Đề xuất ưu tiên về thủ tục kiểm tra chuyên ngành

HT| 15/12/2020 06:00

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung quy định chế độ ưu tiên đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Đề xuất ưu tiên về thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Theo Tổng cục Hải quan, qua theo dõi, nắm tình hình về việc áp dụng cơ chế doanh nghiệp ưu tiên có một số vướng mắc phát sinh cần được xử lý thống nhất. Hiện nay, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đang là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa của tất cả doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành.

Do đó, Tổng cục Hải quan đề xuất sửa đổi bổ sung quy định chế độ ưu tiên đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại Khoản 3 Điều 9 như sau: “Được các bộ, ngành cho áp dụng ưu tiên về thủ tục quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan. Giao các bộ, ngành liên quan hướng dẫn quy định tại khoản này”.

Bên cạnh nội dung trên, Tổng cục Hải quan cũng đề xuất sửa đổi một số điểm về cơ chế một cửa quốc gia phù hợp với quy định hiện hành. Cụ thể, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định một số nội dung liên quan đến cơ chế một cửa quốc gia (Điều 7, Điều 8). Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ những tồn tại, chồng chéo, bất cập do việc thực hiện thủ công mang lại từ quy định trong văn bản pháp luật tới công tác phối hợp liên ngành như: còn nhiều yêu cầu về thông tin, chứng từ không cần thiết, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa quy trình thủ tục hành chính còn thấp, thiếu cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chia sẻ thông tin thực hiện thủ tục hành chính.

Chính vì vậy, ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Nội dung nghị định đã bao hàm đầy đủ các quy định liên quan đến việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Do vậy, tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP cần rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp. Tổng cục Hải quan đề xuất bãi bỏ khái niệm về “kiểm tra chuyên ngành” và “Cổng thông tin một cửa quốc gia” tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 3 và bãi bỏ Điều 7, Điều 8 tại nghị định.

Tại dự thảo nghị định, quy định về công tác kiểm tra, xác định trị giá hải quan cũng được nghiên cứu sửa đổi, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống gian lận thương mại nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ theo thông lệ quốc tế.

Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 21 theo hướng: trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan xác định lại trị giá hải quan, ấn định thuế để thông quan hàng hóa; trường hợp chưa đủ cơ sở bác bỏ thì cơ quan hải quan thông quan theo trị giá khai báo và kiểm tra giá sau thông quan. Ngoài ra về tỷ giá để xác định trị giá tính thuế cũng cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về trị giá hải quan đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực đã được quy định tại Hiệp định Trị giá WTO và Điều 86 Luật Hải quan. Theo đó, Tổng cục Hải quan dự kiến sửa đổi, bổ sung việc tiếp nhận và công bố tỷ giá theo hướng áp dụng chung tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan căn cứ trên hồ sơ hải quan, sổ kế toán, chứng từ kế toán và các chứng từ tài liệu có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện theo quy định của Luật Hải quan.

2. Trong quá trình làm thủ tục hải quan, trường hợp nghi vấn về trị giá do người khai hải quan tự xác định và kê khai, cơ quan hải quan thông báo cơ sở nghi vấn, mức giá, phương pháp do cơ quan hải quan dự kiến xác định và giải phóng hàng hóa theo quy định, người khai hải quan thực hiện tham vấn với cơ quan hải quan nhằm làm rõ về tính chính xác của trị giá kê khai.

a) Trường hợp bác bỏ trị giá do người khai hải quan tự xác định và kê khai, cơ quan hải quan ban hành văn bản thông báo kết quả xác định trị giá hải quan và quyết định ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thông quan hàng hóa.

b) Trường hợp chưa đủ cơ sở bác bỏ trị giá do người khai hải quan tự xác định và kê khai, cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo trị giá kê khai.

3. Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định trị giá tính thuế là tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cuối ngày của ngày thứ năm tuần trước liền kề hoặc là tỷ giá cuối ngày của ngày làm việc liền trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ. Tỷ giá này được sử dụng để xác định tỷ giá tính thuế cho các tờ khai hải quan đăng ký trong tuần và được đưa tin mới nhất trên trang điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

4. Bộ Tài chính quy định chi tiết điều này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất ưu tiên về thủ tục kiểm tra chuyên ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO