FDI vào Việt Nam tăng tốc

28/04/2010 00:15

Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 4 tháng đầu năm vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố hôm 27/4. Trên hầu hết các “mặt trận”, số liệu FDI đã cho thấy sự tăng tốc đáng kể.

FDI vào Việt Nam tăng tốc

Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 4 tháng đầu năm vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố hôm 27/4. Trên hầu hết các “mặt trận”, số liệu FDI đã cho thấy sự tăng tốc đáng kể.

Giải ngân vốn FDI tiếp tục ấn tượng khi đạt khoảng 900 triệu USD trong tháng 4, nâng tổng số vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm lên 3,4 tỷ USD.

Giải ngân vốn FDI tiếp tục ấn tượng khi đạt khoảng 900 triệu USD trong tháng 4, nâng tổng số vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2010 lên 3,4 tỷ USD, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm 2009.

Trung bình, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 850 triệu USD/tháng. Đây là mức khá cao và tương đương giải ngân vốn FDI giai đoạn trước khủng hoảng.

Trong khi đó, vốn đăng ký đã thoát thế “lùng bùng” ở mức thấp mà có sự bứt phá ngoạn mục, tuy chưa theo kịp cùng kỳ năm ngoái.

Từ tương quan so sánh chỉ đạt 29% so với cùng kỳ trong báo cáo tháng trước đó, tương đương 2,14 tỷ USD, chỉ tiêu này trong tháng 4 tăng thêm gần 3,8 tỷ USD để đạt “chung cuộc” 5,92 tỷ USD, bằng 74,3% so với cùng kỳ.

Với các con số cụ thể, tính đến tháng 4, đã có 263 dự án cấp mới với tổng vốn gần 5,6 tỷ USD, so với cùng kỳ đã giảm 19,6% về số dự án cấp mới nhưng tăng tới 58,5% về vốn.

Tuy nhiên, chỉ tiêu về dự án FDI tăng vốn chưa lấy lại đà tăng trưởng. Cũng trong 4 tháng qua, mới có 92 lượt dự án tăng vốn với tổng giá trị đăng ký đầu tư đạt 325 triệu USD, bằng 69,7% về số lượt dự án nhưng chỉ tương đương có 7,3% về vốn so với cùng kỳ.

Trong 31 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam 4 tháng đầu năm nay, các vị trí đầu bảng đã có sự thay đổi cả về đối tác đầu tư và lượng vốn đăng ký. Từ chỗ không có đối tác nào đạt tổng vốn đăng ký đầu tư quá 1 tỷ USD tại báo cáo tháng trước, đến nay đã có 3 đối tác vượt chỉ tiêu này.

Hà Lan chỉ thêm 1 dự án cấp mới trong tháng đã thế chỗ Hoa Kỳ giành vị trí “quán quân”, với trên 2,15 tỷ USD vốn đăng ký. Nhật Bản từ vị trí thứ 8 đã lên thứ nhì, với 1,1 tỷ USD vốn đăng ký; Hoa Kỳ đứng thứ 3 với 1,02 tỷ USD…

Về phía các địa phương, thu hút nhiều vốn FDI nhất là Quảng Ninh. Sau khi trao giấy chứng nhận đầu tư cho đối tác Hà Lan, tỉnh này trở thành địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong 4 tháng qua. Tiếp đến là Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tp.HCM…

Theo nhận định của một số chuyên gia, sự tăng tốc trong các chỉ tiêu quan trọng liên quan đến vốn FDI có thể phản ánh phần nào sự phục hồi kinh tế trên thế giới, cũng cho thấy kỳ vọng cao hơn của nhà đầu tư đối với triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề cơ cấu đầu tư, dòng vốn FDI, công nghệ lựa chọn, hay môi trường tại các dự án này vẫn còn nhận được nhiều nghi ngại. Đặc biệt, sau vụ việc Tung Kuang Hải Dương bị phát hiện xả chất thải không qua xử lý ra môi trường gần đây, có nhiều ý kiến đặt dấu hỏi về hiệu quả thực sự của các dự án tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FDI vào Việt Nam tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO