Kinh tế 6 tháng đầu năm: Từ từ vượt dốc

02/07/2009 07:06

Các con số thống kê chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng quan tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2009 cho thấy nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.

Kinh tế 6 tháng đầu năm: Từ từ vượt dốc

Các con số thống kê chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng quan tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2009 cho thấy nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.

Thứ nhất,

tăng trưởng của một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng có sự suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước, GDP tăng 6,5%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,5%, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thuỷ sản tăng 4,5%, GDI thực hiện 4,9 tỷ USD, xuất khẩu 30,7 tỷ USD, nhập khẩu 44,5 tỷ USD...).

Thứ hai, nếu tăng trưởng kinh tế quý 1 được coi là mức đáy thì quý 2 đã có dấu hiệu thoát đáy vượt dốc đi lên, khi tốc độ tăng của một số chỉ tiêu chủ yếu quý 2 nói riêng và 6 tháng nói chung cao lên. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6 đã tăng 8,2%, 6 tháng tăng 4,8%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp- thuỷ sản 6 tháng tăng 2,6%, đặc biệt sản lượng lúa đông xuân tăng khá (ước đạt 18,6 triệu tấn, tăng 322 nghìn tấn so với đông xuân trước).

Ngành xây dựng năm trước giảm, năm nay tăng mạnh khi giá vật liệu xây dựng năm trước tăng cao, sang năm nay giảm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh về số đăng ký mới, nhưng đã tăng khá về số vốn bổ sung; đầu tư trong nước tăng khá. Ngành dịch vụ tăng cao hơn tốc độ tăng chung (5,5% so với 3,9%), trong đó nổi bật là thương mại trong nước.

Thương mại trong nước nếu loại trừ yếu tố tăng giá đã tăng lên qua các tháng (tháng 1 tăng 4%, 2 tháng tăng 5%, 3 tháng tăng 6%, 4 tháng tăng 7,4%, 5 tháng tăng 8,4%, 6 tháng tăng 8,8%, cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP) và đây là động lực của việc thoát đáy, vượt dốc đi lên.

Nhập siêu tăng trở lại trong 3 tháng nay, nhưng tính chung 6 tháng đã giảm mạnh so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng khá về lượng (như dầu thô, gạo, cà phê...). Giá tiêu dùng tháng 6 tăng cao hơn mấy tháng trước, nhưng tính chung 6 tháng đã tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 18,44% của cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, quý 1 là đáy, nhưng tính chung 6 tháng đầu năm vẫn là đáy của nhiều năm qua. Mặc dù đang có dấu hiệu thoát đáy vượt dốc đi lên, nhưng vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Khó khăn lớn nhất là tiêu thụ và nhập siêu. Tiêu thụ trong nước khá lên là so với các tháng gần đây, còn so với cùng kỳ năm trước thì vẫn còn thấp. Đặc biệt là xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn cả về thị trường, cả về giá cả, cả về thanh toán..., nếu các nước bạn hàng chưa thoát đáy hồi phục, thì việc đạt mục tiêu xuất khẩu tăng 3% là không dễ đạt được.

Trong khi xuất khẩu giảm, thì nhập siêu lại gia tăng và các nguồn ngoại tệ vào Việt Nam vẫn gặp khó khăn, nên sẽ tác động đến cán cân thanh toán, tỷ giá...

Khó khăn khác là nguy cơ tái lạm phát. Tái lạm phát tuy chưa đến ngay trong vài ba tháng tới, nhưng có thể cao lên vào những tháng cuối năm nay và đầu năm sau, khi có sự “cộng hưởng” của nhiều yếu tố. Ở trong nước là sự điều độ về liều lượng giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát không dễ dàng: nếu nghiêng mạnh về tăng trưởng thì dễ lơi lỏng lạm phát, nếu nghiêng mạnh về kiềm chế lạm phát thì kinh tế khó thoát đáy vượt dốc đi lên.

Khi kích cầu, nới lỏng thì việc kiểm soát các điều kiện được sử dụng để tăng hiệu quả đầu tư cũng dễ bị lơi lỏng và đây là nguyên nhân sâu xa của lạm phát. Bên cạnh đó còn có tác động bởi yếu tố nhu cầu sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh để hoàn thành kế hoạch vào cuối năm cộng hưởng với nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên và cao hơn vào dịp cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Một khó khăn nữa là công ăn việc làm - lĩnh vực thường bị tác động muộn hơn nhưng lại chậm thoát ra hơn khi bị tác động của khủng hoảng. Khi tăng trưởng kinh tế bị giảm xuống hai năm liền (2008, 2009), thì công ăn việc làm cũng sẽ bị co lại gần như tương ứng.

Việc thống kê trực tiếp con số thất nghiệp và thiếu việc làm một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời là rất khó khăn. Nhưng, nếu tính gián tiếp từ tốc độ tăng trưởng kinh tế tương ứng với tốc độ tăng số lao động làm việc, thì có thể suy ra tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm (để tăng 1% số làm động làm việc, kinh tế phải tăng khoảng 4%, nay tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi 3,5% so với 2007 thì số lao động tăng thêm cũng sẽ giảm đi khoảng 0,9%; 0,9% của tổng số 45 triệu lao động sẽ tương đương với khoảng trên 400 nghìn lao động là con số có thể tham chiếu được).

Theo ông Đỗ Thức, để chủ động phòng ngừa tái lạm phát cao trong những tháng cuối năm, đi đôi với việc thực hiện các chính sách, biện pháp tài chính - tiền tệ linh hoạt, cần tăng cường công tác quản lý giá, nhất là các mặt hàng chiến lược, giá cây, con giống, giá thức ăn gia súc để tạo sự ổn định sản xuất kinh doanh cho các cơ sở sản xuất và các hộ nông dân. Tập trung chỉ đạo quyết liệt để các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn và các địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 đã cam kết.

Phân tích rõ hơn về tình các chỉ số kinh tế -xã hội, sau buổi họp báo, ông Đỗ Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã có trao đổi với báo chí.

Thưa ông, chỉ số tăng CPI cao hơn tốc độ tăng GDP thì có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế không?

Tôi cho rằng, tốc độ tăng giá và tốc độ tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ với nhau và đều phản ánh sự phát triển của kinh tế. Nếu đặt một bên cao hơn bên kia thì không hoàn toàn logic. Nhưng trong điều kiện hiện nay, CPI cao hơn GDP cũng vẫn là một điều bình thường vì GDP đã loại trừ yếu tố giá. Nhưng một khi nền kinh tế “nóng”, cần phải tăng GDP, chúng ta cần chủ động thực hiện một chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát để kích thích tiêu dùng, đầu tư thì kinh tế mới phát triển được. Ở một số nền kinh tế phát triển, tăng 1-2% GDP đã là đáng quý rồi và CPI hầu như không tăng bao nhiêu, thậm chí là giữ nguyên. Nhưng với Việt Nam, chúng ta cần thúc đẩy sản xuất thì cũng phải chủ động để CPI tăng. Tôi cho rằng, đây là điều tốt trong điều kiện của Việt Nam.

Mục tiêu đặt ra là 6 tháng cuối năm kinh tế phải đạt tốc độ tăng trưởng 5,9%. Vậy chúng ta có thuận lợi gì để đạt được mục tiêu này, thưa ông?

Chúng ta có những thuận lợi để khôi phục kinh tế. Trước hết là Chính phủ ý thức được trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước và trước tình hình chung. Điều này thể hiện ở sự sốt sắng của Chính phủ. Dân chúng Việt Nam thì hưởng ứng, trong khó khăn luôn biết tìm tòi để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Mặc dù theo điều tra doanh nghiệp mới đây của chúng tôi, có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hẹp sản xuất, nhưng bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp đang mở rộng sản xuất.

Trong 49 tỉnh, số lao động tại 30 tỉnh giảm nhưng tại các tỉnh còn lại thì số lao động lại tăng lên. Thứ hai là, nếu đánh giá rằng, một số giải pháp, chính sách vừa qua đã đem lại hiệu quả chắc chắn thì còn quá sớm. Nhưng chúng tôi thấy đã có biểu hiện tích cực thông qua con số thống kê trong tháng 4 cao lên, tháng 5 cao hơn tháng 4 và tháng 6 cao hơn nữa. Thứ ba, hiện nay đã có những dấu hiệu cho thấy, một số nền kinh tế lớn có thể phục hồi sớm hơn dự kiến như Mỹ, Nhật. Khi nền kinh tế phục hồi nhanh thì kinh tế Việt Nam còn nhanh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế 6 tháng đầu năm: Từ từ vượt dốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO