An ninh lương thực là vấn đề sống còn!

NGỌC VÂN (thực hiện)| 02/12/2009 08:40

Mặc dù những thông tin về xuất khẩu gạo của VN vào tháng cuối năm rất đáng mừng, nhưng tại Festival Lúa gạo VN, giới báo chí đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực.

An ninh lương thực là vấn đề sống còn!

Mặc dù những thông tin về xuất khẩu gạo của VN vào tháng cuối năm rất đáng mừng, nhưng tại Festival Lúa gạo VN, giới báo chí đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực. Bởi, một nước từng dư dả lương thực như Ấn Độ nay đang phải tính chuyện nhập khẩu gạo. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng đã chia sẻ những thông tin đáng chú ý về an ninh lương thực thế giới và VN:

Trong nhiều năm qua thế giới đã nỗ lực chống đói nghèo, nhưng giờ kiểm điểm lại, số người thiếu đói hiện đã lên đến 1,2 tỷ, có nghĩa là cứ sáu người thì có một người đói. Nếu không có giải pháp mạnh, nguy cơ tình trạng đói nghèo sẽ tiếp tục tăng. Thành công lớn nhất mà Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Lương thực (do Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) chủ trì, diễn ra vào giữa tháng 11 vừa qua) đạt được là sự nhất trí về chiến lược mới chống đói nghèo.

Đó không chỉ là cung cấp lương thực mà còn giúp những người nghèo điều kiện cần thiết để họ có thể tự lo cuộc sống của mình. Tuy nhiên, Hội nghị lại chưa thống nhất được những chỉ số để kiểm tra việc giảm đói nghèo. Về lộ trình giảm đói, Hội nghị cam kết sẽ nỗ lực để giảm một nửa số người đói vào năm 2015, nhưng mốc thời gian thế giới không còn người đói thì chưa xác định được. Cam kết chính trị rất cao, nhưng cam kết hỗ trợ kinh tế, hỗ trợ tài chính của các nước giàu đối với những nước còn đói nghèo chưa đạt được như mong muốn.

Như vậy là, Hội nghị An ninh Lương thực thế giới lần này, với những kết quả thiếu tính cụ thể, không tạo được đột phá trong cuộc chiến chống nạn đói toàn cầu. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng nhắc lại một loạt vấn đề đang ảnh hưởng đến an ninh lương thực, từ biến đổi khí hậu đến phân phối đất nông nghiệp, những bất cập trong chia sẻ các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp của các nước giàu với các nước nghèo, cho đến các rào cản trong thương mại nông nghiệp toàn cầu.

Việt Nam được xem như điểm sáng trong bức tranh an ninh lương thực toàn cầu, là một trong bốn nước thành công nhất trong hoạt động xóa đói nghèo. VN không chỉ xóa đói mà còn giảm hơn một nửa tỷ lệ người nghèo, từ 24% vào năm 1993 xuống còn 11% vào năm 2002.

* Vậy, VN có thể an tâm về an ninh lương thực chưa, thưa ông?

- VN đã cơ bản giải quyết vấn đề an ninh lương thực, hiện nay chỉ còn một số nhỏ dân cư vùng sâu chưa đủ lương thực trong lúc giáp hạt. Nhưng chúng ta không thể chủ quan được, vì VN là một nước đất hẹp, người đông, dân số đến năm 2020 sẽ lên tới 100 triệu người và sau năm 2030 thì có thể lên tới 120 - 130 triệu người. Tương lai còn rất nhiều thử thách, VN lại được cảnh báo là nằm trong vùng ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu, nên có thể nói an ninh lương thực của chúng ta vẫn chưa vững chắc. Chính vì vậy, chúng ta phải tiếp tục duy trì bảo đảm một cách vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Trong tháng 12 này, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020. Tinh thần của chúng ta là tất cả người dân mọi lúc, mọi nơi và trong mọi tình huống không thiếu đói. Nếu không xem an ninh lương thực là vấn đề sống còn của đất nước thì nguy cơ thiếu lương thực sẽ diễn ra.

* Sản lượng lúa của cả nước những năm gần đây đạt khá cao, vậy còn điều gì lo lắng?

- Hiện nay, sản xuất lúa của chúng ta có 2 - 3 vụ trong năm. Các vụ đông xuân hay thu đông, nếu bán không được giá thì nông dân có thể giữ lại. Nhưng vụ hè thu - vụ chính trong năm, được thu hoạch đúng lúc thời tiết mưa nhiều, nông dân không tự sấy được, nên không bán ngay thì lúa sẽ hư, tạo ra tình trạng ép giá. Bộ cũng rất bức xúc và trăn trở nhiều năm để giải quyết vấn đề này. Không phải lỗi do thương lái, mà do cơ sở hạ tầng phục vụ sau thu hoạch quá yếu, không giúp nông dân sản xuất được tốt trong mùa mưa. Cần có kho và hệ thống sấy để nông dân cứ gặt lúa xong, thương lái thu mua lúa đem về kho để sấy hoặc nông dân có thể mang sấy trực tiếp. Phải mất 3 - 4 năm nữa mới giải quyết được vấn đề này. Còn từng địa phương nên nghiên cứu điều chỉnh thời gian trồng và thu hoạch lúa hè thu để đỡ thiệt hại cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
An ninh lương thực là vấn đề sống còn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO