Doanh nghiệp Việt "rải tiền" ra nước ngoài

25/07/2011 06:23

Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đến nay đang tăng khá mạnh và chuyển biến rõ rệt từng năm.

Doanh nghiệp Việt

Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đến nay đang tăng khá mạnh và chuyển biến rõ rệt từng năm.

Hiện Việt Nam có gần 600 dự án đầu tư nước ngoài có hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD và vốn thực hiện đạt hơn 2 tỷ USD.

Mở rộng thị trường

Viettel là một trong những DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài khá thành công, trong đó có thương hiệu Metfone tại thị trường Campuchia.

Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam có thêm 26 dự án được cấp giấy chứng nhận mới với tổng số vốn đăng ký 1,74 tỷ USD. Đến năm 2010, độ phủ của việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt đã đến 53 quốc gia, vùng lãnh thổ và hiện hướng đến nhiều thị trường khác, như châu Âu, Mỹ, Australia...

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, ngành nghề kinh doanh cũng bắt đầu mở rộng. Ngoài những ngành nghề truyền thống như công nghiệp năng lượng (dầu khí, điện lực, khai thác khoảng sản...), các ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, lâm nghiệp, nông nghiệp, sản xuất thương mại, truyền thông... cũng bắt đầu bước sang nhiều thị trường nước ngoài.

Các dự án đầu tư ra nước ngoài tiếp tục sôi động và một số doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài đang có ý định tiếp tục mở rộng thị trường. Như việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PTN) tiếp tục góp vốn vào 24 dự án ở 17 nước trên thế giới, để khai thác dầu. Còn Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đến nay đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài khoảng 500 triệu USD vào các lĩnh vực bất động sản, trồng cao su, khai khoáng và thuỷ điện và cũng đang có ý định tiếp tục gia tăng đầu tư. Còn Tập đoàn Viettel cũng dự định đến năm 2015 sẽ đầu tư trên 500 triệu USD ra nước ngoài.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng đầu tư nước ngoài, nhận định: "Dù tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong nước không thuận lợi như những năm trước nhưng số vốn đầu tư ra nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới".

Tăng tính cạnh tranh

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đã có những kế quả khả quan và đã thu về lợi nhuận đáng kể. Đứng đầu danh sách này có thể nói là Tập đoàn Viettel. Năm 2010 là năm đầu tiên Viettel đầu tư ra nước ngoài nhưng doanh thu đạt 4.285 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 652 tỷ đồng. Vì thế, năm 2011, Viettel đặt kế hoạch đạt gần 11.200 tỷ đồng doanh thu và 1.445 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Hiện nay Viettel đã có mặt tại 5 thị trường: Campuchia, Lào, Mozambique, Haiti và Peru. Tính tới tháng 6, tại Campuchia, Viettel có hơn 6 triệu thuê bao đang hoạt động, hơn 1,5 triệu thuê bao tại Lào.

Nhưng không phải hầu hết doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài đều có lợi nhuận sớm như Viettel, bởi những dự án đầu tư đa phần là dự án dài hơi. Nhưng, vì sao dòng vốn này vẫn tiếp tục chảy ra nước ngoài trong bối cảnh kinh tế không được thuận lợi? Theo một lãnh đạo của Viettel, lý do quyết định đầu tư ra nước ngoài xuất phát từ quan điểm một DN cần phải có sự tăng trưởng. Hơn nữa, tới thời điểm nào đó, thị trường viễn thông trong nước sẽ bão hoà, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần. Và trong xu thế hội nhập, tất yếu các công ty viễn thông hàng đầu thế giới nhất định sẽ vào và cạnh tranh với Viettel ngay tại Việt Nam. Đi ra nước ngoài cũng là một xu thế tất yếu.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM, dòng vốn FDI "chảy" vào Việt Nam đang ngày càng mạnh mẽ. "Kể từ khi gia nhập WTO, khái niệm thị trường nội địa là khái niệm khá mơ hồ. Vì thế, mở rộng thị trường ra nước ngoài cũng là một cách để doanh nghiệp Việt tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tìm kiếm những thị trường tiềm năng là điều mà các doanh nghiệp phải làm trong điều kiện hiện nay", ông Dương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt "rải tiền" ra nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO