Cứu đúng doanh nghiệp là khai thông bế tắc

27/07/2011 03:21

Trong lúc tình hình kinh tế đang ẩn chứa nhiều bất ổn, trong một môi trường kinh doanh khó khăn bao vây tứ bề, chúng ta, những người chủ doanh nghiệp đang rất muốn biết: “Chính phủ sẽ bắt đầu từ đâu? Và sẽ đi theo hướng nào?”.

Cứu đúng doanh nghiệp là khai thông bế tắc

Trong lúc tình hình kinh tế đang ẩn chứa nhiều bất ổn, trong một môi trường kinh doanh khó khăn bao vây tứ bề, chúng ta, những người chủ doanh nghiệp đang rất muốn biết: “Chính phủ sẽ bắt đầu từ đâu? Và sẽ đi theo hướng nào?”.

Chính phủ nên dành ưu tiên cho nhóm doanh nghiệp làm ăn hiệu quả (nguồn tín dụng, hỗ trợ lãi suất...) để họ có thể ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển, thay vì chạy ăn từng bữa như hiện nay.

Khi tiền bạc hạn hẹp đi cùng với khó khăn chồng chất, những nhà điều hành vĩ mô có thể sẽ nghĩ đến việc đi vay, giảm đầu tư công, bán bớt phần tài sản từ các doanh nghiệp nhà nước; phát huy nguồn lực doanh nghiệp... Nhưng cách nào là tối ưu? Để giải quyết tình trạng thiếu vốn tạm thời, Chính phủ có thể chọn phương thức phát hành trái phiếu. Nhưng với mức độ tín nhiệm quốc gia không được khả quan trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang suy yếu như hiện nay, nếu có vay được chắc chắn chúng ta phải trả một khoản lãi suất rất cao.

Đề cập đến mục tiêu giảm đầu tư công lại thấy cảnh bế tắc, tiền một khi đã rót vào các dự án địa phương luôn “đi dễ khó về”. Nhìn sang việc cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước, lộ trình này đã và đang bị trì trệ vì nhiều lý do... Phải chăng trong bối cảnh hiện nay việc dựa vào nguồn lực doanh nghiệp chính là cứu cánh giúp các nhà điều hành vĩ mô xử lý tận gốc rễ các vấn đề khó. Chỉ có doanh nghiệp mới san sẻ được với Chính phủ gánh nặng nuôi dân, ổn định an sinh xã hội qua việc tạo ra công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân, thúc đẩy tiêu dùng...

Tôi cho rằng trong lúc nguồn lực đang có hạn như hiện nay, Chính phủ nên dành ưu tiên cho nhóm doanh nghiệp làm ăn hiệu quả (nguồn tín dụng, hỗ trợ lãi suất...) để họ có thể ổn định sản xuất, tiếp tục phát triển, thay vì chạy ăn từng bữa như hiện nay.

Cứu một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, họ sẽ cứu thêm được nhiều doanh nghiệp khác cũng như nhiều người lao động khác. Muốn vậy sẽ phải rất chi tiết trong việc nhận diện đối tượng nào nên cứu. Còn nếu xử lý theo hướng chung chung, tốt xấu lẫn lộn, thì diệt được kẻ xấu rồi người tốt cũng bị vạ lây.

Đơn cử như quy định siết chặt cho vay phi sản xuất đang áp dụng trong thời gian gần đây. Trên thực tế, không phải hoạt động phi sản xuất nào cũng xấu. Điều này cũng giống như hoạt động của doanh nghiệp. Hoạt động doanh nghiệp bao gồm hai bộ phận: bộ phận trực tiếp tạo ra doanh thu (sản xuất, bán hàng) và bộ phận hỗ trợ (kế toán tài chính, nhân sự, chuỗi cung ứng...). Nếu chỉ giữ bộ phận sản xuất mà cắt giảm bộ phận hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ bị tê liệt ngay...

Trước đây, khi tiếp nhận các kiến nghị từ doanh nghiệp, Chính phủ có thể nghĩ đó là sự xem xét, ban ơn, ban phát... Nhưng với thực tế hiện nay, đây không còn là sự xin cho mà là sự hợp tác tối cần thiết giữa Chính phủ và doanh nghiệp để giải quyết bài toán khó cho cả nền kinh tế. Khi định hướng mọi hành động xoay quanh tâm điểm này, chúng ta có quyền kỳ vọng vào tài lèo lái của các vị lãnh đạo, từng bước dẫn dắt nền kinh tế vượt qua cơn sóng gió.

PHAN ĐÌNH ANH TUẤN, Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư Maya

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cứu đúng doanh nghiệp là khai thông bế tắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO