Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dù kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát trong năm 2022 ở mức 3,8%, nhưng rủi ro lạm phát ngắn hạn vẫn còn tiềm ẩn do giá dầu gần đây tăng cao.
Tháng 1/2022, giá dầu tiếp tục tăng mạnh, ở mức hơn 20% so với đầu năm, chủ yếu do lo ngại về tồn kho và rủi ro địa chính trị liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine. Thời gian tới, giá dầu cao hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng trong nước và làm tăng lạm phát - điều có thể làm xói mòn sự phục hồi của nền kinh tế.
Giá xăng dầu trong nước hiện phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới |
Tăng CPI và áp lực lạm phát
Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, do khó khăn về tài chính, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn.
Đồng thời, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Do đó, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn tăng.
VDSC cho biết, tháng 1 qua, lạm phát tiếp tục tăng cao hơn, ở 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 1,8% tháng trước đó. Tính theo tháng, lạm phát của Việt Nam tăng 0,2% vào tháng 1/2022, sau khi giảm 0,2% vào tháng 12/2021.
Trong số 11 mặt hàng thuộc rổ tính lạm phát, lạm phát của tháng 1 được thúc đẩy bởi mức tăng nhanh hơn của đồ uống và thuốc lá, quần áo và giày dép, thiết bị gia dụng cũng như giao thông. Tăng cao nhất là nhóm giao thông với mức tăng lần lượt 14,5% so với cùng kỳ năm trước và 1,2% so với tháng trước.
Ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh
Trong hoạt động sản xuất, hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí này chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khá cao, nên sẽ tác động mạnh vào giá thành sản phẩm. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có ảnh hưởng rất lớn tới ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, thuỷ và hàng không.
Theo TS. Lâm, ngoài tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Đối với Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10%, GDP giảm khoảng 0,5%. Đây là mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Với CPI, giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm cho CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Giá xăng dầu tăng có ảnh hưởng rất lớn tới ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, thuỷ và hàng không. |
Về giải pháp để ứng phó với giá xăng dầu tăng cao, ông Lâm cho biết, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Tài chính nắm bắt diễn biến giá xăng dầu cùng tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung; nâng cao năng lực, chất lượng dự báo; phân tích yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu.
Hai Bộ cần cùng các doanh nghiệp liên quan nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, từ đó quyết định giá bán cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Hơn nữa,
Bộ Công Thương cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao. Cuối cùng là nâng cao năng lực khai thác, lọc hoá dầu trong nước để giảm tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát của năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.