TP.HCM: Tập trung đào tạo nhân lực phục vụ cải cách hành chính

Bài, ảnh: LÊ LOAN| 04/03/2015 07:55

Cho rằng kết quả công tác cải cách hành chính hiện nay chưa được như kỳ vọng, Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, tới đây thành phố sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực.

TP.HCM: Tập trung đào tạo nhân lực phục vụ cải cách hành chính

Sáng 3/3, tại hội trường Thành ủy TP.HCM đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp năm 2015. Chương trình do Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND TP.HCM tổ chức.

Báo cáo sơ lược tình hình kinh tế TP.HCM trong năm qua, Phó chủ tịch UBND Tất Thành Cang cho biết, thành phố đã thu hút 429 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh gần 3,2 tỷ USD, tăng 91,6% so với cùng kỳ; cấp phép thành lập mới 24.416 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đăng ký mới và bổ sung hơn 288.000 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Năm qua thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, hiệu quả hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất. Đặc biệt, UBND TP.HCM đã tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18//3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tham dự cuộc gặp gỡ, đại diện hơn 120 DN tiêu biểu thuộc các ngành nghề cơ khí, da giày, điện tử - CNTT, lương thực - thực phẩm, hạ tầng khu công nghiệp, hóa chất, nhựa, cao su... đã có nhiều trao đổi, kiến nghị đề xuất với thành phố và Trung ương về cơ chế, chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh - Giám đốc phần mềm Công ty TNHH Phần mềm FPT, dù rất được Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (nơi DN đang trú đóng) hỗ trợ, nhưng trong một số các tình huống liên quan đến vấn đề tạm nhập tái xuất các linh kiện phục vụ sản xuất, DN phải xin giấy phép từ rất nhiều Bộ, ngành. Điều này khiến DN mất nhiều thời gian, đôi khi lên đến 3 tháng.

“Nên chăng chuyển quyền này cho Khu Công nghệ cao, để nơi đây phát huy tối đa nhiệm vụ của mình”, ông Quỳnh đề xuất.

Đại diện DN này còn đề cập đến vấn đề thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo ông Quỳnh, chi phí lương cho các chuyên gia đầu ngành, nhân sự trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ cao là rất lớn, nếu Nhà nước có những chính sách ưu đãi về thuế TNCN thì việc thu hút đội ngũ nhân sự vào làm việc cho công ty sẽ được thuận lợi hơn.

Đại diện DN đã có nhiều trao đổi, kiến nghị đề xuất với thành phố và Trung ương về cơ chế, chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố

Nói về nhận sự, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Tổng giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) cũng cho rằng, chất lượng đội ngũ công chức của Việt Nam giỏi, tuy nhiên chưa được đãi ngộ tốt. Kết quả một cuộc khảo sát về thu nhập của công chức cho thấy, trên 79% có thu nhập ngoài lương. Đây là điều đáng buồn. Nên chăng, cần tạo ra một nguồn vốn vay từ người dân để đầu tư vào đội ngũ công chức Việt Nam, nhằm dần hình thành một đội ngũ vừa giỏi vừa tinh gọn, như vậy mới có thể hỗ trợ tốt cho hoạt động kinh doanh của DN.

Ở lĩnh vực cơ khí, bà Lã Thị Lan - Tổng giám đốc Công ty Tiến Lộc kiến nghị, thành phố nên chọn những sản phẩm chủ lực để hỗ trợ, chẳng hạn như đồ điện gia dụng, máy biến áp… Hiện tại các DN ngành sản xuất cơ khí nói chung và cơ khí điện nói riêng đang hoạt động trên địa bàn thành phố đều đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất các sản phẩm đầu cuối.

Đại diện cho khối DN, ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay, giai đoạn 2015 - 2020 là giai đoạn hội nhập sâu, rộng, đầy đủ với nền kinh tế toàn cầu và khu vực. Đây thực sự là những cơ hội lớn và thách thức cũng không nhỏ đối với cộng đồng DN Việt Nam. Vì vậy, kiến nghị lãnh đạo thành phố xác định rõ vai trò của DN là lực lượng đi đầu để thực hiện mục tiêu “phát triển kinh tế là trung tâm”, lấy năm 2015 là năm “của DN vì DN”.

Theo ông Minh, khâu tổ chức thực hiện (giải pháp - biện pháp) và thủ tục hành chính đã cản trở không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và người dân trong những năm qua. Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chủ trương 1, biện pháp phải 10, quyết tâm phải có 20”, ông Minh cho rằng, thực tế chủ trương chính sách quá nhiều, DN rất quan tâm nhưng khó khăn khâu hướng dẫn (giải pháp, biện pháp) rất chậm chạp. Vì thế, cộng đồng DN mong muốn các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ công chức nhà nước có tâm, đủ tầm, thực sự đồng hành, cầm tay chỉ việc, chia sẻ cùng DN; coi việc thành công hay thất bại của DN có phần trách nhiệm của mình. Qua đó sẽ tạo được lòng tin, tạo sự an tâm cho DN, để DN tập trung đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh mạnh hơn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đánh giá cao sự nỗ lực của DN trước những khó khăn, thách thức. Bí thư đề nghị các sở, ngành thành phố phải tiếp tục tập trung giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cho rằng kết quả công tác cải cách hành chính hiện nay chưa được như kỳ vọng, Bí thư khẳng định, tới đây thành phố sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực, những vướng mắc ngoài thẩm quyền, thành phố sẽ kiến nghị lên Trung ương. Đồng thời, thành phố cũng tập trung đội ngũ cán bộ, công chức, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân giám sát chính quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Tập trung đào tạo nhân lực phục vụ cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO