APEC 2017 và cơ hội cho những nền kinh tế nhỏ

BÍCH HỒNG| 14/11/2017 04:29

Tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nội hàm của khái niệm phát triển bao trùm, tự do hóa thương mại, toàn cầu hóa là những vấn đề được lãnh đạo các nền kinh tế, lãnh đạo các tập đoàn lớn bàn luận sôi nổi.

APEC 2017 và cơ hội cho những nền kinh tế nhỏ

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với chủ đề Tạo động lực mới, vun đắp tương lai được tổ chức tại TP. Đà Nẵng từ ngày 6 - 11/11/2017, trong đó lãnh đạo các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương đã thảo luận, đưa ra các quyết sách kinh tế quan trọng cũng như những giải pháp đưa thế giới vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội và động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, đã diễn ra trọn vẹn.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch APEC CEO Summit 2017 nhận định, cuộc đối thoại APEC CEO Summit trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được coi là cuộc đối thoại lịch sử giữa các nhà lãnh đạo APEC và hơn 800 lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới - những người đang làm nên diện mạo của nền kinh tế thế giới.

Tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nội hàm của khái niệm phát triển bao trùm, tự do hóa thương mại, toàn cầu hóa là những vấn đề được lãnh đạo các nền kinh tế, lãnh đạo các tập đoàn lớn bàn luận sôi nổi. Hầu hết đều nhất trí toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại là xu thế tất yếu nhưng mỗi nền kinh tế, hay ở phạm vi nhỏ hơn là mỗi doanh nghiệp đều phải xác định hướng đi phù hợp, đảm bảo lợi ích chung lẫn mục tiêu phát triển riêng.

Con số từ Ban tổ chức cho biết, có khoảng 500 doanh nhân Trung Quốc tháp tùng Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự APEC 2017. Những doanh nhân đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn tiếp cận các vấn đề lớn từ thông điệp của các nguyên thủ quốc gia tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 như Canada, Úc, Nhật Bản, Mỹ, Nga...

Với phương thức "ngoại giao con thoi", đội ngũ doanh nhân này mong muốn quảng bá và tìm đối tác cho Trung Quốc và cho chính tập đoàn của họ trong quá trình thực thi sáng kiến "Vành đai, con đường".

Ông Tập Cận Bình cam kết, sáng kiến "Vành đai, con đường" dành cho các đối tác châu Á, châu Phi và các nước Ả Rập. Đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối kinh tế, tăng cường bổ trợ lẫn nhau về các chiến lược phát triển nhằm mang lại sự thịnh vượng chung. Dù sáng kiến này là từ Trung Quốc nhưng nó thuộc về toàn thế giới.

Trung Quốc tin tưởng rằng sáng kiến "Vành đai, con đường" sẽ mở ra một kênh hợp tác năng động hơn cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông kêu gọi các chính phủ, tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức tài chính quốc tế hợp tác với Trung Quốc để sáng kiến "Vành đai, con đường" góp phần đem lại thịnh vượng và phát triển cho tất cả các nền kinh tế. Điều này thể hiện Trung Quốc giữ đường lối hợp tác đa phương trong quan hệ kinh tế.

Trong số 12 văn kiện hợp tác được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam sau khi tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, có Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và con đường".

>>4 vấn đề then chốt tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Trong khi đó, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit 2017) lại thể hiện quan điểm nước Mỹ đã chờ đợi quá lâu để có sự cạnh tranh bình đẳng, 2 bên cùng có lợi: "Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trên hết. Tôi cũng mong đợi các bạn trong khán phòng này đặt lợi ích của quốc gia bạn lên trên hết. Đó là thông điệp tôi mong muốn truyền tải với các bạn".

Ông Trump còn nhấn mạnh đến các thỏa thuận song phương, sự cân bằng thương mại, sự hợp tác dựa trên việc lựa chọn đối tác giàu tiềm lực, cạnh tranh và cùng có lợi.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam (từ ngày 11 - 12/11/2017) của Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo 2 nước tái khẳng định mối quan hệ kinh tế ngày càng được tăng cường và cùng có lợi giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh mong muốn tạo công ăn việc làm và tạo dựng những điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, buôn bán ở cả 2 nước.

2 nhà lãnh đạo cam kết cùng làm sâu sắc hơn và mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư song phương thông qua các cơ chế chính thức, bao gồm Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA). Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Trần Đại Quang và Tổng thống Donald Trump đã chứng kiến lễ ký nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế quan trọng với tổng trị giá trên 12 tỷ USD giữa 2 nước.

Những thông điệp của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC cho thấy, kinh tế thế giới đang xoay chuyển rất nhanh từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quan điểm phát triển, hợp tác của những nền kinh tế hùng mạnh sẽ tác động đến tất cả. Liệu rằng những nền kinh tế nhỏ như Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội phát triển nào trong dòng chảy toàn cầu hóa?

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Ousmane Dione nhìn nhận, nỗ lực của Việt Nam trong vai trò là nước đăng cai tổ chức APEC 2017 với hướng thảo luận phát triển bao trùm không để thành viên nào bị bỏ lại đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người nghèo được các nguyên thủ các nền kinh tế chia sẻ tích cực. Và qua những thông điệp, những phân tích đó, cơ hội sau APEC 2017 của các nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam là rất lớn.

Nhưng thời gian và tốc độ cải cách chính sách, san bằng các bất công bởi chính sách bảo hộ trong kinh doanh của khu vực nhà nước và tư nhân còn chậm. Những câu hỏi về bảo hộ mậu dịch, về xuất xứ hàng hóa, ô nhiễm môi trường, áp lực tăng lương sẽ ngày càng nặng nề đối với Việt Nam.

Số lượng doanh nhân Việt Nam xuất hiện ít ỏi tại APEC 2017 khi Việt Nam là chủ nhà cũng cho thấy doanh nghiệp có quy mô lớn quan tâm đến tầm nhìn quốc tế còn quá khiêm tốn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
APEC 2017 và cơ hội cho những nền kinh tế nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO