Vì sao Mỹ muốn nhúng tay vào Syria

18/06/2013 05:52

Quyết định trang bị vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria của Tổng thống Obama nhấn sâu sự dính líu của Mỹ vào cuộc xung đột ở khu vực, khiến Mỹ đối đầu gay gắt với Nga.

Vì sao Mỹ muốn nhúng tay vào Syria

Quyết định trang bị vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria của Tổng thống Obama nhấn sâu sự dính líu của Mỹ vào cuộc xung đột ở khu vực, khiến Mỹ đối đầu gay gắt với Nga.

Quyết định trang bị vũ khí cho quân nổi dậy chắc chắn sẽ làm căng thẳng thêm trong quan hệ của Mỹ với Nga, một nước đồng minh kiên định của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Quyết định này cũng sẽ là một bước đáng chú ý ảnh hưởng tới cuộc nội chiến tàn bạo và bế tắc đã làm 93.000 người thiệt mạng và hàng triệu người ly tán.

Người ta sợ rằng kho vũ khí hóa học của ông Assad, được cho là lớn nhất thế giới, có thể rơi vào tay các nhóm Hồi giáo cực đoan hoặc bị ông mang ra sử dụng nếu bị dồn vào chân tường.

Tổng thống Barack Obama từng cảnh báo chính quyền Syria về giới hạn đỏ. Ảnh: AP

Quyết định của Obama đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của Mỹ, vốn lâu nay vẫn tìm cách tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột về mặt quân sự. Mối lo ngại chủ yếu của Mỹ là việc các vũ khí Mỹ viện trợ có thể rơi vào tay các chiến binh có liên hệ với al-Qeada đang ở cùng phe với lực lượng nổi dậy.

Tuy nhiên, niềm tin của Mỹ được làm rõ khi Nhà Trắng ngày 13/6 nói rằng họ có những bằng chứng riêng cho thấy ông Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại lực lượng nổi dậy. Trong quá khứ ông Obama cũng đã nói rằng sử dụng vũ khí hóa học sẽ vi phạm giới hạn đỏ, dẫn đến sự can thiệp mạnh hơn của Mỹ.

Quyết định can thiệp của Washington đưa ra vào thời điểm quân nổi dậy gặp một số thất bại về quân sự và sự dính líu ngày một gia tăng của lực lượng Hezbollah có căn cứ tại Lebanon cùng chiến đấu với quân chính phủ. Hezbollah đã đóng vai trò chủ chốt trong việc chiếm lại được thị trấn chiến lược Qusair từ tay quân nổi dậy hồi đầu tháng này.

Quân nổi dậy sẽ nhận được gì từ Mỹ?

Hiện vẫn chưa rõ tổng thể gói viện trợ do Nhà Trắng đưa ra. Tuy nhiên chính phủ Mỹ có thể cung cấp cho quân nổi dậy một loạt các loại vũ khí, bao gồm các loại vũ khí hạng nhẹ, súng trường tấn công, súng phóng lựu đạn vác vai và những loại tên lửa chống tăng khác.

Các chỉ huy lực lượng nổi dậy nói rằng họ cần các loại tên lửa chống tăng và phòng không để chống lại hỏa lực vượt trội của quân chính phủ được bắn ra từ máy bay và xe bọc thép.

Tuy nhiên Tổng thống Obama phản đối việc đưa quân Mỹ vào chiến trường Syria và lo ngại rằng các loại vũ khí có sức công phá lớn có thể bị rơi vào tay các nhóm khủng bố. Do đó Mỹ ít có khả năng viện trợ các loại vũ khí hiện đại và cần nhiều thời gian huấn luyện cho lực lượng nổi dậy.
Lực lượng nào đang chiến đấu?

Về phương diện khu vực, cuộc xung đột ở Syria là cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa một bên là người Shiite Iran và một bên là phần lớn người Sunni nắm quyền lực ở Saudi Arabia, được các nước Arab nhỏ ở Vùng Vịnh ủng hộ, trong đó có Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, nước không phải là thành viên các quốc gia Arab.

Cùng với lực lượng Hezbollah, Assad thuộc phe cánh với Iran. Ở trong nước, ông nhận được sự ủng hộ chủ yếu từ các bộ tộc thiểu số của Syria, bao gồm những người Alawite, những người theo một nhánh đạo Hồi dòng Shiite, cũng như những người theo đạo Thiên chúa và Shiite. Các nước bên ngoài ủng hộ ông Assad gồm có Nga và Trung Quốc.

Hầu hết quân nổi dậy là người Sunni. Phương Tây và Mỹ cho đến nay đứng về phía này, ủng hộ phe đối lập về chính trị và cung cấp viện trợ nhân đạo và khí tài phi sát thương.

Bên nào đang giành lợi thế?

Người nổi dậy chống chính quyền cầm biểu ngữ ăn mừng chiến thắng trong cuộc tuần hành ở thị trấn Hass, tỉnh Idlib, phía bắc Syria hôm 14/6. Ảnh: AP

Do tình trạng đào ngũ, lực lượng của chính quyền đang bị căng mỏng. Đó chính là lý do chính tại sao quân chính phủ mất kiểm soát một loạt khu vực rộng lớn ở phía bắc và đông của đất nước trong thời gian đầu của cuộc chiến.

Tuy nhiên chính phủ vẫn bám chắc ở thủ đô, Damascus, và một số thành phố khác, đặc biệt là những thành phố đông dân cư ở phía tây của đất nước.

Tiếp tục phát huy thắng lợi ở Qusair, chính quyền được lực lượng Hezbollah hậu thuẫn đã giành được một số thắng lợi trên chiến trường trong mấy tuần gần đây.

Lực lượng ủng hộ Assad giờ đây đang tìm cách đánh bật quân nổi dậy ra khỏi các thành phố như Homs và Aleppo, những thành phố lớn nhất ở Syria. Quân nổi dậy hy vọng vũ khí của Mỹ sẽ đem lại cho họ một động lực mới.

Khi nào cuộc chiến kết thúc?

Cả hai bên đều không có được một cú đòn quyết định kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống lại chế độ của ông Assad, tháng 3 năm 2011. Chiến sự có thể còn kéo dài trong nhiều tháng hay nhiều năm.

Được Nga và Iran ủng hộ, Assad giờ đây vẫn tỏ ra cương quyết nắm quyền lực, thậm chí dù ông ta không có khả năng chiếm lại toàn bộ Syria.

Một số người dự đoán Syria sẽ bị chia thành các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ và các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy và chiến sự sẽ âm ỉ hàng năm trời.

Sự sụp đổ của chế độ hiện thời là khả năng đang ngày càng xa vời trong bối cảnh hiện nay và cũng không bảo đảm tình trạng chiến sự sẽ kết thúc.

Những người ủng hộ chế độ Assad sẽ không từ bỏ vũ khí và quân nổi dậy hiện bị chia rẽ giữa những phần tử ôn hòa được phương Tây ủng hộ; những thành phần cực đoan Salafis và những kẻ trung thành với al-Qaida. Họ có thể tiếp tục chiến đấu giành quyền kiểm soát sau khi chế độ hiện hành bị sụp đổ.

Tuy nhiên, thất bại của chính quyền Assad có thể hạn chế được ảnh hưởng của Iran trong thế giới Arab, làm suy yếu lực lương Hezbollah ở Lebanon và củng cố thêm cho người thiểu số Sunni do người Shiite năm quyền ở Lebanon và Iraq.

Trong một kịch bản về tập hợp liên minh khu vực, nhóm chiến binh Hamas của Palestine năm ngoái đã rời bỏ phe Iran vì Assad đã đàn áp quân nổi dậy, những người Sunni cùng dòng của mình.

Hành động này có gây căng thẳng Đông-Tây?

Nga hiện là nước cung cấp vũ khí chủ yếu cho chế độ ở Syria. Nga liên tiếp tuyên bố rằng họ sẽ tôn trọng những hợp đồng trao các tên lửa tiên tiến cho Syria, kể cả các hệ thống têm lửa phòng không, bất chấp lời kêu gọi của phương Tây ngừng các cuộc chuyển giao như vậy.

Các quan chức Nga tuần trước đã làm giảm mối đe dọa về một cuộc chạy đua vũ trang. Được hỏi liệu Nga có trả đũa đối với quyết định viện trợ vũ khí của Mỹ cho quân nổi dậy, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Puttin, Yuri Ushakov, nói rằng hai bên không ganh đua nhau ở Syria.

Trong khi đó, quân nổi dậy có thể nhận được vũ khí từ các nguồn khác của phương Tây. Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đã hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria, cho phép các nước thành viên có thể tự quyết định trang bị vũ khí cho quân nổi dậy.

Anh và Pháp đã hối thúc thông qua biện pháp này, mặc dù chính hai nước này lúc đó nói rằng những vụ chuyển giao như vậy không phải sẽ diễn ra ngay.

Vũ khí hóa học

Số lượng vũ khí hóa học của chính phủ Syria là một ẩn số lớn của cuộc xung đột.

Chính quyền Obama nói rằng chính phủ Syria đã tiến hành nhiều cuộc tấn công quy mô nhỏ với vũ khí hóa học, giết chết đến 150 người. Các kết quả được công bố tuần trước được chứng tỏ bằng các mẫu vật Pháp gửi đến Mỹ, giúp họ xác định rằng chính phủ Assad sử dụng vũ khí hóa học.

Các chuyên gia nói rằng Assad có lẽ đã thử khủng bố quân nổi dậy và dân thường, trong khi không gây ra một lượng thương vong lớn đến mức có thể tạo ra một cớ cho sự dính líu rộng lớn hơn của phương Tây.

Cho đến nay người ta tin rằng chế độ Assad vẫn kiểm soát được kho vũ khí hóa học của mình. Israel đã nói rằng họ sẽ tấn công để ngăn vũ khí hóa học đến tay Hezbollah, lực lượng không đội trời chung với Israel.

Tình hình khu vực hiện nay ra sao?

Chiến sự liên tiếp lan sang các nước láng giềng Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordani và cao nguyên Golan hiện nằm trong sự kiểm soát của Israel, dấy lên sự lo ngại về cuộc xung đột lan ra cả khu vực.

Lebanon, nước vẫn còn lo ngại bởi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm của mình kết thúc vào năm 1990, đang ngày càng bị kéo vào cuộc chiến. Sự dính líu của lực lượng Hezbollah ở Syria đã gây ra vụ nã pháo bắn trả của quân nổi dậy ở Syria vào các căn cứ của lực lượng Hezbollah trên đất Lebanon.

Máy bay chiến đấu của Israel đã ba lần tấn công các vụ vận chuyển vũ khí cho lực lượng Hezbollah bên trong Syria, và quan chức Israel đe rằng họ sẽ tiến hành nhiều vụ tấn công mới với các vụ chuyển giao vũ khí trong tương lai.

Cho đến nay chính quyền Assad đã không trả đũa, nhưng họ nói rằng họ sẽ có đòn quyết định chiến lược nếu Israel tấn công lần nữa.

Cuộc xung đột đã thúc đẩy tăng đột biến cuộc chiến phe phái tại Iraq khi chính phủ người Shiite nắm quyền phải đấu tranh để ngăn chăn việc nổ ra các cuộc bạo lực giữa lúc có một làn sóng bất ổn từ người Sunni. Nhiều người Syria đã thiệt mạng ở Iraq và các tay súng đã được tôi luyện người Iraq đang hoạt động dọc ngang biên giới chung.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên tiếp đánh trả quân đội Syria vì các vụ quân Syria bắn pháo và cối vào trong lãnh thổ của họ. NATO đã chuyển các cỗ pháo phòng không đến khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trong tháng 5 vừa qua hai chiếc xe được cài bom bị nghi là của Syria đã giết chết trên 50 người tại một thị trấn biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao Mỹ muốn nhúng tay vào Syria
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO