TP.HCM: Lo ngại nguy cơ lây nhiễm tại công sở

Băng Tâm| 29/05/2021 03:27

Ngoài chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, trong số 90 ca nhiễm mới tại TP.HCM thì có 25% số ca lây lan trong môi trường làm việc.

Tính đến 12 giờ trưa ngày 29/5, TP.HCM phát hiện thêm 22 ca nhiễm mới, đều liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Trước đó, theo báo cáo của UBND TP.HCM tại buổi họp trực tuyến Chính phủ sáng 29/5, trong tổng số những ca lây nhiễm trong đợt dịch thứ 4, có 55% bệnh nhân lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo, 25% lây nhiễm tại nơi làm việc, 15% lây nhiễm trong gia đình, và 5% lây nhiễm trong quan hệ bạn bè. 

Phong tỏa tạm thời một doanh nghiệp tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú vì có F1 liên quan thai phụ dương tính SARS-CoV-2 (ảnh: Phú Thọ)

Phong tỏa tạm thời một doanh nghiệp tại phường Tây Thạnh, Q. Tân Phú vì có F1 liên quan thai phụ dương tính SARS-CoV-2 (Ảnh: Phú Thọ)

25% ca nhiễm mới lây lan trong công sở

Như vậy, ngoại trừ chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng thì nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm. 

Thực tế đã ghi nhận bệnh nhân 6296 đã lây bệnh cho 3 người làm cùng công ty và 1 người làm khác công ty nhưng chung tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ. Hoặc bệnh nhân 6291 đã lây bệnh cho 4 bệnh nhân khác cùng làm công ty Con-cen-trix tại công viên phần mềm Quang Trung. Đây là mối lo lớn cho trung tâm kinh tế, công nghệ như TP.HCM.

TP.HCM hiện đang lưu hành cả 2 biến chủng siêu lây nhiễm là biến chủng Anh và biến chủng Ấn Độ. Đặc biệt, chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng do chủng Ấn độ đã ghi nhận 64 ca, trong đó có 37 người trực tiếp sinh hoạt hội truyền giáo. 

Ca bệnh đã xuất hiện rải rác tại hơn 50% quận, huyện của TP.HCM, với đặc điểm chủng virus lây nhanh, mạnh nên nguy cơ dịch tiếp tục lây lan tại TP.HCM là rất cao, do mức độ người dân đi lại và giao lưu, tiếp xúc trong lao động, học tập, sinh hoạt; thậm chí có thể lây lan đến các tỉnh thành lân cận.

Chẳng hạn như: bệnh nhân ở Long An là nhân viên khách sạn Sheraton; một bệnh nhân khác sống ở Bình Dương nhưng lại bị lây nhiễm ở nơi làm việc là Công ty Con-cen-trix thuộc công viên phần mềm Quang Trung.

Về biểu hiện bệnh, các chuỗi lây nhiễm đều được phát hiện qua sàng lọc bệnh nhân đến khám bệnh; ngoài ra chuỗi lây nhiễm liên quan đến ca phát hiện tại bệnh viện Hoàn Mỹ không có yếu tố dịch tễ cho thấy có thể dịch đã lan truyền âm thầm trong TP.HCM mà không phát hiện được dù đã rất nỗ lực giám sát.

Nguy cơ đối với các khu công nghiệp

TP.HCM cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh làm việc trong 2 khu công nghiệp lớn là Khu Công nghiệp Tân Bình và Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Ngoài ra, cũng không loại trừ, có thể có một số người sinh hoạt Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp. 

Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động, có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây chưa được phát hiện, kiểm soát từ các ổ dịch cũ hoặc từ các địa phương khác hoặc có các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Lo ngại nguy cơ lây nhiễm tại công sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO