi tại giường cho 972 bệnh nhi đạt kết quả tốt trong 10 năm tại Bệnh viện đa khoa Ninh Bình”. Với kỹ thuật tháo lồng ruột cho trẻ bằng bơm hơi đơn giản, tiến hành ngay tại giường bệnh không cần theo dõi màn hình tăng sáng sẽ tránh được nhiễm tia xạ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng như cho nhân viên y tế, bệnh nhân chóng phục hồi, chỉ sau 24 giờ bệnh nhân được ra viện, giảm chi phí cho gia đình và tỷ lệ tử vong giảm đáng kể.

3. Kỹ sư Trần Ngọc Hải Bình - Chi Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nam Định: Đề tài: “Nghiên cứu sử dụng lá sắn thuyền chữa bệnh đốm đỏ cho cá trắm cỏ trong giai đoạn chuyển mùa”. Ưu điểm: dùng thảo dược tự nhiên để phòng bệnh, sử dụng lá sắn thuyền để chữa bệnh cho cá là một giải pháp rất hiệu quả, bền vững, như vậy cứ 1 ha làm lợi được 85,5 triệu đồng. Đồng thời tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, giảm chi phí cho người sản xuất.

4. Ông Bùi Sỹ Tới - Thôn Trung Tâm xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái: Đề tài: “Nghiên cứu sản xuất máy cày, máy bừa mini để giúp bà con dân tộc ít người cày bừa trên các ruộng bậc thang ở vùng sâu, vùng cao tỉnh Yên Bái và các tỉnh vùng núi phía Bắc”. Các máy cày, máy bừa do anh sản xuất có thể di chuyển lên xuống bình thường các ruộng bậc thang cao hơn 1 mét với các tính năng ưu việt như: thân máy gọn nhẹ, phần thân chắc chắn và tiêu tốn ít xăng dầu.Tính đến nay anh đã sản xuất 600 máy phục vụ cho các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh phía Nam.

GS.TSKH Nguyễn Thị Doan (thứ ba từ phải qua) – Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Ủy ban giải thưởng KOVA trao giải thưởng cho các cá nhân được vinh danh

Tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội

Tập thể: 1 giải tập thể

1. Cán bộ ban chấp hành Hội Phụ Nữ xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai: Trong những năm qua, Ban lãnh đạo Hội đã xây dựng “Kho thóc tình thương” và mô hình “Nuôi bò tình thương”, góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số Gia Lai bằng những việc làm gây quỹ để những chị em nghèo có vốn phát triển kinh tế gia đình. Các mô hình này rất phù hợp và thiết thực với điều kiện thực tế tại địa phương, đã giúp rất nhiều hội viên thoát nghèo.

Cá nhân: 4 giải cá nhân

1. Bà giáo Hồ Hương Nam - Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội: năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng trong suốt 16 năm qua, bà đã tận tụy đem cái chữ đến cho những trẻ có mảnh đời bất hạnh ở Hà Nội. Điều đáng nói là bà không thu một đồng nào trong suốt thời gian học, thậm chí bà còn bỏ tiền lương ít ỏi cuả mình để mua sách vở, đồ dùng dạy học và mua quà cho các cháu.

2. Bác sĩ Phạm Thị Đào - Giám đốc Trung Tâm phòng chống HIV/AIDS TP. Đà Nẵng: là một bác sĩ suốt 17 năm hết lòng với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Chị đã khám và điều trị cho họ và coi bệnh nhân như những người thân của mình.

3. Bà Lê Thị Diệu Châu - Phó Chủ tịch Hội người mù TP. Đà Nẵng: Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng chị vẫn vượt lên để làm đẹp cho xã hội. Chị đã tổ chức dạy ngoại ngữ, tin học và dạy nghề để tạo việc làm cho những người có cùng cảnh ngộ, giúp họ ổn định tư tưởng hòa nhập với cộng đồng.

4. Bà Vàng Thị Mai - Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang: chị đã tạo công việc làm ăn với nguồn thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng cho chị em dân tộc ở vùng sâu, vùng cao huyện Quản Bạ. Đến nay đã có 30 mặt hàng thổ cẩm từ cây lanh có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm của Hợp tác xã đã được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Pháp, Anh... ưa chuộng và trở thành đối tác thân thiết và bền vững.

Đây là sự kiện thường niên uy tín được Tập đoàn sơn KOVA khởi xướng từ năm 2002. Sau 12 năm tổ chức, Giải thưởng và Học bổng KOVA đã trao tặng cho hàng ngàn cá nhân và tập thể, trở thành nguồn động lực quan trọng của giới sinh viên, trí thức và góp phần đem lại nhiều lợi ích to lớn cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trao Giải thưởng và Học bổng KOVA 2014
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO