Ông Donald Trump: Những thách thức trước ngày tuyên thệ

THÁI BẢO| 11/01/2017 08:48

Những vấn đề ngoại giao nóng bỏng nhất của Mỹ đã nổ ra chỉ vài tuần trước khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống ngày 20/1 tới.

Ông Donald Trump: Những thách thức trước ngày tuyên thệ

Những vấn đề ngoại giao nóng bỏng nhất của Mỹ đã nổ ra chỉ vài tuần trước khi ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống ngày 20/1 tới.

Đọc E-paper

Dẫu đang trong quá trình chuyển giao, ông Trump xét ở khía cạnh nào đó vẫn "điều hành" nước Mỹ. Ông chưa tham dự nhiều cuộc họp chính thức, chưa thực hiện chuyến thăm chính thức nào, cũng như phải tới ngày 11/1 mới có buổi họp báo thứ hai trong năm.

Tuy nhiên, dư luận vẫn "đo" được tầm ảnh hưởng của ông Trump qua Twitter. Cũng chính từ đó, những thách thức đầu tiên của năm mới đã đến với vị tổng thống đắc cử này.

Thách thức từ bên ngoài

Chưa đề cập đến tự do hàng hải ở Biển Đông, ông Trump xem ra đã có màn "thử lửa" với những vấn đề lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.

The New York Times ngày 4/1 dẫn ý từ một bài xã luận trên Tân Hoa xã (Trung Quốc) chỉ trích ông Trump quanh khái niệm "làm ngoại giao kiểu Twitter". Hãng thông tấn trung ương Trung Quốc cho rằng ông Trump nên hạn chế dùng Twitter để thể hiện quan điểm về các vấn đề chính trị, kinh tế, vì đó không phải cách làm chính thống. Trong đó có đoạn "ngoại giao không phải là trò chơi của trẻ em".

Bài viết này xuất hiện khi ông Trump những ngày đầu tháng 1 qua đã lên Twitter trách móc vai trò của Trung Quốc trong vấn đề kiềm chế các động thái hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng trong thời gian ấy đã tuyên bố kế hoạch bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, hành động tiếp tục gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn là nước được xem có mối quan hệ thân cận nhất với chính quyền Triều Tiên, và được cho có thể giúp đỡ tốt hơn nữa đối với những lo ngại hạt nhân. Trước đó vào tháng 12/2016, ông Trump cũng tạo dư luận từ Trung Quốc vì lên tiếng bàn về việc Trung Quốc tịch thu tàu lặn không người lái của Mỹ.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng thẳng thắn bày tỏ sự không hài lòng về việc ông Trump thách thức chính sách Một Trung Quốc khi đăng lên Twitter về cuộc điện thoại với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

>>Quan hệ Đài Loan - Đại lục: Đối tác hay đối thủ? 

Căng thẳng giữa ông Trump và Trung Quốc cũng thể hiện mạnh mẽ ở lĩnh vực kinh tế. Tổng thống đắc cử Mỹ là người thường xuyên công kích Trung Quốc thao túng tiền tệ, cướp việc làm của người Mỹ và "cưỡng bức" ngành thương mại Mỹ. Vì thế, ông dọa sẽ đánh thuế nặng các mặt hàng Trung Quốc.

Truyền thông xứ cờ hoa, tuy nhiên, lại có cái nhìn cẩn trọng hơn đối với thái độ cứng rắn của ông Trump. CNBC ngày 6/1 cho rằng, thách thức của ông Trump trong việc "khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại lần nữa" là làm thế nào để lấy lại vị thế trước Trung Quốc, trong khi không nên làm tổn hại quan hệ hai bên.

"Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc quá lớn để bị sụp đổ, ông Trump cần tìm cách thúc đẩy tích cực nó”, Christopher Hill - cựu đại sứ Mỹ tại Iraq và Hàn Quốc nói với CNBC.

"Khổ” từ bên trong

Trong lúc bên ngoài hứa hẹn nhiều vấn đề cân nhắc, ông Trump cũng sẽ phải giải quyết những mâu thuẫn bên trong, khi nhậm chức Tổng thống Mỹ. Một lần nữa, những thông tin liên tục về nghi án tin tặc Nga tham gia và làm ảnh hưởng kết quả bầu cử Mỹ lại khiến ông Trump hục hặc với giới tình báo.

Phó tổng thống đương nhiệm Mỹ Joe Biden ngày 6/1 nói rằng ông Trump cần phải "trưởng thành hơn", và chỉ trích tỷ phú 70 tuổi này xung quanh vụ lùm xùm với cộng đồng tình báo Mỹ.

"Đối với một tổng thống thì việc không có niềm tin, không sẵn sàng lắng nghe cộng đồng tình báo, từ tình báo quốc phòng cho tới Cục Tình báo Trung ương (CIA), là điều hoàn toàn thiếu suy nghĩ. Nếu bạn cứ cho rằng bạn biết nhiều hơn những gì cộng đồng tình báo biết, thì nó y như việc tôi nói tôi hiểu nhiều về vật lý hơn vị giáo sư của mình vậy. Tôi không hề đọc sách, tôi chỉ biết là tôi hiểu nhiều thôi, vậy đấy", ông Biden nói với mạng truyền hình PBS.

Năm ngoái, tình báo Mỹ đã tiến hành điều tra các cuộc tấn công mạng nhằm vào máy chủ của phe vận động tranh cử đảng Dân chủ bên bà Hillary Clinton. Nhiều ý kiến nói rằng tin tặc Nga là thủ phạm, thậm chí "can thiệp" để giúp ông Trump thắng. Tuy nhiên ông Trump bác bỏ lập luận ấy, trong bối cảnh phe chống đối ông nói rằng ông là một người Mỹ thân Nga.

Mâu thuẫn tăng cao tuần trước vì ông Trump lần nữa chỉ trích cơ quan tình báo quốc gia Mỹ. Tổng thống đắc cử còn nói việc cuộc họp của giới tình báo bị dời xuống ngày 6/1 có lẽ nhằm "có thêm thời gian để dựng một vụ việc nào đó”.

Truyền thông Mỹ cho rằng ông Trump đã căng thẳng quá mức cần thiết với cộng đồng tình báo, thậm chí CNN còn dẫn nguồn tin khẳng định đội ngũ chuyển giao của ông đang tìm cách giảm quyền lực của giám đốc cơ quan tình báo quốc gia.

>>4/5 lãnh đạo thế giới dùng Twitter 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Donald Trump: Những thách thức trước ngày tuyên thệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO