Vai trò Trung Quốc trong "đàn nhạn" Châu Á

LAM HỒNG| 27/11/2014 09:09

Châu Á đã xây dựng một mô hình thương mại mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau, trong khi Trung Quốc (TQ) đặt tham vọng trở thành "con nhạn" đầu đàn.

Vai trò Trung Quốc trong

Châu Á đã xây dựng một mô hình thương mại mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau, trong khi Trung Quốc (TQ) đặt tham vọng trở thành "con nhạn" đầu đàn.

Đọc E-paper

Năm 1999, Andy Chan, một thương gia Hồng Kông, thành lập một công ty ở Thâm Quyến, sản xuất xà bông cho thị trường Mỹ. Xà bông của Chan bán với giá 4 USD trong khi Walmart đang bán 10 USD, nên trong vài năm đầu tiên, công ty của Chan tăng trưởng mạnh.

Trong khi đó, công nhân tại nhà máy của Chan nhận mức lương rẻ mạt, khoảng 290 nhân dân tệ mỗi tháng, nên Chan thu lời càng cao. Nhưng sau đó tỷ giá hối đoái của TQ tăng vọt, tiền lương công nhân tăng gần mười lần, các nhà chức trách siết các quy định lao động và cạnh tranh khốc liệt hơn.

Công ty của Chan phá sản và bây giờ ông là một tài xế taxi. "Bạn không thể kinh doanh ngành này tại Thâm Quyến nữa trừ khi bạn vi phạm pháp luật. Bạn phải đi đến Đông Nam Á", ông nói một cách cay đắng.

Thương mại trong khu vực Đông Á đang là một "cơ hội tàn nhẫn" khác. Từ khi các công ty Nhật Bản thiết lập mô hình "đàn nhạn bay" trong những năm 1980, các nhà máy lớn trên thế giới đã dịch chuyển tới Trung Quốc và Đông Nam Á, tạo nên "phép lạ” của tăng trưởng kinh tế châu lục.

Hiện nay, khi chi phí của công xưởng TQ đang tăng lên thì các nước như Việt Nam, Indonesia và Campuchia trở thành những con nhạn mới.

Nhưng hình ảnh của "đàn nhạn bay" không còn phù hợp như trước, bởi vì chuỗi sản xuất toàn cầu đang hoạt động như "mạng nhện". Nhà cung cấp có thể ở bất cứ nơi nào. Một chiếc quần có thể có nút từ TQ, kéo khóa từ Nhật Bản, sợi đã được tách ở Bangladesh và dệt thành vải và nhuộm ở TQ, và thành phẩm ở Pakistan.

Trong đó, Đông Á trở thành một trong những khu vực kết nối với nhau nhiều nhất trên thế giới. Thị phần thương mại của các nước đang phát triển Đông Á tăng từ 14% năm 1992 - 1993 lên trên 30% trong năm 2007 - 2008, với TQ là động lực chính. Tuy nhiên, TQ vẫn chỉ là một phần của mạng lưới này chứ không phải là trung tâm.

Thương mại toàn cầu đã chậm lại trong hai năm qua, và trong năm 2012, thương mại của Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới lần đầu tiên không đóng góp cho sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, bất chấp những hậu quả kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hiệu quả mô hình thương mại mạng nhện vẫn mạnh. Dự kiến các nước mới nổi trong khu vực tăng trưởng 7% trong năm nay, nhanh hơn so với bất cứ nơi nào khác trong thế giới đang phát triển.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại của TQ vẫn còn là một mối quan tâm, nhưng mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam, đang cố gắng để làm cho khu vực này tự chủ hơn.

Năm tới, ASEAN có kế hoạch thiết lập một "cộng đồng kinh tế” để làm cho thương mại mạng liền mạch hơn. Nhưng sự bành trướng phi lý của TQ trên Biển Đông đã đặt quốc gia này ở thế bất hòa với các đối tác thương mại quan trọng như Việt Nam và Nhật Bản.

Chuyên gia James Reilly của Đại học Sydney cho rằng, động thái của TQ là một sự hồi sinh của một "thực hành cũ” được gọi là "đồng tiền sức mạnh" - sử dụng sự giàu có gây ảnh hưởng chính sách đối ngoại chiến lược và ngược lại.

Thực hành này bao gồm cả cà rốt và cây gậy. Tại châu Á, củ cà rốt đã bao gồm các dự án hạ tầng khổng lồ do TQ khởi xướng và tài trợ trong khu vực. Cây gậy là các hành động gây hấn và đe dọa trên các vùng biển của Việt Nam, Philippines, Nhật Bản.

Sự bành trướng của TQ đang phản tác dụng, kéo theo sự sụt giảm đầu tư của Nhật Bản tại TQ và đẩy nhiều nước trong khu vực xích lại gần Mỹ hơn. Đầu tư Nhật Bản tại Trung Quốc giảm xuống 9,1 tỷ USD vào năm 2013, từ mức 13,5 tỷ USD năm trước đó. Đồng thời đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN tăng hơn gấp đôi, đến 23,6 tỷ USD. Myanmar, từng là một đối tác kinh tế và chính trị của Bắc Kinh, được mở cửa với phương Tây.

Bonnie Glaser, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (Mỹ), nhận định: "Chiến lược của TQ là đan xen một mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Nó đang sử dụng sức mạnh trung tâm của mình để thuyết phục các quốc gia khác rằng những tranh chấp về lãnh thổ không đáng giá gì so với lợi ích mà TQ sẽ mang lại".

Một số nhà kinh tế nói rằng hành vi của TQ ở Biển Đông cũng có thể là một cách để kiểm tra sức mạnh kinh tế của Mỹ trong khu vực. Qua đó, Bắc Kinh có thể muốn thiết lập lại hệ thống phân cấp cũ trong đó TQ đứng ở vị trí kiểm soát trung tâm. Tham vọng này thể hiện trong chuyến thăm đầu tiên của Tập Cận Bình sang các nước ASEAN năm ngoái và đến Ấn Độ vào tháng 9 năm nay.

Trong hai chuyến đi này, ông Tập đã nói về khả năng tạo ra một "con đường tơ lụa trên biển", xây dựng cơ sở hạ tầng cảng và vận chuyển với quốc gia như Campuchia và Sri Lanka. Ông cũng công bố thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á với ít nhất 50 tỷ USD vốn khởi động.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của TQ ngày càng không bền vững, và hầu hết người dân vẫn còn tương đối nghèo. Điều đó có nghĩa là TQ cần tăng cuờng cải cách kinh tế hơn nữa, tạo ra giá trị nhiều hơn từ các dịch vụ hơn là từ sản xuất hàng hóa.

Một trong những công cụ tốt nhất để thúc đẩy cải cách kinh tế là tăng cường thương mại tự do và cạnh tranh nước ngoài để buộc các ngành công nghiệp dịch vụ được bảo hộ lâu nay phải hiện đại hóa. Câu hỏi lớn là liệu ông Tập có tự vượt qua rào cản do chính mình đặt ra và các nước trong mạng lưới thương mại toàn cầu có đồng hành cùng cải cách của TQ.  

>Châu Á thận trọng với nguồn vốn nước ngoài
>Cuộc chạy đua giữa các “rốn tiền” châu Á
>
Trung Quốc : Rải tiền “mua châu Á”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vai trò Trung Quốc trong "đàn nhạn" Châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO