Thận trọng trước các dấu hiệu tích cực của kinh tế thế giới

Nguồn VOVNews| 07/08/2009 01:47

Những ngày gần đây, thế giới nhận được hàng loạt các tín hiệu tích cực về khả năng phục hồi kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng trước các diễn biến mới này.

Thận trọng trước các dấu hiệu tích cực của kinh tế thế giới

Liên tục những ngày qua xuất hiện các tin "tốt lành" đối với nền kinh tế các nước. Đáng chú ý nhất là nền kinh tế Mỹ, khởi nguồn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng được giới chức Mỹ cho là đã vượt qua giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất. Từ doanh số đến thị trường nhà đất, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng, chi tiêu cá nhân... ở Mỹ đều có những dấu hiệu tích cực.

Những ngày gần đây, thế giới nhận được hàng loạt các tín hiệu tích cực về khả năng phục hồi kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngay cả trong thị trường bất động sản bị lay động mạnh mẽ ở Mỹ, cũng có những suy nghĩ lạc quan như nhà kinh doanh bất động sản ở El Centro, California Ed Snively: "Tôi nghĩ chúng ta đang thấy những dấu hiệu rất tích cực. Quan trọng nhất, chúng ta đã thấy người mua quay trở lại thị trường nhà đất. Họ đang tận dụng những lợi thế hiếm có mà chỉ xuất hiện trong bối cảnh khó khăn, như lãi suất thấp, có nhiều sự lựa chọn, giá nhà thấp, thuế thấp..."

"Tại Trung Quốc, thị trường bất động sản có sự hồi sinh ngoạn mục với tốc độ tăng còn hứa hẹn nhanh hơn cả giai đoạn bùng nổ trước đây. Khả năng tăng trưởng hơn 6% của nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh khó khăn hiện nay, với mức tăng sản lượng ấn tượng 16% tính từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, đã tạo sự phấn khích cho cả khu vực và toàn thế giới. Nền kinh tế Nhật Bản cũng vừa được nhận định là có thể đã qua giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất. Tại Châu Âu, tiếp bước các ngân hàng Mỹ, các nhà băng hàng đầu ở Anh như HSBC và Barclays vừa công bố những mức lợi nhuận gây ấn tượng bất ngờ.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá dầu tăng vọt vượt ngưỡng 70 USD/thùng tại New York và London. Sự trỗi dậy của giá dầu được xem là phản ứng tích cực trước những thay đổi thuận lợi của nền kinh tế thế giới.

Dĩ nhiên, những tín hiệu tích cực trên thị trường thế giới đang đem lại niềm lạc quan và hy vọng cho dư luận. Trước hết đây là kết quả tất yếu của các nỗ lực cứu vãn nền kinh tế mà chính phủ các nước đồng loạt đưa ra. Nhưng đáng chú ý, theo nhà phân tích Lakshman Achuthan, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu vòng tuần hoàn kinh tế chuyên dự đoán về các quá trình suy thoái và phục hồi, điều này cho thấy khả năng thích nghi tốt của giới doanh nghiệp: "Qua những gì được nghe và cả được chứng kiến, tôi thấy rằng doanh nghiệp thích nghi rất tốt trước thực trạng một nền kinh tế phát triển chậm chạp hơn. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng ứng phó bằng các sản phẩm rất hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu, bối cảnh mới. Rõ ràng họ đang cố gắng tận dụng những cơ hội đang lộ ra từ khủng hoảng."

Tuy nhiên, cần rất thận trọng trước các diễn biến mới của nền kinh tế thế giới. Bởi đa số những tín hiệu chúng ta nhận được vào lúc này vẫn chỉ mang tính ngắn hạn, tạm thời hoặc là kết quả của một sự "tận dụng thời cuộc" hơn là một chiến lược tính toán hợp lý. Cliff Hagedon, giám đốc công ty vận tải hàng hoá Fort Gratiot Express ở Mỹ nói: "Tôi không tin là chúng ta đã ra khỏi suy thoái, nhưng rõ ràng chúng ta đã tạo ra nhiều điều tích cực. Số lượng hàng hoá chúng tôi vận chuyển có giảm mạnh so với trước, nhưng không phải là quá tệ và đang có sự cải thiện dần dần."

Với hàng loạt các nỗ lực của các chính phủ, lẽ đương nhiên, người ta chờ đón một sự phục hồi. Song bài học từ các cuộc khủng hoảng kinh tế trước cho thấy phục hồi kinh tế chỉ bằng cách rót tiền vào kích cầu là một giải pháp không bền vững và dài hạn. Đây là con dao hai lưỡi, sẽ tạo sự phục hồi ngắn hạn trong khi làm phình to thâm thủng ngân sách quốc gia. Một sự phục hồi vững chắc đòi hỏi phải có sự cân bằng và lành mạnh trong nhu cầu tư nhân, thay vì chủ yếu dựa vào sự nâng đỡ của các chính phủ.

Mặt khác, nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng tài chính tại Mỹ được cho là do mức chi tiêu quá tay của người tiêu dùng Mỹ vượt khả năng thực tế của họ, tạo ra quả bong bóng tài chính lớn dần và bùng nổ. Từ đó, cũng cần điều chỉnh lại sự mất cân bằng trong toàn bộ nền kinh tế thế giới, theo đó, bớt tập trung vào nền kinh tế bong bóng ở Mỹ mà chú ý đến các nền kinh tế mới nổi, nơi có thị trường tiêu dùng nội địa đầy tiềm năng như Trung Quốc...

Điều đáng mừng là nhiều chính phủ đã nhận thức được tính mong manh của phục hồi kinh tế bằng các gói kích cầu. Do đó, họ tập trung vào đầu tư dài hạn như xây dựng cải thiện cơ sở hạ tầng, chăm lo các mục đích xã hội, chấp nhận thâm hụt ngân sách để đạt được các kết quả lâu dài và bền vững. Trong đó, đáng chú ý, Nga lần đầu tiên trong lịch sử dành tới 40% đầu tư cho các mục đích xã hội. Trong khi đó, chính phủ Mỹ kêu gọi đầu tư một nền kinh tế sáng tạo để chuẩn bị cho tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thận trọng trước các dấu hiệu tích cực của kinh tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO