Nguy cơ khủng hoảng lương thực lại gióng chuông?

09/07/2011 06:19

Theo công bố ngày 7/7 của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá thực phẩm toàn cầu trong tháng 6 vừa qua đã tăng mạnh.

Nguy cơ khủng hoảng lương thực lại gióng chuông?

Theo công bố ngày 7/7 của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá thực phẩm toàn cầu trong tháng 6 vừa qua đã tăng mạnh.

>Giá lương thực toàn cầu tăng cao
>
Lương thực toàn cầu trước bài toán thời tiết khắc nghiệt
>
Khủng hoảng lương thực

Cụ thể, chỉ số giá thực phẩm của FAO, đo lường sự biến động của giá ngũ cốc, hạt có dầu, sữa, thịt và đường đạt bình quân 234 điểm trong tháng vừa qua, tăng 3 điểm so với tháng 5 và cao hơn 39% so với tháng 6 năm 2010.

Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu vẫn hiện hữu.

Chỉ số này từng đạt kỷ lục 238 điểm trong tháng 2 do giá ngũ cốc tăng trong bối cảnh cung thắt chặt, làm dấy lên lo ngại tái hiện cuộc khủng hoảng lương thực của năm 2007 - 2008.

Nguyên nhân khiến chỉ số giá thực phẩm tháng 6/2011 tăng cao, là bởi giá đường leo thang mạnh. Chỉ số giá đường tháng 6 tăng 14% so với tháng 5, do nhu cầu tiêu thụ ở mức cao trong khi nguồn cung từ Brazil có phần hạn chế.

Việc giá lương thực thực phẩm tăng cao, nhất là giá các loại lúa mì, gạo và ngô, đã gây ra bất ổn xã hội ở nhiều quốc gia, như khu vực Trung Đông, Bắc Phi thời gian vừa qua.

Tờ La Stampa trước đó từng cho biết, theo số liệu của FAO, hiện dự trữ lương thực của toàn thế giới là 493,9 triệu tấn, khá cao so với sản lượng 2.314,9 triệu tấn. Nhưng, nếu đem so sánh lượng lương thực dự trữ với số lượng tiêu thụ thì tình thế trở nên đáng lo ngại.

Nếu năm 2002, tỷ lệ giữa số lương thực dự trữ và số lương thực tiêu thụ trong năm là 29,9% (578,2 triệu tấn/1.907,9 triệu tấn) thì hiện thời tỷ lệ này chỉ còn 21%. Tức là chỉ đủ cho 116 ngày.

Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Canada… hiện vẫn còn quỹ dự trữ lương thực cho các tình huống khủng hoảng, nhưng có tới 35 nước, trong đó có Burkina Faso, Cameroon, Ethiopia, Kenya, Nigeria, Pakistan, Senegal… những quỹ này đã cạn sau hai năm mất mùa 2007-2008.

Ông Marko de Ponte, Tổng thư ký tổ chức Action Aid Italia nhận xét rằng, cho đến nay, dù phải đảm bảo cái ăn cho bảy tỷ người nhưng nhân loại vẫn chưa có được chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Trong khi đó, hôm 6/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã khẳng định đảm bảo an ninh lương thực là nhân tố quyết định thành công của cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị xã hội dân sự về an ninh lương thực và phát triển bền vững ở Tây Ban Nha, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, an ninh lương thực cũng là vấn đề của hòa bình và an ninh. Giá lương thực tăng cao đã gây bạo loạn ở nhiều nước.

Đảm bảo mọi người đều có đủ lương thực để sống cũng có tác động tích cực đến y tế, giáo dục và trao quyền cho phụ nữ, vốn là xúc tác chủ chốt để thúc đẩy tiến trình thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Tổng thư ký cho biết, nhóm đặc nhiệm cấp cao của Liên hợp quốc về khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu đã phát triển khuôn khổ hành động toàn diện về an ninh lương thực vừa đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp vừa giải quyết các nguyên nhân về cơ cấu gây mất an ninh lương thực.

Trọng tâm của khuôn khổ hành động này là hỗ trợ tích cực nông dân sản xuất nhỏ nhằm gắn kết mạnh mẽ giữa an ninh lương thực với đất đai, nguồn nước, môi trường và trao quyền cho phụ nữ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục cảnh báo, nếu quốc hội nước này không thông qua quyết định nâng giới hạn mức vay nợ của Chính phủ liên bang, nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái mới.

Trong cuộc thảo luận trực tuyến qua trang mạng xã hội Twitter ngày 6/7, Tổng thống Obama nhấn mạnh không tăng mức trần nợ công sẽ đẩy nước Mỹ đến bờ vực suy thoái kép hoặc thậm chí tồi tệ hơn.

Theo đó, chỉ còn vài tuần nữa là tới thời hạn ngày 2/8 mà Bộ Tài chính Mỹ đã đề ra để nâng mức trần nợ công hiện xấp xỉ 14,3 nghìn tỷ USD, khoảng thời gian quá ít để có thể soạn thảo và thông qua dự luật về nâng trần nợ công, khiến áp lực lên Tổng thống và các nhà lãnh đạo Quốc hội nước này ngày càng tăng.

Tổng thống Obama kêu gọi đảng Cộng hòa hợp tác để sớm đạt được một thỏa thuận cân bằng về việc cắt giảm hàng nghìn tỷ USD thâm hụt ngân sách trong thập kỷ tới trong khi vẫn duy trì những khoản đầu tư cấp thiết để tạo việc làm và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, các nghị sỹ Cộng hòa vẫn từ chối gắn việc thảo luận vấn đề nợ công với kế hoạch cắt giảm ngân sách bằng cách tăng thuế đánh vào tầng lớp thượng lưu mà chính quyền của đảng Dân chủ đề xuất.

Trong khi đó, một nhóm quan chức Bộ Tài chính Mỹ đang bàn thảo đến các lựa chọn để ngăn khả năng nước Mỹ vỡ nợ nếu Quốc hội Mỹ không nâng được mức trần nợ trước thời hạn 2/8. Mary Miller, người phụ trách thị trường tài chính và Richard Gregg, thư ký phụ trách chính sách tài khóa, dẫn đầu nhóm này.

Theo đánh giá của ban phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) của tạp chí The Economist, triển vọng phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản hiện đã trở nên rõ ràng hơn, sau gần 4 tháng kể từ khi xảy ra thảm hoạ động đất và sóng thần, chủ yếu là nhờ các khoản chi cho việc tái thiết đất nước.

EIU dự báo, tăng trưởng GDP quý 3 của Nhật Bản sẽ ở mức 1,9% và đạt 3,3% trong quý tiếp theo. Tuy nhiên, cả năm 2011, kinh tế Nhật Bản sẽ vẫn suy giảm 0,5%, và sau đó sẽ tăng trưởng 2,5%, trong năm 2012.

Cũng liên quan tới Nhật Bản, Bộ Tài chính nước này cho biết, tính đến cuối tháng 6, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản giảm xuống còn 1.137,81 tỷ USD từ mức cao kỉ lục 1.139,52 tỷ USD vào cuối tháng 5.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, đây là lần đầu tiên trong 3 tháng qua dự trữ ngoại hối của Nhật giảm xuống. Sự suy giảm này chủ yếu là do giá trái phiếu nước ngoài giảm, đồng thời lãi suất cũng như cổ tức từ các tài sản nước ngoài cũng thấp hơn.

Liên quan tới kinh tế châu Âu, hôm qua (7/7), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nâng lãi suất từ 1,25% lên 1,5%, với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Động thái của ECB đúng như dự báo của Chủ tịch Jean-Claude Trichet đưa ra hồi tháng trước.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 trong vòng 3 tháng trở lại đây của ECB nhằm kiềm chế lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Lạm phát tại Eurozone đã tăng lên đến 2,7%, vượt mức trần chỉ dưới 2% của ECB.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản 0,5%. Mức lãi suất này được duy trì từ tháng 3/2009 đến ngay. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Anh cũng công bố chương trình mua tài sản trị giá 200 tỷ Bảng Anh.

Quyết định trên của BOE đúng như dự báo của các nhà kinh tế vì số liệu mới nhất cho thấy đà phục hồi của kinh tế Anh vẫn còn yếu. Cụ thể, GDP quý 1 của xứ sở sương mù chỉ tăng trưởng có 0,3%.

Từ nay tới cuối năm, Trung Quốc sẽ không nâng lãi suất thêm một lần nào nữa, JPMorgan Chase và HSBC Holdings dự báo. Theo đó, lần tăng lãi suất hôm 6/7 là đợt tăng cuối cùng trong năm nay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

JPMorgan Chase & Co và HSBC Holdings cho rằng, Trung Quốc sẽ không tiếp tục nâng lãi suất thêm lần nào nữa trong năm nay do Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng, nền kinh tế chậm lại sẽ giúp chế ngự lạm phát sau khi đã 5 lần nâng lãi suất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, theo Nomura Holdings, Trung Quốc sẽ còn nâng lãi suất thêm 1 lần nữa trong quý này. Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cũng cho rằng, chính phủ nước này nên tiếp tục áp dụng công cụ lãi suất để kiềm chế lạm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguy cơ khủng hoảng lương thực lại gióng chuông?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO