Tăng trưởng 2020: Tích cực nhất cũng chỉ trên 5%

Song Anh| 10/04/2020 00:00

Nếu hết dịch Covid-19 trong quý II, tăng trưởng đạt trên 5% đã được xem là tích cực”, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định.

Tăng trưởng 2020: Tích cực nhất cũng chỉ trên 5%

* Tăng trưởng kinh tế quý I/2020 dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với mức đề ra của Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ. Như vậy, theo ông, sẽ ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020?

- Mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm 2020 đã được cho là khó, nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay, mục tiêu này rất khó đạt được, dù Chính phủ đang cố gắng hết mức để giảm thiểu khó khăn cho nền kinh tế. Chỉ tính riêng ngành du lịch, ước tính thiệt hại có thể lên tới 5-7 tỷ USD, cho thấy tình hình là cực kỳ nghiêm trọng. 

Các tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đều thống nhất phải điều chỉnh giảm mức tăng trưởng kinh tế thế giới. Với thực trạng kinh tế của Việt Nam hiện nay, dù hết dịch trong quý II, tăng trưởng trên 5% đã là một chỉ báo rất tích cực. Tăng trưởng có thể sẽ ở mức thấp hơn nếu dịch kéo dài đến hết năm 2020. 

* Theo ông thì tại sao tới thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế?

- Việc đó do Chính phủ quyết định. Bây giờ, vấn đề quan trọng nhất là dập dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh. Điều tra mới nhất với 1.200 doanh nghiệp, nếu dịch kéo dài đến tháng 6, có thể làm 80% doanh nghiệp phá sản. 

Không phải ngẫu nhiên mà những ngày gần đây, chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Chính phủ càng quyết liệt, bởi nếu không dập được dịch, mọi nỗ lực khác đều bằng 0. Chỉ thị 11 của Chính phủ Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 được ban hành rất nhanh, hành động của Ngân hàng Nhà nước và một số bộ ngành cũng khá kịp thời. Hỗ trợ chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp có thể làm ngân sách thâm hụt ở mức lớn hơn trong bối cảnh nguồn thu giảm. Do đó, về cơ bản vẫn phải giữ được sự cân đối ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, nếu ngân sách nhà nước bị phá vỡ sẽ dẫn đến hoảng loạn.

* Ông nói gì về khả năng kinh tế Việt Nam rơi vào suy thoái?

- Suy thoái kinh tế do Covid-19 hiện hữu rõ hơn đối với kinh tế thế giới. Trước đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng 2,8% trong năm 2020, nhưng nay chỉ còn 1,5%, tính chung cho các nước phát triển và đang phát triển. Đối với các nước phát triển, suy thoái đã diễn ra sau hai quý liên tục tăng trưởng âm. Hiện nay, một số nước đã có dấu hiệu suy thoái một quý. Dự báo mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể âm trong quý I, chậm nhất là quý II, trong khi kinh tế Nhật Bản cũng có dấu hiệu suy thoái. Thế nhưng, suy thoái kinh tế ở các nước đang phát triển lại gây nhiều tranh cãi. 

Theo tính toán của ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể chỉ từ 3-4% và có thể mất hơn 3,7 tỷ USD GDP cùng khoảng 750.000 việc làm. Như vậy, nếu chỉ tăng trưởng 3-4 % thì đó là mức tăng trưởng thấp so với các nước đang phát triển, nhưng với các nước phát triển, mức tăng trưởng này lại là quá tốt. 

* Như vậy, Việt Nam cần một gói kích thích kinh tế...

- Tôi tin rằng, Chính phủ sẽ sớm có gói kích thích kinh tế. Đến nay, Việt Nam chưa nới lỏng tài khóa nhiều, mới chỉ hạ lãi suất xuống mức thấp hơn, còn gói 285.000 tỷ đồng là của các ngân hàng thương mại triển khai theo tín hiệu thị trường. 

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng trưởng 2020: Tích cực nhất cũng chỉ trên 5%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO