Philippines trông đợi gì ở ngài "Digong"?

GIANG LANG| 17/05/2016 07:21

Điểm khiến Duterte - được biết với biệt danh "Digong" (Kẻ trừng phạt) được lòng cử tri Philippines nhất chính là đánh mạnh vào những vấn đề tham nhũng và an ninh quốc gia.

Philippines trông đợi gì ở ngài

Thị trưởng thành phố Davao, ông Rodrigo Duterte đã tuyên bố giành thắng lợi ở cuộc bầu cử tổng thống Philippines ngày 10/5 qua, tạo ra nhiều ý kiến trái chiều về năng lực lãnh đạo sắp tới của ông.

Đọc E-paper

Hơn cả Donald Trump

Sẽ còn khoảng một tuần nữa cho đến lúc Philippines đưa ra kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Thế nhưng ông Rodrigo Duterte gần như chắc chắn không thể thua cuộc sau kết quả sơ bộ số phiếu đã kiểm hôm 10/5. Việc đầu tiên của ông này là đến Tòa thánh Vatican, gặp Giáo hoàng Francis và xin lỗi về việc từng gọi Giáo hoàng là "con trai của một ả điếm".

Câu chuyện trên đủ để lý giải tại sao báo chí quốc tế so sánh chính trị gia người Philippines với Donald Trump, ứng viên đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Họ giống nhau ở chỗ luôn có những phát ngôn gây sốc và có vẻ không xem chính trường là chốn để người ta phải nghe thấy những lời lẽ khoa trương, sáo rỗng và nặng lý thuyết.

BBC từng đăng nhận xét của ông Duterte về Donald Trump rằng: "Ông ta (Trump) có thể là người có lòng tin mù quáng, còn tôi thì không". Ông cũng bày tỏ quan điểm trái ngược với ông Trump về việc cấm cửa người Hồi giáo.

Với Duterte, điểm khiến ông được lòng cử tri nhất chính là đánh mạnh vào những vấn đề tham nhũng và an ninh quốc gia. Không ngẫu nhiên người ta gọi ông với biệt danh "Digong" (Kẻ trừng phạt).

Là thị trưởng 22 năm ở Davao, ông Duterte đã "ghi điểm" nhờ thành tích truy quét tội phạm rất đáng nể, và cũng đã khẳng định điều đó ở chiến dịch tranh cử năm nay bằng việc đòi giết 100.000 tội phạm, thậm chí sẵn sàng giết luôn con trai mình nếu người này dính dáng tới ma túy.

Nói cách khác, những người nhìn thấy ông Rodrigo Duterte giống ông Donald Trump trước tiên là ở các phát ngôn gây sốc. Nhưng khác với ứng viên tổng thống Mỹ, ông Duterte có kinh nghiệm làm chính trị, và dĩ nhiên có những thành tích trong quá khứ về bài trừ tệ nạn.

Lo ngại từ trong ra ngoài

Với việc ông Duterte gần như chắc chắn sẽ là tân tổng thống Philippines thế chỗ ông Benigno Aquino, đa phần báo chí ở Philippines và các nước đều phân tích, phỏng đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo với một Philippines dưới quyền ngài "Digong".

Trước đó, không ít ý kiến phản đối cũng cho rằng ông Duterte chỉ là "người được chọn" làm bù nhìn cho một ban bệ to lớn phía sau lo chính sách. Họ không nghĩ ông Duterte đủ bản lĩnh chính trị để điều hành đất nước, dù ngày 12/5, nhóm chuyển giao của ông Duterte đã đưa ra một kế hoạch kinh tế 8 điểm, tập trung vào các loại thuế, cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội và phát triển nông thôn.

Rất nhiều thách thức đang chờ đợi ông Duterte, vì cơ bản Philippines vẫn tồn đọng các mối lo về kinh tế lẫn an ninh. Chính trị gia 71 tuổi trấn an người dân bằng cách thề nguyện sẽ diệt tận gốc nạn tham nhũng. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra những đối sách rất khác biệt để giải quyết hai mối lo chính thuộc về an ninh: Phe nổi dậy trong nước và cuộc chiến chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Cách làm của ông Duterte, như cá tính của mình, là đàm phán trực tiếp. AFP dẫn lời ông Duterte nói rằng ông sẵn sàng thả tù binh phiến quân để chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài từ nhiều thập kỷ qua ở Philippines. Bên cạnh đó, trong một tuyên bố gây sốc quen thuộc, ông khẳng định sẽ đi cano ra Biển Đông để cắm cờ Philippines vào những nơi Trung Quốc đang xây dựng.

Đó là cách ông hình tượng hóa "chiến thuật mới" đối với Trung Quốc, thể hiện quyết tâm giải quyết mâu thuẫn với Bắc Kinh bằng việc đàm phán trực tiếp. Đây chính là điều tạo ra mối lo cho không chỉ người Philippines mà còn cả những bên liên quan trên trường quốc tế.

Việc Philippines quyết tâm cải thiện quốc phòng dưới thời ông Benigno Aquino, liên minh với Mỹ, Nhật để đối phó Trung Quốc và kiện nước này ra tòa án quốc tế hoàn toàn ngược lại với phương án của Duterte. Nói cách khác, ông Duterte bảo rằng sau 2 năm không thể giải quyết tranh chấp bằng việc lôi kéo sự ủng hộ của quốc tế, ông sẽ đàm phán cùng Trung Quốc để phân định lợi ích.

Báo Mỹ The Washington Post trong bài viết ngày 10/5 đã nhận xét rằng, sự trỗi dậy của ông Duterte như tổng thống tương lai của Philippines sẽ mang lại nhiều xáo trộn cho chính sách ngoại giao của các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và rằng ông Duterte chính là một "ẩn số” rất khó đoán định...

>Donald Trump: Khi tỷ phú "vạ miệng"

>Donald Trump và "cuộc chiến" với Trung Quốc

>Điều ít biết về "ứng cử viên" đệ nhất phu nhân Mỹ - vợ Donald Trump

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Philippines trông đợi gì ở ngài "Digong"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO