Nghi ngờ và lo ngại

LAM HỒNG| 05/06/2013 09:26

Đối thoại Shangri-la một lần nữa cho thấy rõ hơn chiến lược của các bên trong một Biển Đông đã thực sự dậy sóng.

Nghi ngờ và lo ngại

Đối thoại Shangri-la một lần nữa cho thấy rõ hơn chiến lược của các bên trong một Biển Đông đã thực sự dậy sóng.

Đọc E-paper

>>Đối thoại Shangri-La: Cần tạo lòng tin cho những cam kết
>>
Đối thoại Shangri-La 12: Điểm nóng biển Đông
>>
Thủ tướng phát biểu chính tại Đối thoại Shangri-La

Tái cân bằng lực lượng

Đối thoại Shangri-la, hội nghị hằng năm về an ninh châu Á, khai mạc vào ngày 1/6 tại Singapore.

Diễn đàn đối thoại năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn trong vùng Biển Đông, với các chính phủ Philippines và Đài Loan bất hòa do một ngư phủ Đài Loan bị các lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines bắn chết.

Cùng lúc, sự hung hăng và coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc khiến các tranh chấp trên Biển Đông gặp nhiều bế tắc và ngày càng căng thẳng.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cảnh báo “Giai đoạn này phản ánh thực tế rằng Biển Đông vẫn là một khu vực không ổn định với các phát triển nhanh chóng về cạnh tranh quân sự, nhưng nó cũng nhấn mạnh cách thức nào mà Biển Đông có thể được sử dụng như một lối thoát cho các tranh chấp quốc gia khác”.

Năm ngoái, lần đầu tiên, chi tiêu quân sự của các nước châu Á đã vượt hơn chi tiêu của các thành viên châu Âu trong khối NATO (Liên minh Bắc Đại Tây Dương).

Các số liệu mới nhất do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy chi tiêu quốc phòng của TQ được thẩm định tăng gấp bốn lần, từ 37 USD tỷ vào năm 2000 lên tới 166 tỷ USD năm 2012.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond cho rằng, việc gia tăng chi tiêu quốc phòng ở châu Á là rất đáng ngại, trong bối cảnh căng thẳng do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ngày càng tăng, có nguy cơ dẫn đến tình trạng bất ổn định lâu dài hoặc nguy hiểm hơn nữa, dẫn đến xung đột vũ trang.

Mặc dù đối thoại an ninh khu vực Shangri-La diễn ra ba ngày tại Singapore có thể không giải quyết trực tiếp các vấn đề hiện tại nhưng nó là cơ hội để các bên thể hiện rõ quan điểm liên quan tới mối căng thẳng trong khu vực Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tổ chức cuộc họp ba bên với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Ông Hagel đưa các đồng cấp của mình thăm tàu sân bay USS Freedom - một biểu tượng của Washington trong nỗ lực tái cân bằng hướng tới tự do hàng hải tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau hơn một thập kỷ Hoa Kỳ tập trung cho các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Bộ trưởng Chuck Hagel khẳng định Mỹ chắc chắn sẽ triển khai đầy đủ chiến lược “tái cân bằng lực lượng” tại châu Á và chi tiêu quốc phòng Mỹ vẫn sẽ chiếm 40% chi tiêu quốc phòng toàn cầu.

Chính phủ Mỹ xác định những thách thức an ninh tại khu vực với các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là việc TQ xưng bá đòi chủ quyền vô lý trên biển Đông...

“Với các kế hoạch tích hợp các loại công nghệ và năng lực mới, chúng tôi sẽ đảm bảo tự do trên toàn khu vực trong tương lai”, Bộ trưởng Hagel cam kết.

Nghi ngờ lẫn nhau

Một quan chức quân đội TQ đã chất vấn ông Hagel và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh xem các chính sách mới của Mỹ chỉ đơn giản là “kiềm chế một Trung Quốc đang lên”.

TQ không cử đại biểu cấp cao đến Shangri-la cho mãi đến năm 2007, và hồi năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt đã đụng độ với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates về vấn đề Biển Đông, dẫn đến việc TQ gửi một Đoàn đại biểu cấp rất thấp tham dự Diễn đàn vào năm sau.

Năm nay, TQ cử ông Thích Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân TQ. Vẫn giữ lập trường mà nhiều nước láng giềng đánh giá là “bất chấp luật pháp quốc tế”, viên tướng họ Thích cho rằng, TQ vẫn sẽ tiếp tục tuần tra các vùng biển thuộc chủ quyền của họ và rằng chủ quyền của TQ đối với những vùng biển này là “không thể tranh cãi”.

Vì thế, Mỹ và các nước trong khu vực đang ngày càng nghi ngờ về “ý định hòa bình” của TQ bởi vì nước này không nhất quán với các động thái triển khai tàu tuần tra tại những vùng biển có tranh chấp với các nước khác. Các nhà phân tích lo ngại rằng sự nghi ngờ này có nguy cơ tăng thêm căng thẳng trong khu vực.

Không quân Mỹ sẽ đưa 60% số máy bay hoạt động ở nước ngoài đến châu Á. Khoảng 60% lực lượng hải quân Mỹ cũng sẽ đóng tại khu vực này trong năm 2020.

Bộ binh và lính thủy đánh bộ Mỹ cũng sẽ được điều động đến châu Á - Thái Bình Dương sau khi rút khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ ưu tiên triển khai các loại vũ khí hiện đại nhất tới khu vực.

Trong số đó phải kể đến máy bay chiến đấu tránh radar F-22 Raptor, máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Joint Strike Fighter, tàu ngầm tấn công lớp Virginia…

Giáo sư Chikako Kawakatsu Ueki của Đại học Waseda (Nhật): “Tôi có cảm giác càng nhượng bộ thì TQ càng có khả năng lấn tới trong tương lai. Họ sẽ tiếp tục cứng rắn và chèn ép các nước khác trong các xung đột”.

Giáo sư Geoffrey Till của Trường King’s College ở London và là tác giả cuốn Asia’s Naval Expansion (Bành trướng hải quân ở châu Á) giải thích sự thay đổi tương quan về sức mạnh khiến các nước, đặc biệt là TQ, muốn có vị trí mới trong trật tự thế giới.

Những thay đổi này có thể thấy rõ nhất trong việc TQ vừa đưa ra học thuyết mới về “Mô thức quan hệ mới giữa các cường quốc” như là trọng tâm chính sách đối ngoại, thể hiện rõ tham vọng của TQ về một trật tự thế giới mới với thực lực ngày càng tăng của mình.

Xây dựng lòng tin sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình gặp Tổng thống Hoa Kỳ Obama vào tuần tới trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở California.

Trong khi nhấn mạnh rằng muốn đạt được nhiều hợp tác với Bắc Kinh nhưng ông Obama không có dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng từ bỏ chiến lược tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế một TQ nhiều toan tính và tham vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghi ngờ và lo ngại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO