Nên để người dân chủ động phòng dịch

GS. Nguyễn Văn Tuấn| 03/08/2021 09:53

Chúng ta không nên làm công an giám sát y tế công cộng. Y tế công cộng chỉ có hiệu quả khi người dân hiểu và tin rằng họ biết cách phòng dịch. Để việc phòng, chống dịch hiệu quả, TP.HCM nên đặt lại thứ tự: người dân phòng dịch và giới chức y tế là người hướng dẫn.

Hiệu quả chống dịch qua số ca nhiễm mỗi ngày của TP.HCM

Số ca nhiễm của TP.HCM đang tăng cao. Một trong những câu hỏi là số ca sẽ tăng đến khi nào. Rất khó trả lời câu hỏi này vì cơ chế lây lan của bệnh truyền nhiễm rất khác với các bệnh không lây, và thực tế này dẫn đến việc dự báo khó khăn.

Tuy nhiên, bắt đầu bằng mô hình dịch tễ học đơn giản SIR (susceptible - infection - recovery). Theo mô hình này, chúng ta có một cộng đồng gồm những người có nguy cơ lây nhiễm (S), một số người bị nhiễm (I), và một số lớn hơn bình phục (R).

So sánh số ca nhiễm thực tế (Observed, màu hồng) và số ca nhiễm dự báo (Predicted, màu xanh) theo mô hình SIR

So sánh số ca nhiễm thực tế (Observed, màu hồng) và số ca nhiễm dự báo (Predicted, màu xanh) theo mô hình SIR

Dựa vào số ca báo cáo hàng ngày tại TP.HCM, tính từ 1/7 đến nay, tôi thử phân tích mô hình SIR, và thấy rằng số ca nhiễm thực tế thấp hơn số ca nhiễm tiên lượng. Chẳng hạn như ngày 23/7, theo mô hình SIR, tôi tiên lượng tổng số ca tích lũy là 44.255, nhưng trong thực tế tổng số ca nhiễm tích lũy chỉ là 43.936, hay như ngày 25/7 tổng số ca nhiễm tiên lượng (64.057) cao hơn tổng số ca nhiễm thực tế (51.817).

Số ca nhiễm thực tế thấp hơn số ca nhiễm dự báo có thể xem là một tín hiệu tích cực.

Nên để người dân và doanh nghiệp chủ động phòng dịch

Tôi thấy ưu điểm lớn nhất trong các biện pháp phòng, chống dịch của TP.HCM là thay đổi chính sách cách ly tại nhà với những F0 không có triệu chứng.

Qua truyền thông, tôi được biết rằng TP.HCM đang chuyển chiến lược sang điều trị và giảm tử vong. Tôi nghĩ đây cũng là chiến lược đúng và là mục tiêu thực tế nhất trong lúc dịch đang ở mức khá cao.

Nhìn vào cách chống dịch của TPHCM, giới chức y tế đang là người điều hành và chủ động, còn người dân là 'thụ động' làm theo. Nhưng với tình hình hiện nay, tôi nghĩ phải đặt lại thứ tự: người dân phòng dịch và giới chức y tế là người hướng dẫn.

Phòng, chống dịch phải và nên bắt đầu từ cá nhân. Chúng ta phải nhấn mạnh rằng mỗi người phải có nhiệm vụ ngăn chặn virus. Cách làm đơn giản nhất là mỗi cá nhân không rời nhà nếu không có nhu cầu chính đáng và cần thiết. Việc không viếng thăm thân nhân hay bạn hữu cũng là cách bảo vệ họ và giữ họ an toàn.

Chúng ta không bao giờ và không nên làm công an giám sát y tế công cộng. Y tế công cộng chỉ có hiệu quả khi người dân hiểu và tin rằng họ biết cách phòng dịch.

Tình trạng các khu nhà trọ mật độ dân số rất cao như TP.HCM là một khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.  Nếu chúng ta có 5-6 người sống trong một căn nhà nhỏ, thì quả thật rất khó giữ khoảng cách an toàn trong mùa dịch. Nên chăng chúng ta tập trung xét nghiệm, truy vết và dành ưu tiên vaccine cho những khu vực nguy cơ cao như các khu nhà trọ.

Ở Úc cũng có vấn đề này, và họ phát hiện là đa số những ca nhiễm gần đây ở thành phố Sydney xảy ra ở những nơi tập trung đông dân lao động nghèo, người mới nhập cư, kể cả những gia đình đông người sinh sống trong một diện tích chật hẹp. Do đó, giới chức y tế Sydney tập trung xét nghiệm ở những nơi này để phát hiện những ca nhiễm (hay nghi nhiễm) và ưu tiên tiêm vaccine cho số dân ở đây.

Đặt số ca dương tính trong đúng bối cảnh

Những ngày gần đây số ca nhiễm ghi nhận tại TPHCM đều lên đến hàng ngàn ca. Trong đại dịch, con số thống kê rất quan trọng, bởi vì nhà chức trách dựa vào đó mà hoạch định chính sách. Nhưng trong dịch Covid-19, một trong những con số dễ gây hiểu lầm là “số ca nhiễm”. 

Các cơ quan hữu trách, báo chí trong và ngoài nước cung cấp cho chúng ta con số ca nhiễm mỗi ngày. Chẳng hạn như báo chí hay viết theo công thức, ví dụ: "Hôm nay, TP.HCM có thêm 4.555 ca nhiễm Covid-19".  Thay vì viết ngắn ngủn như vậy, báo chí hãy viết khác đi, ví dụ:  “TP.HCM có thêm 4.555 ca nhiễm nhưng hầu hết số ca đó đều là nhẹ và không cần điều trị” thì người đọc sẽ yên tâm hơn.

Thật ra, con số đó không có nghĩa là 4.555 ca mắc bệnh, mà chính xác là những người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-Cov-2. Người có kết quả xét nghiệm dương tính chưa phải là mắc bệnh, bởi vì một số người có kết quả dương tính nhưng thật ra họ không bị nhiễm virus. Con virus dù đã chết nhưng phương pháp xét nghiệm PCR vẫn có thể phát hiện. Chưa kể không ít người có xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng bệnh.

GS. Nguyễn Văn Tuấn là Giám đốc chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia.

Ông hiện là GS. Y khoa của Đại học New South Wales, GS. của Đại học Công nghệ Sydney và GS. kiêm nhiệm (Adjunct professor) dịch tễ học và thống kê thuộc Đại học Notre Dame. Ông cũng là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia. Ở Việt Nam, ông là GS. danh dự của ĐH Dược Hà Nội, ĐH Đà Nẵng và ĐH Tôn Đức Thắng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nên để người dân chủ động phòng dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO