Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân

22/04/2011 08:32

Ngày 21/4, Hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (khu vực phía Bắc) đã nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Cao Viết Sinh thuyết trình về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân

Ngày 21/4, Hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (khu vực phía Bắc) đã nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Cao Viết Sinh thuyết trình về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân là một trong những nội dung quan trọng của đột phá phát triển nguồn nhân lực. Trong ảnh: dạy học ở Trường Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Theo Thứ trưởng Sinh, chiến lược này đề ra ba đột phá, trong đó đột phá đầu tiên là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN với trọng tâm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.

Để góp phần thực hiện đột phá này, các bộ - ngành đã xây dựng 12 đề án có liên quan như: đề án đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng ban hành văn bản pháp luật; đề án đổi mới hệ thống tiền tệ ngân hàng; đề án thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; đề án về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước...

Đột phá thứ hai là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân. “Nếu như trước đây chúng ta thường nói cải cách giáo dục thì lần này nhấn mạnh đến việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân” - ông Sinh nói.

Đột phá cuối cùng là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Ông Sinh cho rằng: “Hạ tầng hiện là một trong những điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế. Có lúc ngay giữa thủ đô mà phải bắc cầu phao như thời chiến tranh. Do vậy, cần phải tập trung cao các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia”.

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, tập trung đầu tư cho các cảng hàng không quốc tế trong khu vực thủ đô Hà Nội và TP.HCM với quy mô và chất lượng ngang tầm với các nước trong khu vực.

Về vấn đề đổi mới đồng bộ, theo ông Sinh, chúng ta bắt đầu từ đổi mới kinh tế, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm nhằm giải phóng các nguồn lực của đất nước. Đổi mới kinh tế đã đạt được các thành tựu to lớn, các quan hệ kinh tế đã có sự thay đổi cơ bản, cần thiết phải tiến hành đồng thời đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị để thúc đẩy đổi mới toàn diện.

Trọng tâm của đổi mới chính trị là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương để thúc đẩy đổi mới toàn diện và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc...

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 cũng có nội dung về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó có nội dung cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước. Thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển, không phân biệt đối xử.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Hoàng Việt - Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương - đã truyền đạt với hội nghị về Điều lệ Đảng Cộng sản VN (được Đại hội XI của Đảng thông qua năm 2011).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO