Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 260 (ra ngày 11/9)

P.V tổng hợp| 09/09/2013 03:41

Ở những nước tiên tiến, tỷ trọng DNNN rất nhỏ, dưới 10%, như ở Mỹ là dưới 2%. Tại Việt Nam, số lượng DNNN đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế quốc dân, khoảng 28% GDP.

Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 260 (ra ngày 11/9)

Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 260 (phát hành ngày 11/9) có các nội dung chính sau:

Ý kiến chuyên gia:
GS-TSKH. VÕ ĐẠI LƯỢC, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương

Lạm bàn về doanh nghiệp nhà nước

Ở những nước tiên tiến, tỷ trọng DNNN rất nhỏ, dưới 10%, như ở Mỹ là dưới 2%. Tại Việt Nam, số lượng DNNN đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế quốc dân, khoảng 28% GDP, nếu cộng với 5 ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh, tỷ trọng lên đến 34% GDP. Trên thế giới, không có một nền kinh tế thị trường nào mà quốc doanh chiếm một tỷ lệ lớn như Việt Nam. Một nền kinh tế thị trường mà khu vực DNNN lớn như vậy, thì điều cầm chắc là không hiệu quả.

Khu vực DNNN vẫn ở trong tình trạng giám sát kém, thua lỗ và không hiệu quả. DNNN chiếm khoảng 60% tổng dư nợ của đất nước và chiếm phần lớn tỷ lệ nợ xấu. Hầu hết dư nợ tín dụng nằm trong tay 5 NHTM quốc doanh. Quản lý kinh doanh lại “quá nhiều chuyện”. Nhà nước vẫn là chủ sở hữu quá nhiều lĩnh vực, trong khi người đại diện với “ông chủ” có một khoảng cách xa về lợi ích và trách nhiệm. Việc xử lý vấn đề lợi ích trong một DNNN rất phức tạp, bởi trong đó có lợi ích Nhà nước, lợi ích tập thể DN và lợi ích cá nhân người quản lý. Ba cái lợi ích ấy không thống nhất, nên lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể thường đục khoét lợi ích của Nhà nước. Đây là một trong những vấn đề làm cho hiệu quả quản lý thấp.

Chuyên đề:

Thương hiệu Việt nhượng quyền: Mon men tìm đường xuất ngoại

Ở Mỹ, các hệ thống kinh doanh nhượng quyền đã tạo ra hơn 9 triệu việc làm và đóng góp khoảng 500 tỷ USD cho nền kinh tế. Các thương hiệu có tốc độ nhượng quyền lớn và sức lan tỏa mạnh đa phần xuất xứ từ Mỹ, có thể kể đến như: Starbucks, McDonald’s, Subway, Carl’s Jr., KFC... Điều này chứng tỏ, franchise là hoạt động mang về món lợi khổng lồ cho các nhà sáng lập và điều hành các thương hiệu.

Dĩ nhiên, việc mang những tên tuổi gạo cội này so sánh với các thương hiệu Việt là điều khá khập khiễng, nhưng nếu bỏ qua yếu tố về quy mô, thời gian, nguồn lực... thì chí ít, các nhà điều hành thương hiệu nhượng quyền ở Việt Nam vẫn có lợi thế “người đi sau học được kinh nghiệm người đi trước”. Song, thực tế, sự hiện diện của các thương hiệu Việt ở xứ người chưa được như kỳ vọng.

Thống kê của Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho thấy, tốc độ tăng trưởng của hoạt động franchise ở Việt Nam vào khoảng 30% mỗi năm, với hơn 100 thương hiệu trong và ngoài nước (70% là thương hiệu ngoại nhượng quyền vào Việt Nam). Trong đó, không ít công ty Việt Nam chọn hình thức nhượng quyền để mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tuy thế, nhiều trường hợp đã vấp phải những rào cản do chưa hiểu hết về giá trị thương hiệu lẫn những quy định pháp lý liên quan đến nhượng quyền.

Kinh doanh thương hiệu là loại hình siêu lợi nhuận. Lấy ví dụ từ McDonald’s, ngoài việc phải trả cho bên bán khoản phí nhượng quyền ban đầu 45.000 USD, bên mua, hằng tháng còn phải trả cho bên bán hơn 20 khoản phí khác trong quá trình hoạt động (phí dịch vụ, phí quảng bá, phí hoạt động... dao động ở mức 4%/doanh thu thuần/tháng). Và đây mới chính là những nguồn thu ổn định khiến các nhà điều hành thương hiệu nhượng quyền quan tâm. Liệu thương hiệu Việt có giá như những thương hiệu ngoại khi vào Việt Nam?

Chuyện làm ăn:

Xa xỉ phải xoay xở

Theo báo cáo của Công ty Kinh doanh dịch vụ bất động sản CB Richard Ellis (CBRE Việt Nam), nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện khá dồi dào, giá thuê giảm, nhiều trung tâm thương mại (TTTM) đang rơi vào tình trạng ế ẩm.

Tuy nhiên, theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước sẽ có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 TTTM. Điều này càng làm tăng động lực cho các chủ đầu tư không bỏ cuộc.

"Cánh đồng liên kết": Mô hình Đồng Tháp

Là một tỉnh không có cảng biển, không có sân bay nên Đồng Tháp chọn cách tái cơ cấu kinh tế bằng nông nghiệp. Trong đề án xây dựng (lộ trình đến năm 2020, 2030), Đồng Tháp đã đề cập đến việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng lấy hiệu quả làm chính, tái cơ cấu đầu tư hạ tầng, địa bàn, tổ chức nông thôn...

Trong đó, mô hình “Cánh đồng liên kết” với việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, gắn kết giữa doanh nghiệp (DN) với người nông dân thông qua các hiệp hội ngành hàng là mục tiêu quan trọng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 260 (ra ngày 11/9)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO