Năm 2016, ô tô nhập khẩu khẩu bước vào "cơn bão" tăng giá

12/01/2016 06:36

Nhiều khả năng từ nửa cuối năm 2016, giá bán lẻ của nhiều loại ôtô nguyên chiếc (có dung tích xi-lanh động cơ lớn) có thể tăng thêm một lần nữa...

Năm 2016, ô tô nhập khẩu khẩu bước vào

Do cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, giá bán lẻ các loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã bắt đầu tăng đồng loạt tăng kể từ đầu năm nay.

Đồng loạt tăng giá

Mới đây, liên doanh ô tô hạng sang duy nhất tại Việt Nam là Mercedes-Benz đã công bố bảng giá bán lẻ mới áp dụng từ ngày 1/1/2016. Trong đó, toàn bộ danh mục xe CBU của Mercedes-Benz Việt Nam bắt đầu tăng giá bán lẻ từ dưới 2% đến 10%.

Mức tăng giá cao nhất đến 1,8 tỷ đồng thuộc về mẫu xe địa hình G65 AMG, từ 14,699 tỷ đồng lên mức 16,499 tỷ đồng; mức tăng giá thấp nhất là 20 triệu đồng thuộc về mẫu xe CLA, từ 1,469 tỷ đồng lên mức 1,489 tỷ đồng; các mẫu xe khác như E200, E400, GLE400 4Matic, GL400 4Matic, S63 AMG… cũng tăng giá đáng kể, dao động trong khoảng 60 triệu đồng đến gần 400 triệu đồng.

Một hãng xe Đức khác là BMW cũng đã áp dụng các mức tăng giá đồng loạt với mức tăng từ 80 triệu đồng đến 640 triệu đồng.

Cụ thể, giá bán lẻ của mẫu xe 640i Gran Coupe tăng từ 3,64 tỷ lên 4,29 tỷ đồng, mẫu xe X6 xDrive30d tăng từ 3,389 tỷ lên 3,888 tỷ đồng, mẫu xe 118i tăng từ 1,299 tỷ lên 1,379 tỷ đồng…

Bảng báo giá của hãng xe thể thao Porsche cũng cho thấy những mức điều chỉnh giá tăng đáng kể.

Chẳng hạn, mẫu xe Panamera Turbo Executive tăng giá từ 9,34 tỷ đồng lên mức 11,74 tỷ đồng, mẫu xe Boxster tăng từ 3,02 tỷ đồng lên t3,27 tỷ đồng, Cayman tăng từ 3,09 tỷ đồng lên 3,3 tỷ đồng, 911 Carrera bản tiêu chuẩn tăng từ 5,53 tỷ đồng lên 6,36 tỷ đồng, 911 Turbo S tăng từ 11,26 tỷ đồng lên 12,08 tỷ đồng, Macan bản tiêu chuẩn tăng từ 2,69 tỷ đồng lên 2,98 tỷ đồng, Cayenne Turbo tăng từ 6,7 tỷ đồng lên 7,3 tỷ đồng.

Một số hãng xe khác dù chưa công bố chính thức song cũng đã bắt đầu tiến hành điều chỉnh giá bán lẻ.

Đơn cử như trường hợp của Ford. Bản thân mẫu xe vốn được thị trường mong chờ là Everest ngay khi được bán ra thị trường từ tháng 1/2016 đã khoác lên mình mức giá bị coi là cao ngất ngưởng.

Sở dĩ Everest có mức giá khá sốc chính là do đợt tăng giá chung của thị trường xe CBU do Everest thế hệ mới đã được nhập khẩu từ Thái Lan thay vì lắp ráp trong nước như trước đây.

Tại các đại lý, thời điểm này không ít người tiêu dùng đã rút lại tiền đặt cọc mua mẫu xe bán tải Ranger do trước đó, các nhân viên bán hàng chưa kịp cập nhật hoặc chưa chắc chắn về mức giá bán lẻ mới.

Còn đợt tăng nữa?

Đây là đợt tăng giá cưỡng bức của thị trường ôtô nhập khẩu do những tác động từ việc Chính phủ điều chỉnh chính sách liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trước đó, ngày 28/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo nghị định này, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) sẽ thay đổi đáng kể. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào ô tô CBU sẽ được tính trên giá bán buôn của nhà nhập khẩu thay vì chỉ tính trên giá CIF + thuế nhập khẩu như trước đây.

Với cách tính mới này, thuế tiêu thụ đặc biệt được tính trên cả những chi phí khác, bao gồm cả lợi nhuận, của nhà nhập khẩu khiến cho giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng bị đội lên cao.

Sau đó, ngày 24/11/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 195/2015/TT- BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 108 của Chính phủ. Theo nội dung thông tư, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu.

Đại diện một số hãng xe cho biết, thị trường ô tô vừa trải qua một năm bùng nổ, chính sách mới về thuế tiêu thụ đặc biệt đã giống như một gáo nước lạnh dội vào thị trường vốn đang đầy sức nóng.

Vì thế, bản thân các hãng xe không muốn làm lạnh thêm gáo nước khiến người tiêu dùng bị “sốc giá” và cũng không muốn tự làm khó chính mình bằng việc điều chỉnh giá theo đúng tác động thực tế từ chính sách.

Chưa kể, sau đợt tăng giá này, nhiều khả năng từ nửa cuối năm 2016, giá bán lẻ của nhiều loại ôtô CBU (có dung tích xi-lanh động cơ lớn) còn có thể tăng thêm một lần nữa nếu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Trong đó, giá vốn xe nhập khẩu bao gồm giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu. Trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Theo tính toán của các đơn vị nhập khẩu, với cách tính giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, giá bán lẻ các loại xe CBU sẽ tăng lên từ 3-10% so với thời điểm cuối năm 2015.

Mặc dù vậy, những điều chỉnh giá bán lẻ của nhiều nhà phân phối chính hãng cho thấy mức tăng giá ít nhiều “nhẹ” hơn so với tác động thực tế từ chính sách.

>Vì sao giá ô tô Việt Nam đắt hơn so với khu vực?

>Tháng 11/2015, lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh

>Ô tô nhập khẩu: Thị trường 21 tỷ USD

>Vì sao thuế nhập khẩu giảm, giá ô tô vẫn tăng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2016, ô tô nhập khẩu khẩu bước vào "cơn bão" tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO