Bỏ dừa ôm tôm coi chừng ôm nợ

23/09/2011 08:26

Đó là khẳng định của ông Trần Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bến Tre khi trao đổi với người viết về tình trạng bà con nông dân huyện Bình Đại đang ồ ạt phá dừa chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT).

Bỏ dừa ôm tôm coi chừng ôm nợ

Đó là khẳng định của ông Trần Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bến Tre khi trao đổi với người viết về tình trạng bà con nông dân huyện Bình Đại đang ồ ạt phá dừa chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT).

Giá tôm thẻ chân trắng tăng cao khiến nhiều hộ nông dân ở huyện Bình Đại, Bến Tre ồ ạt đốn dừa chuyển sang nuôi. Trong ảnh là nông dân huyện Bình Đại thu hoạch tôm giao cho xí nghiệp chế biến xuất khẩu

Dẫn chứng được ông Hùng đưa ra để khẳng định “là dại” vì trong 2 năm trở lại đây giá dừa tại Bến Tre liên tục tăng cao, lại ít gặp rủi ro dịch bệnh; trong khi đó, dù giá tôm tăng cao trong những tháng gẩn đây nhưng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Cây dừa cho lợi nhuận ít nhưng ổn định

Trao đổi với người viết về hiệu quả kinh tế mang lại từ cây dừa, bà con nông dân trồng dừa tại các huyện Châu Thành, Giồng Trôm của Bến Tre cho biết, từ sau tết Nguyên đán năm 2009 đến nay, giá dừa tại Bến Tre nói riêng và khu vực các tỉnh ĐBSCL liên tục tăng cao. Mỗi năm một héc ta đất trồng dừa cho lãi từ 100-120 triệu đồng. Với những vườn dừa trong giai đoạn cây sung, cho trái nhiều, mỗi cây dừa cho thu nhập 1 triệu đồng/năm

Đặc biệt, với giống dừa sáp có giá cao nhất từ trước đến nay, mỗi trái có giá 180.000-200.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Buông ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Bến Tre cho biết, nếu như trước đây (khoảng năm 2007-2008 về trước), giá trị kinh tế mang lại từ cây dừa rất thấp, thì liên tục hơn 2 năm trở lại đây cây dừa đã giúp đổi đời nhiều hộ nông dân ở Bến Tre nhờ hiệu quả kinh mà nó mang lại.

Ông Trần Văn Hùng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre thừa nhận: “Đúng là những năm gần đây hiệu quả kinh tế từ cây dừa mang lại cho bà con nông dân là rất lớn”.

Nếu như trong những năm 2005, mỗi trái dừa khô được bà con bán cho thương lái chỉ 1.500-2.000 đồng, thì đến giữa năm 2009, dừa khô được thương lái đến tại vườn của bà con nông dân tự thu hoạch (thương lái tự hái trái) và mua với giá 5.000-7.000 đồng/trái.

Sôi động nhất là đầu năm 2011, mỗi trái dừa khô được thương lái đến tận nơi thu gom với giá 9.000-10.000 đồng, rồi 11.000-12.000 đồng. Hiện tại, mỗi trái dừa khô có giá lên đến15.000 đồng, tương đương 180.000 đồng/chục (chục 12 trái).

Theo dự đoán của Sở NN&PTNT Bến Tre, thời gian tới, nhiều khả năng giá dừa khô sẽ còn tiếp tục tăng cao vì nhu cầu loại trái cây này ở thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu là rất lớn, đó là chưa nói tới nhu cầu cho chế biến trong nước.

Bên cạnh đó, các loại phụ phẩm từ dừa hiện cũng được bà con nông dân làm ra nhiều loại đồ thủ công mỹ nghệ được ưa chuộng không chỉ thị trường trong mà còn ngoài nước.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Bến Tre, toàn tỉnh hiện có khoảng 51.000 héc ta dừa, tập trung ở các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri…, trong đó, có trên 45.000 héc ta đang cho trái, ước sản lượng thu hoạch 350 triệu trái/năm.

Trong năm ngoái kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa đạt 55 triệu đô la, dự kiến con số này sẽ tăng cao trong năm 2011 vì từ đầu năm đến nay giá dừa liên tục tăng cao.

So với đầu năm 2010 giá dừa hiện đã tăng bình quân 50.000-70.000 đồng/chục. Còn so với giá năm 2005, hiện tại giá đã tăng 115.000 - 125.000 đồng/chục.

Bỏ dừa ôm tôm, coi chừng ôm nợ

Đa số ý của của lãnh đạo ngành nông nghiệp Bến Tre đều không đồng tình với việc nông dân ở các xã Vang Quới Đông, Phú Vang, Lộc Thuận, Phú Long, Bình Thới… của huyện Bình Đại ồ ạt hạ (đốn bỏ) dừa chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT).

Ông Hùng khẳng định: “So với nhiều loại cây trồng lẫn vật nuôi khác, dù hiệu quả kinh tế mang lại của cây dừa vẫn chưa cao, nhưng xét về tính bền vững, dịch bệnh và thổ nhưỡng đất nơi đây, cây dừa vẫn giữ vị trí số 1. Việc nông dân ồ ạt đốn dừa chuyển sang nuôi TTCT là một quyết định dại, cần phải chấm dứt ngay”.

Trao đổi với người viết, bà con nông dân ở các xã Phú Vang, Lộc Thuận, Bình Thới cho biết, nguyên nhân khiến bà con quyết định “ôm tôm, bỏ dừa” là do trong vài vụ thu hoạch gần đây, bà con nông dân nuôi tôm ai cũng thắng lớn. Lợi nhuận thu được từ 1 công đất nuôi TTCT (1.000m2) ngang bằng với lợi nhuận thu được từ 1 héc ta dừa, thời gian nuôi và thu hoạch tôm còn ngắn hơn rất nhiều, chỉ từ 2,5-3 tháng.

Tuy nhiên, về vấn đề dịch bệnh, bà con nơi đây ai cũng thừa nhận, trước khi đốn hạ vườn dừa để chuyển sang nuôi TTCT họ không nghĩ tới vấn đề này, chỉ nghĩ tới mức lãi những hộ nuôi TTCT vừa thu hoạch được mà thôi.

Thực tế, theo thống kế của Bộ NN&PTNT, đợt dịch bệnh xảy ra trên tôm vừa qua, toàn vùng ĐBSCL có 53.000 héc ta ao nuôi tôm của bà con nông dân ở 7 tỉnh ĐBSCL bị thiệt hại. Tình hình dịch bệnh trên tôm sẽ còn tiếp tục tăng cao nếu các địa phương cứ ồ ạt mở rộng diện tích thả nuôi không theo quy hoạch, không có biện pháp ngưng vụ, cách ly mầm bệnh.

Dù chua có thông kê chính thức về diện tích dừa trên đại bàn tỉnh đã bị đốn để chuyển sang nuôi TTCT, nhưng ông Hùng cho biết, tới đây Sở NN&PTNT Bến Tre sẽ phối hợp với các huyện kiểm tra việc bà con ồ ạt đốn dừa chuyển sang nuôi TTCT, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bỏ dừa ôm tôm coi chừng ôm nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO