Rối rắm như số liệu FDI

28/05/2012 06:26

Có không dưới 40 cách tính khác nhau để xác định lượng vốn FDI đã đổ vào Việt Nam.

Rối rắm như số liệu FDI

Có không dưới 40 cách tính khác nhau để xác định lượng vốn FDI đã đổ vào Việt Nam. Các số liệu thống kê công bố gần đây cho thấy, vốn FDI thực hiện của Việt Nam luôn vượt xa các con số ước tính của các tổ chức quốc tế lớn. Sự rối rắm, bất nhất của các số liệu thống kê FDI khiến cho công tác quản lý và kết quả dự báo kinh tế nói chung trở nên kém tin cậy.

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vừa báo cáo về tiến độ dự án Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh. Theo đó, tổng vốn đầu tư của dự án này đến nay đã tăng lên thành 22 tỷ USD.

Hiện tại, việc tăng vốn đã và đang được tập đoàn Formosa chuẩn bị và có thể sẽ chính thức công bố nay mai.

Nếu kế hoạch này sớm hoàn tất, số liệu về thu hút FDI của Việt Nam có thể thay đổi đáng kể trong một năm ảm đạm.

Ban đầu, tổ hợp này có vốn đăng ký cả hai giai đoạn là 16 tỷ USD, nếu tăng thêm 6 tỷ USD, dù mới là đăng ký, cũng có thể làm đẹp các báo cáo chính thức về FDI vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả không phải là con số đăng ký mà là con số thực hiện trên thực tế.

Bộ hỏi, địa phương thờ ơ

Việt Nam hiện có gần 10 ngàn dự án FDI đang hoạt động, mỗi một dự án điều chỉnh vốn sẽ góp phần làm thay đổi tổng thể bức tranh thu hút.

Điều đáng tiếc là số liệu lại không được cập nhật thường xuyên, liên tục về cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này là Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Mới đây, để có cơ sở thực hiện Chỉ thị 1617/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, Cục này đã có công văn yêu cầu các bộ ngành và tỉnh thành phải cập nhật tình hình thu hút FDI.

Nhưng hết thời hạn báo cáo, chỉ có 7 bộ, ngành và 48 địa phương gửi báo cáo, với nội dung nhìn chung khá sơ sài và mang tính… đối phó!

Một ví dụ khác, gần đây báo chí đã phát hiện ra việc số liệu thống kê FDI của Hà Nội đã không thống nhất với số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/4/2012, Hà Nội đã thu hút được 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 4,6 triệu USD, đồng thời đã có 7 dự án tăng vốn với lượng vốn đăng ký tăng thêm là 92,8 triệu USD.

Trong khi đó, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, trong quý I/2012, toàn thành phố có 64 dự án cả cấp mới và tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 147,6 triệu USD.

Từ năm 2006 đến nay, với việc Chính phủ phân cấp rộng rãi cho các địa phương trong việc quản lý FDI, việc báo cáo số liệu về Bộ Kế hoạch và Đầu tư không còn được quan tâm như trước.

Các doanh nghiệp vẫn báo cáo cho các tỉnh thành, nhưng các tỉnh thành thì thường không mặn mà với việc báo cáo về bộ nữa, dẫn đến nhiều câu chuyện hết sức khôi hài. Chẳng hạn, vào năm 2008, số liệu tổng kết về vốn FDI đăng ký đã tăng thêm… 7 tỷ USD sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư được "cập nhật" lại.

Câu hỏi về sự minh bạch

Gần đây nhất, một báo cáo về FDI do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) thực hiện cũng nhấn mạnh đến sự bất cập trong thống kê vốn FDI vào Việt Nam.

Báo cáo này cho biết, theo báo cáo FDI toàn cầu tháng 7/2010 của UNCTAD thì vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đến cuối năm 2009 là 44 tỷ USD. Trong khi đó, theo niên giám thống kê của Việt Nam, con số đó là 67 tỷ USD, nếu trừ đi 20% vốn trong nước thì còn 54 tỷ USD, tức là chênh lệch tới… 10 tỷ USD.

Những khác biệt này dường như đang được mặc nhiên chấp nhận, mặc dù nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của các quyết định liên quan đến kinh tế vĩ mô.

IMF trước đây từng cảnh báo về sự khác biệt cơ bản trong các số liệu báo cáo về các khoản vay liên quan tới FDI giữa nguồn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tổ chức này đã đặt câu hỏi về sự minh bạch của hệ thống tài chính và đề nghị nâng cao mức độ tin cậy của các tổ chức cho vay đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

Chưa kể, với những doanh nghiệp "đặc thù" như Công ty Liên doanh Vietsovpetro thì số liệu không những không được công bố công khai mà các báo cáo về hoạt động của liên doanh này còn không được tính chung trong các báo cáo về hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp có vốn FDI.

Tuy nhiên, hoạt động của liên doanh này lại vẫn được công nhận trong báo cáo của các tổ chức nước ngoài.

Theo các chuyên gia, khi không có sự thống nhất về số liệu thống kê cũng như không cải thiện được quy trình làm thống kê, sẽ không ngạc nhiên nếu giới đầu tư và chuyên gia quốc tế tiếp tục nghi ngờ tính xác thực của các báo cáo kinh tế và xa hơn nữa, là các chính sách kinh tế của Việt Nam!

Có đến 40 cách tính lượng vốn FDI vào Việt Nam

TS Curt Nestor, đến từ Đại học tổng hợp Goterborg (Thụy Điển), đã hoàn tất một công trình nghiên cứu nổi tiếng về thống kê số liệu FDI tại Việt Nam vào năm 2008.

Ông đã phát hiện rằng, có không dưới 40 cách tính khác nhau để xác định lượng vốn FDI đã đổ vào Việt Nam. Các số liệu thống kê công bố gần đây cho thấy, vốn FDI thực hiện của Việt Nam luôn vượt xa các con số ước tính của các tổ chức quốc tế lớn.

Theo Tiến sĩ Curt, vấn đề khác biệt số liệu có thể có nguồn gốc từ định nghĩa FDI. Định nghĩa về FDI được chấp nhận rộng rãi nhất hiện nay do IMF/OECD đưa ra là dựa trên khái niệm về cán cân thanh toán.

Nói một cách vắn tắt, một nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (công ty mẹ) ở một quốc gia thực hiện một dự án đầu tư tại một quốc gia khác bằng cách thiết lập một công ty có vốn FDI (công ty con) tại quốc gia đó.

Định nghĩa tiêu chuẩn về dòng vốn FDI chảy vào nghĩa là nguồn tài chính do nhà đầu tư cấp trực tiếp cho công ty con và bao gồm ba thành phần chính: vốn cổ phần, các khoản tái đầu tư và các khoản vay từ công ty mẹ (vay trong nội bộ công ty).

Vào thời điểm tiến sĩ Curt tiến hành nghiên cứu của mình, số liệu thống kê được thực hiện dựa trên các báo cáo bắt buộc mà các doanh nghiệp FDI định kỳ gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, mạng lưới thống kê của Việt Nam vẫn còn thiếu hụt, đồng thời không phải lúc nào các nhà đầu tư cũng thực hiện báo cáo đầy đủ và đúng thời gian. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các các cơ quan thống kê địa phương lại chỉ có trách nhiệm hạn chế trong việc kiểm chứng mức độ chính xác của các số liệu báo cáo từ phía các nhà đầu tư.

Vậy nên, Tổng cục Thống kê đưa ra các số liệu FDI thực hiện ước tính dựa trên khái niệm bao hàm tất cả các nguồn vốn của một dự án FDI.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rối rắm như số liệu FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO