Triển vọng FTA tại Đông Bắc Á

LINH LAN| 09/07/2010 00:55

Trung Quốc và Đài Loan đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế (ECFA) mang tính lịch sử.

Triển vọng FTA tại Đông Bắc Á

Trung Quốc và Đài Loan đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế (ECFA) mang tính lịch sử. Cả hai bên đã vượt qua các bất đồng lâu nay về chính trị và hệ tư tưởng để hướng đến sự phát triển kinh tế song phương. Giờ đây đã đến lúc cân nhắc nghiêm túc hơn về sự hình thành khu vực tự do thương mại (FTA) và tiến tới là một thị trường duy nhất tại Đông Bắc Á.

ECFA có thể và nên là bước khởi đầu hướng đến một FTA hoàn thiện tại Đông Bắc Á. Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc có thể mở rộng thương mại và kích thích kinh tế thông qua các FTA của nhau. Và mục tiêu lớn hơn là tạo ra một FTA trong khu vực năng động nhất thế giới, kế đến là một cộng đồng Đông Bắc Á theo kiểu EU. Nga, Đài Loan và thậm chí Mông Cổ có thể được mời tham gia FTA này.

Tất nhiên Trung Quốc trước hết phải tuyên bố không phản đối Đài Loan ký FTA với Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác. Đây cũng là điều Đài Loan đang hy vọng khi đặt bút ký kết ECFA với Trung Quốc tại Trùng Khánh hôm 29/6. Ba nước đóng vai trò trung tâm là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc phải xúc tiến thành lập các FTA song phương. Theo số liệu của tờ Hankyoreh, nhóm ba nước này chiếm khoảng 1/6 nền kinh tế thế giới.

Theo Báo Korea Times, Hàn Quốc sẵn sàng ký kết FTA với bất cứ bên nào, từ Trung Quốc đến Đài Loan. Trong khi đó, Nhật Bản dường như do dự trước viễn cảnh FTA với Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện các bên đang khởi động cuộc nghiên cứu chung về thành lập FTA với nhau và dự tính cuộc nghiên cứu này sẽ hoàn tất trước khi giới lãnh đạo tham dự hội nghị Đông Á vào năm 2012.

Các cuộc nghiên cứu do những tổ chức phi chính phủ thực hiện cho thấy, nếu ba nước này có thể lập được FTA, nguồn nhân lực, hàng hóa và dòng chảy tư bản sẽ tăng vượt trội. Cụ thể, GDP Trung Quốc sẽ tăng 0,4%, Nhật Bản 0,3% và Hàn Quốc là 2,8%. Dù viễn cảnh tốt đẹp như vậy, các bên vẫn tiếp tục thực hiện những cuộc điều đình marathon nối tiếp nhau. Một lý do quan trọng là ba nước đều có những ngành dễ bị tổn thương cần được bảo vệ, ví dụ như lĩnh vực nông nghiệp tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hợp tác kinh tế là con đường tốt nhất để thúc đẩy hòa bình và ổn định tại Đông Bắc Á. Dù là khu vực của nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, Đông Bắc Á vẫn vô cùng phức tạp. Trên giấy tờ, hai miền Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Trung Quốc và Nhật Bản đang ganh đua nhau về mọi mặt. Đó là chưa kể quan hệ đầy phức tạp giữa Trung Quốc và Đài Loan. Còn CHDCND Triều Tiên tiếp tục là một trong những vùng đất bí ẩn nhất thế giới. Nga vẫn còn là một nền kinh tế trong giai đoạn chuyển tiếp.

Chưa hết, CHDCND Triều Tiên và Nhật Bản chưa thiết lập quan hệ song phương. Các cuộc tranh chấp về lãnh thổ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và giữa Trung Quốc với Nhật Bản vẫn là đề tài nóng bỏng. Nếu xét về bình diện hòa hợp kinh tế, Đông Bắc Á vẫn đi sau Đông Nam Á cũng là do những quan hệ phức tạp như trên.

Các mẫu hình kinh tế trong khu vực là những phần bổ sung của nhau. Hàn Quốc và Nhật Bản giàu về tư bản và kiến thức. Trung Quốc sở hữu nguồn nhân lực khổng lồ có tay nghề. Nền kinh tế Đài Loan có tính cạnh tranh rất cao dù bị cô lập về ngoại giao. CHDCND Triều Tiên thì rất giàu tài nguyên thiên nhiên.

Thậm chí không có FTA, các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa ba mũi nhọn Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đang không ngừng tăng trưởng. Tiềm năng tất nhiên không thể bàn cãi. Một khi Đông Bắc Á và Đông Nam Á liên kết với nhau thông qua các FTA, vị thế của châu Á sẽ được khẳng định một cách nhanh chóng. Lúc đó, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đóng vai trò là nhóm chủ chốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển vọng FTA tại Đông Bắc Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO