Không cộng phí bảo lãnh dự án bất động sản vào giá bán nhà

Theo TTXVN| 25/06/2015 06:14

Nhiều ngân hàng thương mại và chủ đầu tư các dự án bất động sản đã thống nhất không cộng phí bảo lãnh vào giá thành sản phẩm nên không lo ảnh hưởng tới giá bán nhà ở như nhiều người băn khoăn

Không cộng phí bảo lãnh dự án bất động sản vào giá bán nhà

Theo Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực từ 1/7), các chủ đầu tư dự án “phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai”. Theo đó, trong trường hợp dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư vi phạm thời hạn giao nhà, phía ngân hàng thương mại sẽ phải đứng ra bồi thường hoặc hoàn trả tiền góp vốn thay thế chủ đầu tư.

Ông Đoàn Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, đảm bảo việc thực hiện đúng cam kết giữa chủ đầu tư đối với khách hàng.

Tuy nhiên, chính sách bảo lãnh dự án bất động sản sẽ làm phát sinh chi phí. Vậy ai sẽ là người chịu phí bảo lãnh và nhà ở liệu có theo đà tăng giá hay không. Giải đáp băn khoăn đó, ông Vũ Văn Phấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều ngân hàng thương mại và chủ đầu tư các dự án bất động sản đã thống nhất không cộng phí bảo lãnh vào giá thành sản phẩm nên không lo ảnh hưởng tới giá bán nhà ở như nhiều người băn khoăn.

>>Lướt sóng BĐS: Trò chơi dĩ vãng

Liên quan tới việc ấn định mức phí bảo lãnh dự án bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Dầu khí toàn cầu bày tỏ lo lắng chính sách này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sử dụng nguồn vốn và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật. Vấn đề là phí bảo lãnh cần được tính toán sao cho phù hợp với năng lực tài chính và điều kiện của doanh nghiệp.

Nên chăng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét xây dựng khung biểu phí, hoặc mức trần phí bảo lãnh để doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án kinh doanh và cân đối tài chính cho dự án trước khi đưa ra thị trường, ông Hiệp đề xuất.

Theo các quy định hiện hành thì ngân hàng thương mại và chủ đầu tư dự án bất động sản sẽ tự thỏa thuận về mức phí bảo lãnh, dựa theo các nguyên tắc của thị trường và tùy thuộc vào mức độ rủi ro, cũng như tính khả thi của dự án, đồng thời phụ thuộc vào uy tín và xếp hạng tín nhiệm của chính chủ đầu tư.

Đương nhiên, chủ đầu tư có xếp hạng tín nhiệm cao thì phí bảo lãnh dự án sẽ thấp và ngược lại. Không thể có chuyện các dự án bất động sản khác nhau về mức độ rủi ro lại được cào bằng về mức phí bảo lãnh.

>>TP. Hồ Chí Minh và 3 định hướng phát triển

Ông Sơn thể hiện quan điểm, phí bảo lãnh cần để cho thị trường quyết định. Sẽ có nhiều ngân hàng thương mại tham gia bảo lãnh nên để cạnh tranh và thu hút sự lựa chọn của các chủ đầu tư dự án bất động sản, mức phí bảo lãnh sẽ không lo chuyện cao hay thấp, không lo có vượt ngoài khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Theo nhận định của ông Phấn, việc bảo lãnh của các ngân hàng thương mại sẽ giúp tránh những đổ vỡ có khả năng xảy ra của thị trường bất động sản hình thành trong tương lai, tạo cơ chế minh bạch trong giao dịch kinh doanh bất động sản, vốn là điều toàn xã hội quan tâm trông đợi.

Kể từ 1/7 tới đây, khi Luật Kinh doanh bất động sản chính thức được thi hành, kể cả ngân hàng thương mại là bên bảo lãnh, lẫn khách hàng mua nhà sẽ có đều có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin về tiến độ thi công, cam kết giao nhà đúng thời hạn và tình hình sử dụng vốn huy động.

Bằng việc, công khai thông tin phí bảo lãnh trong các hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng nên cân nhắc và có thể sàng lọc mức độ tín nhiệm của chủ đầu tư, cũng như tính khả thi của dự án bất động sản, ông Phấn khuyến nghị.

>>Người nước ngoài mua nhà: Thêm cơ hội, siết điều kiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không cộng phí bảo lãnh dự án bất động sản vào giá bán nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO