Thảm họa đêm hội qua lời kể của người sống sót

23/11/2010 04:20

Tưởng được vui chơi, người dân Campuchia lại trải qua một đêm kinh hoàng trên cây cầu nhỏ nối với đảo Kim Cương ở thủ đô Phnom Penh trong cảnh chen lấn, xô đẩy làm ít nhất 350 người chết.

Thảm họa đêm hội qua lời kể của người sống sót

Tưởng được vui chơi, người dân Campuchia lại trải qua một đêm kinh hoàng trên cây cầu nhỏ nối với đảo Kim Cương ở thủ đô Phnom Penh trong cảnh chen lấn, xô đẩy làm ít nhất 350 người chết.

Cảnh chen lấn kinh hoàng ở Campuchia tối 22/11 - Ảnh: AP

Cây cầu này dẫn đến đảo Kim Cương nhỏ. Ở đó có các trung tâm triển lãm, nhà hàng và khu giải trí mới xây. Phụ nữ Campuchia cũng rất thích nơi đây vì có nhiều mặt hàng giảm giá, nhất là quần áo, trong khi lễ hội Bon Om Touk diễn ra. Truyền hình Camphuchia cho hay trong số các nạn nhân, có 240 người là phụ nữ.

“Tôi sốc thực sự. Tôi nghĩ sẽ chết mất. Những người khỏe thì chạy thoát, còn vô số phụ nữ và trẻ em thì nằm lại đây”, cô Chea Srey Lak, 27 tuổi, bày tỏ. Cô bị chèn ngã trên cầu, cố gắng chạy và may mắn thoát chết. “Có một cụ già tầm 60 tuổi ngã ngay bên tôi đã bị dẫm đạp tới chết vì hàng trăm bước chân của người khỏe mạnh”.

“Người ta kêu cứu khắp nơi nhưng chẳng ai giúp được. Ai cũng chỉ lo chạy và chạy”, Chea kể lại với AP ở bệnh viện Calmette, nơi cô đang điều trị cho cái chân gãy và nhiều vết thương ở tay.

Sean Ngu, một người Úc về thăm gia đình và bạn bè ở Campuchia, nói với BBC: “Khi đó, có quá nhiều người trên cầu. Người ngoài thì đẩy để chen vào, người trong thì đẩy để đi ra, khiến người ở giữa bị chèn ép”.

Cô So Cheata, một người bán nước ngọt dạo, kể với Guardian rằng vụ lộn xộn xảy ra khi có khoảng chục người cảm thấy bất ổn vì sức ép của đám đông. Họ bắt đầu la lên khó chịu và cảnh chen lấn, xô đẩy bùng phát, làm nhiều người ngã xuống mặt cầu. Những người khác vì hoảng sợ đã dẫm đạp lên người bị ngã để cố gắng chạy thoát.

“Tôi đột nhiên nghe thấy tiếng hét kinh hoàng trên cầu, làm dựng cả tóc gáy”, nhân chứng Kruon Hay 23 tuổi nói với hãng tin AFP. “Người ta đẩy nhau ở hai đầu cầu và thế là những người ở giữa bị bẹp dí. Họ la hét, chạy và đổ chồng lên nhau. Tôi cũng bị ngã dúi xuống”.

Anh Hay cho biết chỉ có thể sống sót nhờ một người kéo dậy. Số khác không chịu được cảnh ngạt thở đã nhảy xuống dòng sông phía dưới.

Một số đánh đu lấy các cột đèn điện đủ màu sắc mắc trên chiếc cầu dây võng lộng lẫy để thoát khỏi cảnh hỗn loạn, số khác nhảy xuống sông nhưng không bơi được cũng đánh đu vào các cột đèn này, khiến đèn chập điện nhấp nháy khắp mọi nơi. Vì thế, vài người đã bị điện giật và làm cảnh tượng càng thêm rối loạn.

Kim Houng, 29 tuổi, đang điều trị tại bệnh viện Calmette ở Phnom Penh sau khi thoát khỏi thảm kịch, cho hay anh sống sót được nhờ anh trai mình: “Lúc đó, tôi không thể nhấc nổi thân mình, chân không cử động được và rất khó thở. Rất nhiều người cũng ngã xuống và kêu gào cứu giúp. Tôi cũng la lên: Ai cứu tôi với. Tôi không thể cứu được anh”.

Rồi anh trai Kim gượng được dậy và kéo Kim lên. “Người ta dẫm vào đầu, vào mặt và người tôi. Nếu không có anh trai, tôi cũng nằm đó đến chết mất. Tôi thật may mắn vì nghĩ mình sắp chết rồi”, Kim kể lại.

Prak Kunhea, một người bị gãy chân, mô tả: “Người ta phát hoảng lên và chèn tôi. Tôi ngã xuống mặt cầu và họ cứ thể dẫm lên người tôi để chạy. Rất nhiều người vứt cả giày dép vương vãi trên cầu, một phần để chạy dễ hơn, một phần vì bị tụt mất trong khi chen lấn.

"Đêm hội biến thành đêm người ta đi nhặt xác người thân. Có rất nhiều phụ nữ và trẻ em đã chết”, Vann Thon, 25 tuổi, kể lại. "Ai ai cũng sợ hãi và bật khóc”.

Hiện chính quyền Campuchia chưa kết luận nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn đêm 22-11. Trong khi đó, một bác sĩ cho rằng sự chèn ép của đám đông và vài vụ điện giật là hai nguyên nhân chính. Hội chứng đám đông đã khiến sự hoảng sợ gia tăng và Sok Sambath, chủ tịch quận Daun Penh ở Phnom Penh nhận xét đây là thảm kịch tồi tệ nhất mà ông từng chứng kiến.

Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh điều tra và tuyên bố ngày 25/11 tới sẽ là ngày quốc tang cho các nạn nhân. Chính quyền sẽ đền bù cho các nạn nhân chết mỗi người 5 triệu riel, tương đương 1.250 USD.

Lễ hội té nước được tổ chức hàng năm như một lời tri ân tới dòng sông Tonle Sap và Mekong vì đã cho người dân Campuchia nguồn tôm cá dồi dào và phù sa màu mỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thảm họa đêm hội qua lời kể của người sống sót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO