Doanh nghiệp phải nhìn lại mình

22/05/2010 09:46

Khi nhiều khu công nghiệp ở các đô thị lớn than vãn khan hiếm lao động, không ít địa phương chứng kiến nhiều lao động trẻ về quê tìm việc.

Doanh nghiệp phải nhìn lại mình

Dòng lao động dịch chuyển từ thành thị về các tỉnh tìm việc gần đây là xu hướng hay chỉ là hiện tượng? TTCT đã trao đổi với thạc sĩ Lê Văn Thành - trưởng phòng quản lý khoa học (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP.HCM), người đang nghiên cứu vấn đề này.

Chi tiêu của công nhân tằn tiện đến mức đáng báo động, không đủ tái tạo sức lao động. Trong ảnh: công nhân đi chợ mua chủ yếu là rau (ảnh chụp ở chợ chiều cạnh Khu chế xuất Linh Trung 2, Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Theo ông Thành, chuyển dịch lao động (chủ yếu là lao động phổ thông) từ các thành phố lớn về các tỉnh là một hiện tượng đặc thù chứ chưa phải là một xu hướng và cũng mới xuất hiện gần đây, sau thời điểm khủng hoảng kinh tế.

Sự dịch chuyển này khiến các doanh nghiệp thiếu lao động triền miên, thể hiện rõ sau dịp công nhân về quê ăn tết. Mỗi năm như vậy, TP.HCM mất từ 5-10% lao động phổ thông.

Theo báo cáo tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp của TP.HCM, từ ngày 4/1 đến 26/4 có hơn 2.000 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng chuyển hưởng về các tỉnh. Điều đó cho thấy số lượng lao động tương ứng bỏ việc về quê.

* TP.HCM vẫn là một đô thị năng động, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập khá. Vậy tại sao lại có sự dịch chuyển ngược này?

- Lao động nông thôn di cư vào các thành phố lớn như TP.HCM có hai mục đích, một số vì tìm việc làm, đa số khác là người nghèo tìm việc để giải quyết bức bối về tiền bạc.

Với số công nhân vì việc làm, nay ở địa phương đã giải quyết được chuyện này nên họ quay về là tất yếu. Số vì tiền bạc vẫn tiếp tục ở lại, nhưng với thời gian họ cũng sẽ quay về khi thành xu hướng.

Hiện nay, người lao động không muốn vào làm việc trong các ngành nghề thâm dụng lao động do thu nhập thấp lại không ổn định, trong những doanh nghiệp không có chính sách hỗ trợ họ...

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu trình Chính phủ cải cách hệ thống tiền lương, tiền công; đồng thời thực hiện thống nhất chính sách chế độ đối với người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp. Song song là cải cách chính sách thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo quy luật cung - cầu và trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, người lao động có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp.

Với nền kinh tế đang phát triển như hiện nay, người lao động mong muốn tìm việc làm có thu nhập cao, ổn định lâu dài, thị trường lao động giá rẻ không còn phù hợp.

Để thu hút nguồn lao động có chất lượng, gắn bó lâu dài với mình, doanh nghiệp cần phải đầu tư hơn nữa nguồn nhân lực, chủ động trong công tác đào tạo nhân viên, tạo môi trường làm việc tốt. Nếu không doanh nghiệp sẽ tự kết liễu mình.

Ông NGUYỄN VĂN XÊ
(Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM)

Có thể thấy thu nhập giữa các tỉnh thành khác với TP.HCM vẫn có sự chênh lệch khá lớn. Các doanh nghiệp TP.HCM có cường độ sản xuất cao và liên tục, công nhân có thời gian tăng ca kiếm thêm thu nhập... Tuy nhiên cường độ lao động quá lớn, thời gian tái tạo sức lao động không có, họ sẽ quay về địa phương khi ở đó có thể tìm được việc.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong tương lai gần, dịch chuyển lao động ngược sẽ tăng mạnh. Từ năm 1999-2004, lượng người nhập cư vào TP.HCM tăng lên 1 triệu người, trong đó chủ yếu là lao động làm việc trong các nhà máy. Nhưng từ năm 2004-2009 chỉ tăng 1,1 triệu người, về tổng thể là không giảm nhưng chủ yếu tăng lao động các lĩnh vực tự do, còn công nhân thì giảm mạnh.

* Dịch chuyển lao động như vậy đã phần nào gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông, hiện tượng này có đáng quan ngại?

- Theo tôi, mức dịch chuyển hiện nay chưa đáng báo động nhưng tương lai gần sẽ là một xu hướng tất yếu nên các doanh nghiệp vẫn phải nhìn lại mình. Cần phải nhìn cả hai hướng, trước mắt cần thu hút lao động trở lại, về lâu dài phải tự chuyển đổi mình phù hợp xu thế.

Mức lương mà các doanh nghiệp, chủ yếu là khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), ở lĩnh vực may mặc, da giày đang trả cho người lao động là quá thấp so với nhu cầu tối thiểu của họ.

Điều này cho thấy các doanh nghiệp chưa cầu thị và không nhìn nhận đúng sức lao động của công nhân. Họ không chủ động tăng lương mà chờ đến khi Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu mới điều chỉnh theo. Các lần tăng lương cũng chỉ tăng đến mức tối thiểu theo quy định mà không tăng theo cân đối ngân sách và sức lao động của công nhân.

Công nhân hiện có thu nhập dao động 2,5-3 triệu đồng/tháng (mà chỉ công nhân lâu năm mới đạt mức này). Nhìn tổng thể thấy khá nhưng quy ra chỉ đạt 10.000 đồng/giờ (tính cả tăng ca) là quá thấp.

Trong khi đó áp lực chi tiêu rất cao, phải chi ít nhất 1,5-2 triệu đồng/tháng mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu và tái tạo sức lao động. Khảo sát của chúng tôi cho thấy việc chi tiêu của công nhân tằn tiện đến mức báo động, chỉ từ 700.000-800.000 đồng/tháng, không đủ tái tạo sức lao động.

Điều này sẽ gây hệ lụy là đời sống của họ không thể kéo dài. Lớp người này rồi cũng sẽ về quê khi không còn sức đáp ứng cường độ lao động cao của các doanh nghiệp và sẽ trở thành một gánh nặng xã hội cho địa phương mà họ trở về.

* Có nghĩa là hiện chính sách tiền lương tối thiểu chưa phù hợp và doanh nghiệp cần tăng lương cho đúng sức lao động của công nhân?

- Hiện nay lương cơ bản của các lao động trong khu vực FDI chỉ khoảng 1,4 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca tận lực cũng chỉ đạt 1,8-3 triệu đồng/người. Thu nhập như vậy không thể đủ chi tiêu trong tình hình giá cả tăng vọt hiện nay.

Mặt bằng lương của Việt Nam quá thấp, thấp hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Việc quy định lương tối thiểu đang làm đã tạo điều kiện để doanh nghiệp dựa vào đó trả lương thấp cho người lao động.

Cần nghiên cứu lại phương án điều chỉnh lương tối thiểu theo hướng tăng để phù hợp với chỉ số trượt giá hiện nay. Mỗi lần điều chỉnh đều tăng 20%, lộ trình tăng cũng quá dài. Cần rút ngắn lộ trình này và mỗi lần điều chỉnh phải tăng hơn 20%.

Doanh nghiệp cũng phải linh động hơn trong việc trả lương. Chuẩn nghèo của TP.HCM hiện là 1 triệu đồng/người/tháng, cho thấy doanh nghiệp cần trả cho người lao động không dưới 2 triệu đồng (mức cơ bản), cộng thêm tăng ca và các phúc lợi thì công nhân của họ mới sống tốt hơn. Tốt nhất là trả lương cân đối trên từng sản phẩm và doanh thu.

Được đãi ngộ tốt, môi trường làm việc tốt, nhiều công nhân quyết định ở lại Quảng Nam làm việc. Trong ảnh: công nhân Nhà máy sản xuất ôtô Chu Lai - Trường Hải - Ảnh: Quang Kiệt

* Hệ quả của việc dịch chuyển lao động này là gì, theo ông?

- Với sự dịch chuyển lao động này, TP.HCM hưởng lợi thì ít mà thiệt hại, khó khăn thì nhiều. Trên lý thuyết, khi mật độ dân số giảm thì tệ nạn giảm, nạn kẹt xe, ô nhiễm, ngập nước... cũng giảm. Nhưng thực tế cho thấy con số dịch chuyển hiện tại chưa cao, trong khi thành phố này có khoảng 8 triệu dân. Cho dù tương lai giảm được 1 triệu người thì ô nhiễm vẫn ô nhiễm, kẹt xe vẫn còn... bởi thành phố đang bị quá tải, cơ sở hạ tầng yếu kém.

Trong khi đó, dịch chuyển lao động khiến các doanh nghiệp thiếu lao động triền miên (thiếu hụt dao động 100.000 lao động), làm sản xuất đình đốn, dẫn đến giảm GDP, giảm thu ngân sách và trên hết là giảm việc làm.

Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp phải hiểu rằng người lao động khi vào thành phố làm việc không chỉ vì họ mà còn vì người thân của họ và thu nhập là vấn đề thiết yếu. TP.HCM cũng nên có một tổ chức xúc tiến thị trường lao động để giúp doanh nghiệp tìm lao động.

* Nhìn tổng thể, theo ông, hiện tượng dịch chuyển này là tiêu cực hay tích cực?

- Ở góc độ vĩ mô, đây là một xu hướng đúng, cần được ủng hộ và nghiên cứu kỹ để có chính sách phù hợp. Theo tôi, cách làm hiện nay của Chính phủ là cần có chính sách đem việc làm đến cho người lao động (tạo việc làm tại chỗ), không thể để người lao động đi tìm việc như trước.

Ở địa phương, ngoài việc thu hút nhà đầu tư còn phải đẩy mạnh phát triển ngành nghề phù hợp đặc thù địa phương mình. Di cư hiện nay chủ yếu vẫn do nghèo. Nếu địa phương biết nâng cao đời sống nông thôn, sẽ không chỉ hạn chế lớp di dân mới mà còn thu hút lao động đã di cư trở về.

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương tốt nhưng cần đào tạo những nghề tạo được việc làm tại chỗ.

Cần có chính sách tốt hơn với công nhân

Tình trạng thiếu lao động xảy ra trên địa bàn TP đầu năm 2010 là do một lượng lớn lao động dịch chuyển. Số này dịch chuyển theo ba hướng: về quê (các địa phương đang phát triển công nghiệp), chuyển qua các doanh nghiệp (DN) có chính sách tốt hơn, các nghề khác có thu nhập cao hơn và người lao động sau thời gian nâng cao trình độ, tay nghề tìm việc đúng sở trường.

Người lao động tìm đến TP.HCM làm việc với mong muốn có thu nhập đáp ứng những sinh hoạt của cuộc sống để tái tạo sức lao động và giúp được gia đình. Nhưng thực tế hiện nay nhiều DN không đáp ứng được hai yêu cầu đó. Trong khi đó chi phí sinh hoạt (phòng trọ, ăn uống, đi lại...) tăng nhanh. Do đó sự dịch chuyển hiện nay là xu hướng tất yếu và đúng đắn. Trước đây khi DN không đáp ứng được quyền lợi của mình thì công nhân phản ứng, còn bây giờ họ nghỉ việc tìm công việc mới.

Thực tế những DN nào có chính sách tốt với công nhân thì việc thiếu hụt lao động chỉ là tạm thời. Còn những DN nào có chế độ đãi ngộ không tốt thì còn thiếu lao động dài.

Để giải bài toán khan hiếm lao động, DN phải tự cứu mình bằng việc chăm sóc tốt quyền lợi cho người lao động, cải tiến kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, thu nhập cho họ. Được vậy, người lao động sẽ không bỏ DN.

Ông TRẦN THANH HẢI
(Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM)

Quan trọng là đào tạo lao động nông thôn

Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã ghi nhận dòng lao động dịch chuyển ngược và tìm ra nhiều nguyên nhân. Kết quả điều tra biến động dân số, nguồn lao động và kế hoạch hóa gia đình năm 2008 của Tổng cục Thống kê cho thấy luồng di cư lớn nhất là nông thôn - nông thôn (chiếm 37%) đang thay thế xu hướng trước đây là nông thôn - thành thị.

Trao đổi với TTCT, ông Tào Bằng Huy, cục phó Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết bộ đã và đang triển khai nhiều giải pháp để quản lý và hỗ trợ dịch chuyển lao động hiệu quả.

Anh Nguyễn Hồng Phong bên con bò vừa mua về nuôi thử nghiệm cho dự án nuôi bò sắp tới - Ảnh: H.Văn
* Ông có thể cho biết cụ thể những giải pháp đó là gì?

- Bộ đã và đang triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm giai đoạn 2011-2015, trong đó ưu tiên các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động và tạo nhiều việc làm ở nông thôn với thu nhập ổn định.

Chương trình này bao gồm ba dự án: vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra còn có hai hoạt động nâng cao năng lực quản lý lao động - việc làm và hoạt động giám sát, đánh giá.

* Những giải pháp bộ triển khai trong giai đoạn 1 (2006-2010) có hiệu quả đến đâu và lao động khu vực nông thôn được hưởng lợi gì?

- Qua bốn năm thực hiện, chương trình đã góp phần quan trọng trong việc phát triển thị trường lao động. Trong giai đoạn 2006-2009, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đã cho vay trên 5.800 tỉ đồng, gián tiếp và trực tiếp tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động, trong đó phần lớn là lao động nông thôn.

* Thực tế cho thấy tại nhiều tỉnh thành người lao động trở về quê vẫn không tìm được việc làm?

- Chính phủ đưa ra những chính sách chung tầm vĩ mô, các tỉnh thành phải căn cứ thực tiễn địa phương để chủ động đưa ra các chương trình, quyết sách phù hợp, nếu máy móc rập khuôn sẽ không mang lại hiệu quả.

Theo tôi, quan trọng là các địa phương phải đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư, có chính sách ưu đãi về vốn, đảm bảo cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các tỉnh cũng cần có chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp, kết hợp phát triển chính sách làng nghề bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp… Như vậy mới giữ chân người lao động, thu hút lao động từ các đô thị lớn trở về.

Dự án đào tạo nghề cho hàng triệu lao động nông thôn đã và đang triển khai. Đây là dự án chuyển đổi đào tạo nghề theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu nên việc dự báo nhu cầu lao động của từng địa phương là rất quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp phải nhìn lại mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO