Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ

THỤY KHA| 13/11/2014 06:56

Nhật Bản bất ngờ tung kích thích lớn hơn có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ, do đồng yen yếu sẽ đe dọa sức cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu khác.

Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ

Nhật Bản bất ngờ tung kích thích lớn hơn có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tiền tệ, do đồng yen yếu sẽ đe dọa sức cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu khác.

Đọc E-paper

Ngày 31/10, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) gây choáng váng thị trường tài chính khi bất ngờ mở rộng chương trình nới lỏng định lượng lên khoảng 80 ngàn tỷ yên (712 tỷ USD) mỗi năm.

"Bước bổ sung này cho thấy quyết tâm vững chắc của chúng tôi trong việc đẩy lui giảm phát", Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết.

Tuy nhiên, BOJ đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát, theo đó hạ tốc độ tăng trưởng thực trong tài khóa hiện tại xuống còn 0,5% so với mức dự báo 1% đưa ra hồi tháng 7 vừa qua, hạ dự báo lạm phát từ mức 1,3% xuống 1,2%.

Động thái này của BoJ cũng là một sự thừa nhận thất bại vì trước đó, mặc dù BoJ mua vào nhiều trái phiếu nhưng mức nâng tỷ lệ lạm phát lên 2% vào năm 2015 vẫn còn xa vời. Thời gian gần đây xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có nguy cơ rơi lại vào tình trạng giảm phát.

Theo các số liệu công bố trong tháng 8, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đã sụt giảm mạnh với mức 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ thời điểm xảy ra thảm họa kép động đất sóng thần tháng 3/2011.

Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm là do việc tăng thuế tiêu thụ từ 5 lên 8% hồi đầu tháng 4 vừa qua. Động thái được cho là dẫn đến sự suy giảm đáng kể trong tiêu dùng và đầu tư.

Trong những tuần gần đây, các nhà kinh tế đã bắt đầu đặt câu hỏi về việc tư duy bảo thủ của giới ngân hàng Nhật đang trở lại. Người tiền nhiệm của ông Kuroda, Masaaki Shirakawa, theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ nửa vời và đạt được chút ít kết quả.

Trong khi đó, ông Kuroda nhắm tới nỗ lực đẩy lui giảm phát nhằm trấn an chính sách Abenomics đang phát huy hiệu quả, mặc dù tốc độ tăng trưởng bị đình trệ và lạm phát tăng chậm.

Một động lực khác cho ông Kuroda trong chính sách này có thể là một cuộc tranh luận chính trị về việc ông Abe một lần nữa phải tăng thuế tiêu thụ từ 8% lên 10% vào năm 2015. BoJ ủng hộ tăng thuế lần thứ hai nhằm bổ sung thiếu hụt tài chính công kéo dài.

Chính sách mở rộng nới lỏng tiền tệ sẽ ngay lập tức đẩy mạnh kế hoạch kinh tế của ông Abe. Các chỉ số chứng khoán Nikkei đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua. Quỹ đầu tư Chính phủ Pension (GPIF), lớn nhất thế giới, sẽ cắt giảm nắm giữ các trái phiếu chính phủ từ 60% xuống 35% để mua thêm cổ phiếu.

Sau thông báo của BOJ, đồng yen đã mất giá 3% so với USD và tiếp tục lao dốc, lập đáy thấp nhất trong 7 năm qua. Động thái bất ngờ của BOJ cũng khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ sẽ sớm nổ ra.

"Cuộc chiến tiền tệ nóng nhất hiện nay là giữa Nhật Bản với Hàn Quốc. Tỷ giá yen-won rất nhạy cảm do hai nước này cạnh tranh trong rất nhiều lĩnh vực chủ chốt", Sean Callow, chuyên gia tiền tệ tại Westpac cho biết. Đồng yen đã mất giá 20% so với won từ khi BOJ khởi động chiến dịch nới lỏng chưa từng có từ tháng 4 năm ngoái.

Giới chức Hàn Quốc luôn lên tiếng về những ảnh hưởng tiêu cực của đồng yen yếu ảnh hưởng tiêu cực tới các mặt hàng xuất khẩu của nước này. Xuất khẩu trong tháng 10 chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với 6,9% tháng 9, theo công bố của Bộ Thương mại Hàn Quốc.

Để đối phó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng sẽ can thiệp ngăn đồng won mạnh lên trên thị trường ngoại hối, hoặc sẽ giảm lãi suất.

Các nền kinh tế xuất khẩu lớn khác tại châu Á, như Đài Loan hay Trung Quốc cũng có thể hành động để ngăn đà tăng của đồng nội tệ.

"Cuộc chiến tiền tệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tùy thuộc vào việc liệu các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thấy lo lắng khi đồng tiền Nhật Bản thấp và liệu Chính phủ Trung Quốc có quyết định giảm giá đồng tiền của mình hay không", Sean Callow nhận định.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm nhẹ tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ xuống 6,1525 nhân dân tệ/USD ngày 3/11 từ mức 6,1135 nhân dân tệ/USD trước đó một tháng.

>Tác động từ khủng hoảng Nhật Bản
>Nhật Bản: Sóng gió chưa ngưng
>
Nhật Bản: Mặt trời đổi bóng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO