Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là vô cùng cấp bách

Lan Ngọc| 29/05/2023 06:00

TP.HCM kỳ vọng nghị quyết mới về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sau khi được Quốc hội thông qua sẽ tăng tính chủ động, giúp huy động tối đa nguồn lực, khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn Nghị quyết số 31/2022/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là vô cùng cấp bách

Bối cảnh và tác động của Nghị quyết 54

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, trong giai đoạn 2011-2015, GRDP của TP.HCM đã tăng bình quân 9,6%/năm, cao gấp 1,63 lần bình quân cả nước, cao hơn 1,5 lần so với chỉ tiêu mà Nghị quyết 16 đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 5.122 USD/người, gấp 2,37 lần bình quân cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,19 triệu tỷ đồng, gấp 2 lần giai đoạn 2006-2010; đóng góp bình quân 27% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 21% GDP toàn quốc.

Tuy nhiên, khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 (từ năm 2012-2017), Bộ Chính trị nhận thấy TP.HCM chưa tạo được những đột phá về phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển, cần phải có một thể chế thích hợp tương ứng với vai trò, vị thế của đô thị đặc biệt TP.HCM phát triển nhanh và bền vững, Bộ Chính trị đã chỉ đạo ban hành một nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, đó chính là Nghị quyết số 54/2017/QH14 được Quốc hội ban hành năm 2017. 

Quá trình thực hiện Nghị quyết 54, TP.HCM đạt được những kết quả tích cực (ngoại trừ hai năm bị tác động ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19), thì GRDP giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng bình quân 7,72%/năm, cao hơn mức bình quân 7,22% giai đoạn 2011-2015, sau đó do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, GRDP của TP.HCM năm 2020 đã tăng chậm lại ở mức 1,39% và bị suy giảm mạnh ở mức âm (-) 6,78% năm 2021, đến năm 2022 đã ghi nhận phục hồi tăng trưởng trở lại ở mức 9%. 

Các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 54 khi triển khai đã giúp TP.HCM đẩy nhanh được việc thực hiện các dự án đầu tư nhóm A so với phải trình các cơ quan trung ương; chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và vay từ nguồn Chính phủ vay quốc tế rồi cho vay lại để đầu tư phát triển; chi thu nhập tăng thêm để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức nhằm khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, hiệu quả làm việc, nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước; đẩy mạnh ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. 

Đánh giá tổng thể những tác động của các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 54 đối với phát triển TP.HCM sau 5 năm thực hiện, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng Nghị quyết 54 chỉ nới đôi chút “cái áo cũ đã chật trội”, chưa tạo được động lực cần thiết cho TP.HCM bứt phá; chưa giải quyết được các vướng mắc để tạo động lực cho cán bộ, công chức phấn đấu; chưa giải quyết được vấn đề phát sinh do cấu trúc chính quyền thay đổi (có thêm thành phố Thủ Đức); việc phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ cho TP.HCM vẫn còn giới hạn. Ngoài ra, Nghị quyết 54 vẫn chưa giải quyết được các bất cập cản trở sự phát triển theo xu thế mới dựa vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Tổng kết thực hiện Nghị quyết 54, TP.HCM cũng xác định rõ các cơ chế, chính sách về tài chính đặc thù giúp thành phố huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, các vấn đề xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư... khi triển khai mức độ phát huy còn hạn chế; các nguồn thu có tiềm năng và số thu lớn chưa được triển khai (thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, thu khai thác tài sản và từ đất đai...); một số cơ chế, chính sách khác tại Nghị quyết 54 cũng chưa cụ thể phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm (các nội dung ủy quyền).

-1293-1685107583.jpg

Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù là cấp thiết

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16, TP.HCM đã tiếp tục khẳng định là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới; cơ cấu kinh tế TP.HCM tiếp tục chuyển dịch gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. 

Trên cơ sở tổng kết thực hiện Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54, Bộ Chính trị đánh giá, tiềm năng, lợi thế của TP.HCM vẫn chưa được khai thác hiệu quả; tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt của TP.HCM đã bị suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.

Ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31/NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến 2030-2045, xác định mục tiêu đến năm 2030 “TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á”; tầm nhìn đến năm 2045 “TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân vùng TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của các nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế”.

Theo nhận định của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), mục tiêu và tầm nhìn của Nghị quyết 31 đặt kỳ vọng rất lớn đối với phát triển TP.HCM và để hiện thực hóa Nghị quyết 31 thì cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội cho TP.HCM phát triển đáp ứng xu thế mới và Bộ Chính trị đã yêu cầu xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Chính phủ cũng đã xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 và vào sáng 26/5/2023 Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét. Dự kiến, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết này trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Đã có bước đột phá

Theo TS. Võ Trí Thành, cách tiếp cận để đưa ra các cơ chế, chính sách vượt trội tại dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 đã có những bước đầu đột phá. Ngoài các nhóm cơ chế, chính sách kế thừa tại Nghị quyết 54 và kế thừa từ thực tiễn đang triển khai (kế thừa nguyên nội dung hoặc có sửa đổi, bổ sung) theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho TP.HCM, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 còn đưa ra nhóm cơ chế, chính sách mới chưa có tại Nghị quyết 54, chưa có trong thực tiễn, chưa có trong các dự thảo luật sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới (từ Điều 4 đến Điều 10).

Các cơ chế, chính sách này nhằm giúp TP.HCM giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh từ cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành, cũng như giải quyết các vấn đề gặp phải trong quá trình phát triển mà thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật hiện hành vẫn chưa có các quy định. Trong đó:

- Cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư

Sẽ giúp TP.HCM chủ động sử dụng hiệu quả các nguồn thu và tập trung chi cho đầu tư phát triển mà không phải chờ Quốc hội điều chỉnh tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đã được phân giao. Thí điểm mô hình đô thị theo hướng phát triển giao thông, sẽ giúp TP.HCM hình thành các khu vực đô thị tại các đầu mối giao thông, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sắp xếp, chỉnh trang lại đô thị, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong khi triển khai xây dựng các tuyến giao thông.

Cho phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số loại dự án không phải thực hiện thủ tục sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ giúp thành phố tháo gỡ vướng mắc đối với các khu đất thuộc trung tâm nhằm thực hiện chỉnh trang đô thị, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục và tạo sự cạnh tranh thu hút đầu tư.

Cho phép đầu tư các dự án PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; BOT đối với các dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ đô thị hiện hữu, đường trên cao; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT, sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM thu hút vốn từ doanh nghiệp để đẩy nhanh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giải quyết các điểm nghẽn giao thông, nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời có tính chất thử nghiệm để hoàn thiện lại khung pháp luật BT và BOT. 

-3863-1685107583.jpg

- Cơ chế chính sách về tài chính ngân sách

Cho phép TP.HCM bố trí khoản chưa phân bổ từ 2-4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, thực hiện nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác chưa được dự toán, điều này sẽ tạo ra sự linh hoạt trong điều hành quản lý của các quận khi quận không còn là một cấp ngân sách theo quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

TP.HCM được chủ động sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình quan trọng có tính chất vùng, liên vùng.

Các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) sẽ giúp TP.HCM tạo công cụ tài chính mạnh để thực hiện các chính sách phát triển hạ tầng, góp phần định hướng phát triển kinh tế, xã hội. 

Cho phép TP.HCM được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp nhằm nâng cao tiện ích cho doanh nghiệp và người lao động.

Cho phép TP.HCM tạo nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon hình thành từ các chương trình, dự án giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng mái nhà của trụ sở cơ quan, đơn vị nhà nước đảm bảo các điều kiện kỹ thuật tại các trụ sở để lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

- Cơ chế, chính sách quản lý đô thị và tài nguyên môi trường

Tăng thẩm quyền cho TP.HCM điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo pháp luật về xây dựng, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục quy hoạch để chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại dân cư, tăng tiện ích cho cộng đồng.

Các chính sách liên quan đến thực hiện các dự án nhà ở xã hội về quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở vị trí khác tương đương quy mô ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, sẽ giúp TP.HCM giảm bớt thủ các tục hành chính, giải quyết các bất cập về việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, nâng cao tính hấp dẫn của dự án để khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản.

Các cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phương pháp truyền thống, tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ sang đốt phát điện, sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển TP.HCM theo hướng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Các cơ chế, chính sách xử lý các khu đất của doanh nghiệp nhà nước đã chuyển sang hoạt động là công ty cổ phần, nhưng quá trình cổ phần hóa không có phương án sử dụng đất được phê duyệt; các cơ chế về giao, thuê đất, tính tiền sử dụng đất với các dự án BT được ký kết theo quy định pháp luật trước đây; cơ chế giao, thuê đất lấn biển... sẽ giúp TP.HCM khơi thông các vướng mắc về đất đai, giải phóng nguồn lực về đất và sớm đưa đất vào sử dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sử dụng đất.

- Cơ chế về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược

Các cơ chế, chính sách cho phép TP.HCM ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ số; nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ; đầu tư sản xuất chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng sạch, mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE); đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch... sẽ giúp TP.HCM thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh và năng lực công nghệ hiện đại nhằm tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới các doanh nghiệp phụ trợ, hệ sinh thái ngành nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố.

- Cơ chế, chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo 

Cho phép TP.HCM hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên thông qua miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ kinh phí, giảm tiền thuê mặt bằng cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức ươm tạo, thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt; các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn được nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm các công nghệ mới.

Nhóm cơ chế, chính sách này, sẽ giúp TP.HCM trở thành trung tâm thu hút khởi nghiệp sáng tạo của cả khu vực, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.HCM với các trung tâm kinh tế của khu vực trong việc đón đầu các xu hướng mới phát triển khoa học công nghệ, phát huy được trí tuệ và khả năng kinh doanh của thế hệ trẻ. 

- Cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của TP. HCM

Những nội dung phân cấp, ủy quyền chính quyền địa phương; tổ chức bộ máy như cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm; Chủ tịch UBND TP.HCM được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tăng số lượng phó chủ tịch UBND huyện và phường, xã, thị trấn; cơ chế về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức. Cho phép HĐND TP.HCM quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn; thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đảm bảo các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện theo quy định pháp luật.

Cho phép Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao: được phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trong phạm vi nội khu; thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM; cấp, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong phạm vi nội khu.

Các cơ chế, chính sách này sẽ giúp điều chỉnh lại cơ cấu, số lượng cán bộ công chức trong bộ máy, đáp ứng yêu cầu của thực tế để phục vụ tốt hơn người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao tính năng động, sáng tạo của chính quyền các cấp, các đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính khác thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh từ các cơ quan cấp trên, tạo sự liên thông giữa công chức các cấp từ xã, huyện trở lên.

- Cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức 

Cho phép HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định giao một số chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức trong các lĩnh vực cụ thể; cho phép UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức được ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, Chủ tịch UBND các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn.

HĐND thành phố Thủ Đức quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc. UBND thành phố Thủ Đức xem xét, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của thanh tra xây dựng, trung tâm phát triển quỹ đất và văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc trong phạm vi thành phố.

Các cơ chế, chính sách này sẽ tạo ra hành lang pháp lý mạnh mẽ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước thành phố Thủ Đức, đáp ứng các mục tiêu Trung ương đã giao và TP.HCM đã đề ra khi thành lập thành phố Thủ Đức.

Theo TS. Võ Trí Thành, nếu Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 mới tại kỳ họp đang diễn ra, TP.HCM cần khẩn trương chuẩn bị tốt nhất để triển khai, kịp thời đưa nghị quyết vào cuộc sống, để phát huy tác động, kinh tế của TP.HCM dự kiến từ quý III/2023 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là vô cùng cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO