Tầm nhìn của Mỹ đối với tàu cao tốc

04/06/2010 06:47

Ngoài khả năng tạo ra hàng trăm nghìn việc làm và giảm tắc nghẽn giao thông, giới chức Mỹ tin mạng lưới đường ray cao tốc xuyên quốc gia sẽ mang đến vô số lợi ích kinh tế.

Tầm nhìn của Mỹ đối với tàu cao tốc

Ngoài khả năng tạo ra hàng trăm nghìn việc làm và giảm tắc nghẽn giao thông, giới chức Mỹ tin mạng lưới đường ray cao tốc xuyên quốc gia sẽ mang đến vô số lợi ích kinh tế.

Mỹ thua xa nhiều nước phát triển trong việc phát triển tàu cao tốc. Ảnh: treehugger.com.

Mỹ thực hiện bước đầu tiên trong lộ trình xây dựng mạng lưới đường ray cao tốc xuyên quốc gia khi Tổng thống Barack Obama công bố danh sách các bang sẽ nhận khoản đầu tư 8 tỷ USD để xây dựng đường ray. 13 hành lang đường ray hiện có tại 31 bang sẽ được đầu tư. Ngoài ra ông Obama còn hứa sẽ vận động quốc hội chi thêm 5 tỷ USD từ ngân sách trong 5 năm tới (mỗi năm chi 1 tỷ USD).

Theo trang web của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ khẳng định đường ray cao tốc đã kéo nhiều khu vực tại Pháp ra khỏi tình trạng cô lập, kích thích phát triển kinh tế, biến nhiều thành phố yên tĩnh thành điểm du lịch sôi động. Tại Tây Ban Nha, một đường cao tốc nối thủ đô Madrid với thành phố Seville thành công đến nỗi số người sử dụng tàu cao tốc để di chuyển giữa hai thành phố này nhiều hơn cả số hành khách sử dụng ô tô và máy bay. Nhật Bản, quốc gia đầu tiên có hệ thống đường ray cao tốc, đang bắt tay vào việc xây dựng một đường ray nối liền Tokyo với Osaka. Những tàu chạy trên đường ray này có thể đạt vận tốc hơn 480 km/h. Đối với Mỹ, mạng lưới đường ray cao tốc sẽ kích thích người dân đi lại bằng đường bộ nhiều hơn, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế đối với dầu mỏ từ nước ngoài, giảm mức độ tắc nghẽn giao thông tại những thành phố đông đúc cùng nhiều lợi ích khác.

Dự án xây dựng hệ thống đường ray cao tốc sẽ “ngốn” hàng trăm tỷ USD, ông Obama khẳng định khoản tiền 13 tỷ USD chỉ là “bước khởi đầu”. Ông cho rằng hàng loạt nhà sản xuất – từ toa tàu cho tới đinh đóng đường ray – sẽ hưởng lợi từ những khoản đầu tư bổ sung của liên bang trong những năm tới. Quá trình xây dựng cũng sẽ tạo ra hoặc cứu vãn hàng trăm nghìn việc làm.

Wall Street Journal cho hay, dự án của ông Obama được dư luận so sánh với nỗ lực thúc đẩy xây dựng hệ thống đường cao tốc liên bang của Tổng thống Dwight Eisenhower. Thực tế cho thấy hệ thống đường cao tốc góp phần vào sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp ô tô Mỹ trong thập niên 50. Người ta nói hệ thống đường cao tốc đưa nước Mỹ vào thế kỷ 20, còn mạng lưới đường ray cao tốc sẽ giúp Mỹ tiến nhanh hơn trong thế kỷ 21. Ông Obama nhận xét rằng tạo ra mạng lưới đường ray cao tốc mới sẽ rẻ hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn so với xây dựng thêm các đường cao tốc hay đường băng dành cho máy bay.

Đồng chủ tịch John Robert Smith của Transportation for America - một liên minh gồm các nhóm ủng hộ việc giảm sử dụng ô tô - cho rằng dự án xây dựng mạng lưới đường ray cao tốc có thể được hoàn thành trong hai thập kỷ.

"Trung Quốc sẽ chi 500 tỷ USD trong 20 năm để xây dựng mạng lưới đường ray cao tốc. Nếu Mỹ theo đuổi tầm nhìn của tổng thống, chúng ta sẽ có mạng lưới đường ray cao tốc trong 20 năm nữa", tờ USA Today dẫn lời Smith.

Smith nhận định phần lớn khoản tiền 13 tỷ USD sẽ được dùng để nâng cấp những đường ray hiện có và hệ thống tín hiệu, cải thiện các đoạn giao nhau và những công việc khác để chuẩn bị cho đường ray cao tốc.

Theo AP, tuy là nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ vẫn chưa đuổi kịp nhiều nước phát triển trong việc phát triển đường ray cao tốc. Tàu cao tốc tại Tây Ban Nha có thể đạt vận tốc trung bình khoảng 240 km/h. Ở Nhật bản, tàu Shinkansen chạy với tốc độ trung bình tới 290 km/h. Tàu TGV chạy giữa thủ đô Paris và thành phố Lyon của Pháp đạt tốc độ trung bình hơn 210 km/h. Trong khi đó, Mỹ chỉ có một dịch vụ tàu hỏa duy nhất đạt tốc độ trên 176 km/h. Đó là tàu Acela Express chạy giữa hai thành phố Washington và Boston.

Giới phân tích hiểu tại sao Nhà Trắng coi trọng đường ray dành cho tàu cao tốc. Những người chỉ trích kế hoạch kích thích kinh tế của tổng thống từng nói kế hoạch đó không dành nhiều tiền cho xây dựng cơ sở hạ tầng và không tạo thêm nhiều việc làm. Mặc dù nền kinh tế Mỹ bắt đầu thoát khỏi khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn dao động xung quanh mức 10%. Tình trạng đó khiến tỷ lệ ủng hộ ông Obama giảm.

Kế hoạch xây dựng hệ thống đường ray dành cho tàu cao tốc sẽ dập tắt những lời chỉ trích đối với các biện pháp kích thích kinh tế của Nhà Trắng. Theo James P. RePass – chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn National Corridors Initiative của Mỹ - mạng lưới đường ray cao tốc sẽ tạo thêm rất nhiều việc làm.

“Ngoài những công việc trong ngành xây dựng, mạng lưới đường ray cao tốc sẽ thúc đẩy thương mại và du lịch”, ông nói.

Hiểu rõ lợi ích của hệ thống đường ray cao tốc là điều quan trọng đối với những người muốn thảo luận về nó. Tờ Christian Science Monitor cho biết, trong nhiều năm qua, những người phản đối luôn cho rằng số tiền vé không bù đắp nổi chi phí phục vụ hành khách. Tuy nhiên, điều tương tự cũng xảy ra với cơ sở hạ tầng của ngành hàng không và hệ thống các đường cao tốc tại Mỹ. Cả hai đều nhận được rất nhiều tiền từ chính quyền bang và liên bang. Vấn đề mấu chốt là lợi ích (cụ thể là lợi nhuận) của đường ray cao tốc không đổ dồn vào đường ray. Trên thực tế đa số hệ thống đường ray cao tốc đều luôn ở trong tình trạng thua lỗ. Nhưng đối với những khu vực mà đường ray chạy qua, lợi ích sẽ vô cùng to lớn bởi sự hiện diện của hành khách sẽ mang đến vô số cơ hội kinh doanh, những khoản thu từ du lịch và các khoản đầu tư.

Vấn đề đáng quan tâm, theo giới phân tích, không phải là xây dựng mạng lưới đường ray cao tốc bằng cách nào, mà là lấy đâu ra tiền để tài trợ lâu dài cho nó. Người ta không thể trông chờ tiền lãi từ việc bán vé tàu. Mặc dù vậy, những lợi ích của mạng lưới đường ray cao tốc đã trở nên quá rõ ràng.

“Nếu chúng ta làm đúng, chúng ta không chỉ cứu nền kinh tế Mỹ, mà còn đưa nó vào kỷ nguyên mới”, RePass nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tầm nhìn của Mỹ đối với tàu cao tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO