![]() |
Không chỉ bắt nguồn từ thương mại
Tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là nguyên nhân khiến Tổng thống Trump phát động thương chiến; theo đó, Mỹ liên tiếp phải nhập siêu từ Trung Quốc, nên buộc phải áp đặt hàng rào thuế quan để cân đối lại cán cân thương mại. Chính ông Trump cũng thừa nhận, Mỹ đã chịu thiệt về thương mại quá lâu với Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê, nếu như năm 1990, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc chỉ hơn 10 tỷ USD, thì 10 năm sau đã tăng gấp 8 lần, lên gần 84 tỷ USD; đến năm 2010 tiếp tục tăng lên 273 tỷ USD và năm 2018 đã leo lên mức gần 420 tỷ USD. Do đó, Washington “sốt ruột” là điều dễ hiểu.
Dù vậy, cuộc chiến thời gian qua đã liên tiếp leo thang, và cho thấy có thể những xung đột hiện nay không chỉ bắt nguồn từ vấn đề thương mại. Washington từ lâu luôn chỉ trích Bắc Kinh về cấu trúc kinh tế của nước này với những cơ chế hỗ trợ dành cho doanh nghiệp nội địa nhằm giành lợi thế cạnh tranh trước các doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có chính sách hạn chế doanh nghiệp nước ngoài như buộc phải chuyển giao công nghệ nếu muốn thâm nhập thị trường gần 1,4 tỷ dân. Đánh cắp mạng, không đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ hay thao túng tiền tệ cũng là những vấn đề mà Trung Quốc bị cáo buộc đã triệt để thực thi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua.
Trong diễn biến mới nhất vào ngày 6/6/2019, Tổng thống Trump cho biết ông “đang lên kế hoạch” áp hàng rào thuế quan lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc sau khi ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức ở Nhật Bản vào ngày 28-29/6/2019 tới đây.
Tuy nhiên, thương chiến do Tổng thống Trump phát động có thể sẽ không chỉ dừng lại ở thương mại. Việc áp đặt lần lượt các hàng rào thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể thu hẹp thâm hụt thương mại, cũng như giảm bớt hiệu quả các chính sách trợ giá của Chính phủ Trung Quốc đối với doanh nghiệp trong nước, nhưng rõ ràng là không đủ để giải quyết những vấn đề cốt lõi khác.
Sẽ không dừng lại ở thương mại
Việc Mỹ cấm vận tập đoàn công nghệ ZTE rồi mới đây là Huawei và một số doanh nghiệp công nghệ khác của Trung Quốc được xem là đòn đánh nhằm ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, cũng như hạn chế tình trạng tiếp tục đánh cắp công nghệ. Sau lệnh cấm của ông Trump với lý do đảm bảo an ninh quốc gia, các công ty công nghệ lớn của Mỹ lẫn đồng minh của Mỹ đều lên tiếng ngừng hợp tác với Huawei, khiến tập đoàn này lao đao.
Cũng có những ý kiến cho rằng Washington e ngại sự phát triển công nghệ 5G của Huawei sẽ khiến Mỹ bị tụt lại phía sau, do đó tìm cách ngăn chặn bằng cách không ngừng cảnh báo và kêu gọi các nước khác không sử dụng sản phẩm của Huawei, với lý do lo ngại an ninh quốc gia trước nghi ngờ sản phẩm của Huawei lắp công cụ do thám.
Mới đây, chính quyền Trump đã áp dụng chính sách hạn chế sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc học tập và nghiên cứu tại Mỹ. Cụ thể, Mỹ theo dõi những nhà nghiên cứu có quan hệ với Bắc Kinh và hạn chế thị thực sinh viên Trung Quốc, nhằm đảm bảo rằng tài sản trí tuệ không bị chuyển sang cho các bên cạnh tranh khác cũng như lo ngại về tình trạng gián điệp.
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chỉ trích cái mà họ cho là cáo buộc vô căn cứ của Mỹ cho rằng phía Trung Quốc có “các hoạt động do thám phi truyền thống”. Ngày 3/6/2019, Bắc Kinh đã cảnh báo sinh viên và các nhà nghiên về rủi ro khi tiếp tục ở Mỹ, đồng thời hạn chế cấp visa đến Mỹ. Tiếp đó, vào ngày 4/6/2019, Trung Quốc tiếp tục đưa ra cảnh báo hạn chế các công ty lữ hành và người Hoa du lịch đến Mỹ.
Về tiền tệ, sau các đòn đánh của chính quyền Trump, đồng nhân dân tệ đã sụt giảm trước áp lực dòng vốn đầu tư nước ngoài tháo lui và về lâu dài có thể làm thiệt hại kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Thống kê cho thấy chỉ trong ba năm, từ 2014-2017, Trung Quốc đã chi khoảng 1.000 tỷ USD, tương đương 30% dự trữ ngoại hối để cứu đồng nhân dân tệ, mặc dù vậy đồng tiền này vẫn mất giá tới 15% so với USD.
Không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể rơi vào tầm ngắm của các cuộc tấn công tiền tệ của các quỹ đầu cơ chuyên bán khống, nhất là khi mới đây chính quyền Trump đã phát đi tín hiệu rằng xung đột tiền tệ là mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến thương mại chống lại các quốc gia mà Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại lớn.
Về chính trị, tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore mới đây, Mỹ đã chỉ trích hành động gây bất ổn ở Biển Đông của Trung Quốc khi xây dựng các thực thể nhân tạo, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi gây ngờ vực và cho biết Washington đang đầu tư mạnh mẽ vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để duy trì ưu thế quân sự và năng lực bảo vệ các đồng minh châu Á.
Với những diễn biến gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể trở thành cuộc chiến tranh lạnh kéo dài đến tận năm 2035, đó cũng là thời điểm mà Bắc Kinh kỳ vọng quy mô nền kinh tế vượt mặt Hoa Kỳ. Năm 2035 còn là mốc quốc gia đông dân nhất này muốn gia nhập các nước sáng tạo nhất thế giới, theo kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình.