5 quân cờ xuất khẩu

06/01/2012 07:16

5 quân cờ chủ đạo trong bàn cờ giao thương xuất khẩu năm 2011 và 2012 của Việt Nam đã được tìm thấy.

5 quân cờ xuất khẩu

5 quân cờ chủ đạo trong bàn cờ giao thương xuất khẩu năm 2011 và 2012 của Việt Nam đã được tìm thấy.

>> Việt Nam mở rộng được thị trường xuất khẩu
>> Vẫn tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu
>> Những thách thức cho tăng trưởng xuất khẩu 2010
>> Hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng
>> Tín hiệu xuất khẩu mới sang thị trường Trung Quốc
>> Tác động xuất khẩu hàng Việt Nam

Giá hàng hóa thế giới tăng mạnh vào đầu năm, tiền đồng giảm 9,3% vào tháng 2, cộng thêm lượng hàng xuất khẩu tăng đã khiến xuất khẩu năm 2011 thiết lập mức cao kỷ lục, đạt 96,3 tỉ USD, vượt 16 tỉ USD so với mục tiêu và cao hơn 33% so với năm 2010, theo số liệu của Bộ Công Thương.

Nhìn lại 1 năm

Thủy sản vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường các nước

Trong năm qua, nhiều thị trường đã tăng trưởng khả quan như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Đông và châu Phi. Xét về thị trường, Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thương mại 2 chiều tăng cao gấp 6 lần so với trước, từ 14,8 tỉ USD kim ngạch 2 chiều của năm 2010 đã tăng lên 20 tỉ USD vào năm 2011.

Tuy nhiên, một trong những thị trường chính là châu Âu lại giảm sút ở nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Hầu hết các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường này giảm và chưa có dấu hiệu khả quan trong năm 2012. Da giày gần như chững lại dù mức thuế áp chống bán phá giá đã được gỡ bỏ vào đầu năm. Các đơn hàng dệt may bị giảm sút, thậm chí có những đơn hàng bị đối tác dời ngày giao hàng đến 3 tháng. Khủng hoảng châu Âu khiến nhiều khách hàng tại đây do dự trong việc đặt hàng. Thủy sản cũng giảm nhẹ...

Bù lại Nhật là thị trường tăng trưởng khá tốt trong thời gian vừa qua. Nước này đang nới lỏng dần các quy định cho những hàng hoá họ từng bảo hộ mạnh, như nông sản, gạo. Nhờ đó, thủy sản, dệt may của Việt Nam vào Nhật tăng mạnh. Hàng dệt may hiện là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Nhật.

Bên cạnh đó, thị trường Hàn Quốc cũng đang bắt đầu được mở rộng. Ông Lê An Hải, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết hiện nhu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp nước này đối với hàng Việt Nam đang tăng đều. Nhiều loại nông sản, trong đó có rau quả tươi sống, như trái thanh long và bắp cải của Việt Nam đã xuất khẩu được sang Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may tăng 116% so với 11 tháng năm 2010.

Ngoài ra, ước tính cả năm, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Á đạt khoảng 8 tỉ USD, bằng 136% so với kế hoạch được giao. Trong đó, châu Phi vẫn là thị trường tăng trưởng cao nhất với mức 3,5 tỉ USD, tăng 97% so với năm 2010. Các chuyên gia và doanh nghiệp coi đây là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam trong năm 2012. Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này vẫn là gạo, dệt may, thủy sải sản, cà phê, phụ tùng ôtô và sắt thép nói chung. Cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan…cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu mạnh sang thị trường này.

Những thị trường tiềm năng trong năm 2012

Theo ông Đào Trần Nhân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, Mỹ sẽ vẫn là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của Việt Nam. Ông Nhân cho rằng, Việt Nam nên tập trung xuất khẩu những mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, hải sản và các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, những cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Mỹ ngày càng tăng nhanh là điều doanh nghiệp phải lưu ý. Thị trường này đang đưa ra nhiều luật mới khắt khe hơn cho doanh nghiệp mà gần đây nhất là “Đạo luật hiện đại hóa về an toàn vệ sinh thực phẩm”. Theo ông Nhân, trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần mời chuyên gia Mỹ sang đào tạo cho doanh nghiệp về đạo luật mới này để tránh tình trạng xảy ra rồi mới lo chạy theo giải quyết.

Ông Vũ Văn Trung, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật, cho rằng kim ngạch nhập khẩu của Nhật trong năm 2012 sẽ tiếp tục tăng cao do nhu cầu khôi phục sản xuất của vùng bị thiệt hại trong trận động đất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này vẫn chưa tận dụng được tối đa những lợi thế có từ Hiệp định Đối tác giữa Việt Nam và Nhật có hiệu lực từ tháng 10.2009. Trong số các nước có hiệp định thương mại song phương với Nhật, Việt Nam được nhiều ưu đãi nhất. Trong 10 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, 84,6% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật sẽ tiến tới thuế suất 0%, trong đó có các mặt hàng chủ lực như nông sản, thực phẩm, thủy sản, đồ gỗ, dệt may và nhiều mặt hàng công nghiệp khác.

Với một thị trường tiềm năng và khá gần gũi khác là Hàn Quốc, hiện nay Thương vụ Việt Nam tại đây đang xúc tiến để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu phở và bánh tráng vào xứ sở kim chi. Mặc dù tại Hàn Quốc có nhiều quán phở Việt Nam, nhưng bánh phở lại được nhập khẩu từ Thái Lan. Bắt đầu từ ngày 1.1.2012 sẽ có nhiều nhóm mặt hàng của Việt Nam và Hàn Quốc được giảm thuế suất theo lộ trình cam kết thương mại, chẳng hạn trái thanh long vốn có mức thuế suất 50% sẽ giảm còn 20%. Đây sẽ là động lực góp phần đẩy mạnh hơn nữa các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường này

Bên cạnh thị trường Trung Đông và châu Phi đang còn nhiều tiềm năng thì năm 2012 Myanmar cũng sẽ là thị trường đáng chú ý cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế thì đây là một thị trường đang được nhiều nước nhòm ngó trong đó có Nhật. Hiện đang có nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục sang đây kinh doanh, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết.

Theo các tham tán thương mại của Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, nhu cầu của các nước đối với hàng hóa Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tự nỗ lực và hiểu luật nước sở tại thật tường tận mới có thể tận dụng được cơ hội này

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 quân cờ xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO