Hạt lúa châu thổ

VÂN ANH| 30/07/2009 09:02

Từ 4,2 triệu tấn lương thực năm 1976 lên trên 20 triệu tấn năm 2008, người trồng lúa ở ĐBSCL đã đóng góp phần quan trọng về an ninh lương thực và xuất khẩu.

Hạt lúa châu thổ

Ông Bùi Phong Lưu, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí công - nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, DN duy nhất của VN xuất khẩu máy xay xát lúa gạo sang Campuchia, nói rằng, khi nhìn lúa của nước mình chạy về biên giới, nhất là DN và nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã sang Campuchia thuê đất trồng lúa ngày một nhiều, Hiệp hội Xay xát lúa gạo Campuchia (FCRMA) đã nghĩ về việc nhập thêm thiết bị để nâng công suất chế biến gạo.

Đất lúa ngàn dặm

Các kỹ sư nông nghiệp VN hướng dẫn nông dân CPC kỹ thuật chăm sóc lúa

Năm ngoái, FCRMA cho biết, với diện tích 181.000km2, hơn phân nửa trong số đó có thể trồng lúa cho gạo ngon, Campuchia muốn nâng lượng gạo xuất khẩu trong năm 2009 cao hơn năm 2008 khoảng 400.000 tấn, sau khi đã dự trữ 500.000 tấn để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. FCRMA cũng cho biết, Ngân hàng Phát triển nông thôn Campuchia cho các thành viên FCRMA vay 12 triệu USD nhằm tăng cường công suất và chất lượng của các nhà máy xay xát, đồng thời thu mua gạo của nông dân với giá cao. Chính phủ Campuchia giao cho tổ chức này chịu trách nhiệm giám sát hoạt động xuất khẩu gạo khu vực tư nhân.

Theo ông Bùi Phong Lưu, đối tác Campuchia tin rằng khoản đầu tư này sẽ giúp họ nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, giảm thiểu tình trạng bán lúa thô dọc biên giới với VN hay Thái Lan.

Trong khi đó, lúa gạo từ Campuchia sang nước ta theo con đường tiểu ngạch với số lượng không nhỏ, làm cho người thì lo sẽ làm lúa trong nước giảm giá, người thì xem đây là cơ hội để có được lượng lúa mùa đặc sản, cơ hội kinh doanh mỗi năm chỉ có một lần. Nhiều thương nhân lúa gạo dọc biên giới tiếc rẻ nói, năm ngoái, khi VN ngưng xuất khẩu, gạo ngon của nước bạn chạy về biên giới Campuchia - Thái Lan. Thương nhân Thái Lan nhanh tay nắm lấy cơ hội này.

Ngày 26/5/2009, Chính phủ Campuchia quy định, muốn bán lúa qua biên giới với số lượng từ 100 tấn trở lên phải có giấy do Bộ Thương mại cấp và phải do các công ty hội viên của FCRMA thực hiện; dưới 100 tấn, hoặc xuất khẩu nhỏ lẻ qua biên giới sẽ do hải quan và lực lượng kiểm tra hàng hóa thuộc Bộ Thương mại quản lý và cấp phép. Như vậy, để chế biến xuất khẩu không còn dễ dàng nữa…

Nên biết, mỗi năm Campuchia sản xuất trên 6,7 triệu tấn lúa gạo, lượng lúa gạo xuất khẩu sang hai nước láng giềng khoảng 2,3 triệu tấn. Thương nhân VN chỉ mua khoảng 60.000 tấn/năm.

Tại hội nghị Xúc tiến hợp tác đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2009 tổ chức tại An Giang trong tháng 5 vừa qua, ông Thab Maren, Phó tổng giám đốc Keo Maly Group (Vương quốc Camphuchia) đã đưa ra dự án hợp tác trồng lúa trên đất Campuchia với diện tích 6.500ha thuộc hai xã Ko Koh và Phnau, huyện Son Tuk, tỉnh Kompong Thom.

Ông Thab Maren kêu gọi: “Các doanh nghiệp VN có thể thuê đất trồng lúa từ 10ha trở lên, hoặc hợp tác đầu tư trồng lúa với DN hoặc nông dân Camphuchia ở hai xã trên”. “Hiện nay giá thuê đất trồng lúa riêng lẻ ở vùng dọc biên khoảng 500.000 - 600.000đ/công/vụ, trong tương lai gần, giá thuê đất sẽ ngày một cao. Do do, nếu có vốn đầu tư thì các DN VN nên liên doanh với DN Campuchia ngay bây giờ” - anh Nguyễn Văn Hưởng, Việt kiều ở Chrey Thom, Kaldal nói.

Dân số khu vực ĐBSCL đã hơn 18 triệu người, gần 80% trong số này sống ở nông thôn và làm nông nghiệp - chủ yếu là sản xuất lúa. Từ 4,2 triệu tấn lương thực năm 1976 lên trên 20 triệu tấn năm 2008, người trồng lúa ở ĐBSCL đã đóng góp phần quan trọng về an ninh lương thực và xuất khẩu.

Lúa của nông dân Campuchia ồ ạt chảy về biên giới An Giang - Tà Keo

Tuy nhiên, phần đông người trồng lúa lại là người nghèo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra định hướng chiến lược: Năm 2030, đất lúa ĐBSCL chỉ còn 1,78 triệu ha, nhưng sản lượng phải đạt 21 triệu tấn. Trong khi đó mục tiêu năm năm 2010 là duy trì đất lúa 1,88 triệu ha, sản lượng lúa là 19,550 triệu tấn.

Diện tích ĐBSCL là 4 triệu ha, trong đó đất lúa đã chiếm gần một nửa, khoảng 1,85 triệu ha, nhưng đất lúa đang và sẽ thu hẹp và tình trạng canh tác manh mún chưa có lối thoát. Theo PGS.TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển có thể dâng cao, sẽ tác động rất lớn đến vùng trồng lúa ở hạ lưu sông Mê kông, nên ngay từ bây giờ, phải trồng lúa theo một cách khác”.

Đồng thuận trong suy nghĩ

Bài tham gia chuyên trang ĐBSCL, xin gửi về Lê Hoành Sơn, Văn phòng đại diện tại ĐBSCL, email: cantho@doanhnhansaigon.vn

Nhắc lại chuyện gạo lậu, lúa ngoại từ Campuchia tràn vào VN, nhiều nông dân sống dọc biên giới nói: Gạo từ Campuchia cũng có, nhưng không ít lúa do chúng tôi thuê đất của bạn gieo trồng mà có. Bên nước mình chúng tôi không có ruộng, phải qua xứ người thuê đất, bên đây không có điện, không xay chà được nên gặt xong phải chở lúa về nhà, nhưng chở về thì bị xem là lúa lậu, bị bắt. Anh Hưởng, một Việt kiều nói: “Khi thuê đất của người Campuchia phải hiểu họ thuê mình làm trên đất của họ, người làm ruộng thuê phải biết cách mới có thể thuê được”.

Tỉnh Svay Rieng cũng dành 10.000ha đất nông nghiệp tại vùng biên giới để cho người Việt thuê làm lúa theo vụ, với điều kiện sau khi đã cắm cột mốc biên giới.

Theo các thương nhân VN tại Phnom Penh, thương nhân Thái Lan có nguồn lực mạnh khi thu hút nguồn lúa ngon cơm từ Campuchia. Họ đã từng chi phối thị trường cá nước ngọt, cây trái tươi của Campuchia. Doanh nhân VN đã chậm chân! Cảm nhận được nỗi bức xúc này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, các doanh nghiệp ở An Giang sẽ được khuyến khích thuê đất tại Campuchia và được phép đem lúa về VN mà không phải chịu một khoản thuế nào. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạt lúa châu thổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO