Top 10 "đại gia" dầu lửa thế giới

10/07/2009 07:09

Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới mang tên Global 500 của tạp chí Fortune được thực hiện dựa trên yếu tố chính là doanh thu của các doanh nghiệp.

Top 10

Các hãng dầu khí chiếm 7/10 vị trí trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới năm 2009, do tạp chí Fortune của Mỹ xếp hạng. Đứng đầu danh sách là tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell của Hà Lan, trong khi Toyota là hãng ôtô duy nhất có tên trong top 10 này.

Tập đoàn Royal Dutch Shell có doanh thu năm 2008 là hơn 458 tỷ USD

Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới mang tên Global 500 của tạp chí Fortune được thực hiện dựa trên yếu tố chính là doanh thu của các doanh nghiệp.

Đứng ở vị trí số 1, tập đoàn Royal Dutch Shell có doanh thu năm 2008 là hơn 458 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2007, chủ yếu nhờ giá dầu thô thế giới tăng mạnh trong nửa đầu năm. Trong khi đó, do sự giảm mạnh của giá dầu ở nửa cuối năm 2008, lợi nhuận của Shell đã giảm mất 16,1% so với năm 2007, còn trên 26 tỷ USD. Tập đoàn này nắm giữ khối lượng tài sản trị giá hơn 282 tỷ USD và có tổng cộng 102.000 nhân viên.

Trong xếp hạng năm ngoái, Shell đứng ở vị trí thứ 3. Việc lên hạng của Shell năm nay xuất phát từ việc hãng này đạt mức doanh thu cao hơn của đối thủ theo sát nút là tập đoàn Exxon Mobil tới 15 tỷ USD. Là hãng dầu lửa lớn nhất của châu Âu, Shell còn nuôi những tham vọng tiến xa hơn. Hãng này đã dám đầu tư 18 tỷ USD vào một nhà máy có tên Pearl GTL ở Qatar để biến khí tự nhiên thành nhiên liệu diesel sạch.

Đứng ở vị trí thứ 2 trong xếp hạng của Fortune cũng là một “đại gia” dầu lửa - hãng Exxon Mobil của Mỹ. Trong danh sách năm ngoái, Exxon Mobil cũng đứng ở vị trí này. Năm 2008, Exxon Mobil đạt doanh thu 443 tỷ USD, tăng gần 19%, và lợi nhuận 45 tỷ USD, tăng 11,4%. Tập đoàn có 228 tỷ USD tài sản và gần 105.000 nhân viên.

Từ vị trí số 1 trong xếp hạng năm ngoái, hãng bán lẻ khổng lồ Wal-Mart của Mỹ năm nay đã rơi xuống vị trí thứ 3. Doanh thu của Wal-Mart tại thị trường Mỹ năm 2008 tăng trưởng yếu, với mức tăng chỉ 6%, nhưng trên thị trường quốc tế, hãng này đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số do trong bối cảnh suy thoái, người tiêu dùng ồ ạt tìm tới các cửa hiệu Wal-Mart để tìm kiếm những mặt hàng giá rẻ.

Năm 2008, cổ phiếu của Wal-Mart là cổ phiếu “nóng” nhất trong chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ. Hãng đã đạt doanh thu gần 406 tỷ USD và lợi nhuận 13,4 tỷ USD. Wal-Mart sở hữu lượng tài sản trị giá hơn 163 tỷ USD và có 2,1 triệu nhân viên trên toàn cầu.

Một số hãng bán lẻ tổng hợp khác có tên trong xếp hạng của Fortune năm nay như Target và Sears Holdings đều xếp ở những thứ hạng khiêm tốn hơn rất nhiều so với Wal-Mart. Thứ hạng tương ứng của Target và Sears là 100 và 160.

Chiếm vị trí thứ 4 trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới là hãng BP của Anh. Vị trí của BP năm nay không thay đổi so với năm ngoái.

Tương tự như các hãng dầu lửa khác, lợi nhuận và doanh thu của BP trong nửa đầu năm 2008 cực tốt do giá dầu leo thang tới mức kỷ lục gần 150 USD thùng, nhưng sau đó, hãng đã chịu thua lỗ khi giá dầu tụt sâu ở thời điểm cuối năm ngoái.

Tính chung cả năm 2008, BP đạt doanh thu hơn 367 tỷ USD và lợi nhuận trên 21 tỷ USD. Hãng có tài sản trên 228 tỷ USD và 92.000 nhân viên.

Hãng dầu lửa thứ 4 có tên trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới là hãng Chevron của Mỹ. Hãng này từ lâu luôn là tập đoàn dầu lửa lớn thứ hai của Mỹ sau Exxon.

Năm ngoái, trong xếp hạng của Fortune, Chevron đứng ở vị trí số 6. Việc hãng nhảy lên vị trí thứ 5 trong xếp hạng năm nay một phần nhờ mảng lọc hóa phát triển đã giúp hãng tránh được phần nào những bù đắp được những khoản thua lỗ khổng lồ trong hoạt động khai thác dầu thô thời kỳ 6 tháng cuối năm.

Doanh thu năm 2008 của Chevron là trên 263 tỷ USD, lợi nhuận đạt gần 24 tỷ USD. Tổng tài sản của hãng trị giá hơn 161 tỷ USD, tổng số nhân viên là gần 67.000 người.

Trong top 10 của Global 500 năm nay còn có 3 doanh nghiệp dầu lửa nổi tiếng khác là Total của Pháp (vị trí số 6), ConocoPhillips của Mỹ (vị trí số 7) và Sinopec của Trung Quốc (vị trí số 9).

Một ngân hàng duy nhất lọt vào top 10 là tập đoàn ngân hàng ING của Hà Lan. Ngân hàng này đứng ở vị trí số 8 với doanh thu gần 227 tỷ USD, và mức thua lỗ hơn 1 tỷ USD trong năm 2008.

Do tác động của khủng hoảng tài chính, những ngân hàng hàng đầu của Mỹ như Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase đều giữ những vị trí khá khiêm tốn lần lượt là 37, 39 và 49 trong danh sách.

Trong khi đó, các ngân hàng châu Âu đã vượt lên chiếm ưu thế. Toàn bộ các nhà băng trong top 5 ngân hàng lớn nhất trong danh sách này đều là của châu Âu, đó là ING của Hà Lan, Dexia của Bỉ, HSBC của Anh, BNP Paribas của Paris, và Banco Santander của Tây Ban Nha.

Hãng Toyota của Nhật là tập đoàn công nghiệp ôtô duy nhất lọt vào top 10 của Global 500 năm nay. Tuy nhiên, so với năm ngoái, Toyota đã rớt 5 hạng do doanh thu năm 2008 giảm 11% so với năm 2007, còn 204 tỷ USD, và mức lỗ 4,3 tỷ USD. Năm ngoái là năm mà Toyota lần đầu tiên thua lỗ kể từ năm 1938 tới nay.

Đối thủ đồng hương của Toyota là Honda đứng ở vị trí số 51 trong Global 500. Trong số 3 “đại gia” xe hơi Mỹ, General Motors (GM) đứng ở vị trí thứ 18, Ford đứng ở vị trí thứ 19, còn Chrysler không có tên trong danh sách. Trong xếp hạng năm ngoái, GM đứng ở vị trí số 9.

Đáng chú ý, hãng xe Volkswagen của Đức đã trở thành hãng ôtô lớn thứ hai thế giới xét về mặt doanh thu, chỉ sau Toyota. Vị trí của Volkswagen trong Global 500 năm nay là số 14.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Top 10 "đại gia" dầu lửa thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO