Nền kinh tế Trung Quốc: Phép lạ đang biến mất

HUỲNH BỬU SƠN| 04/10/2013 09:04

Theo các số liệu chính thức được công bố bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) từ năm 1982 đến năm 2012 - trong vòng ba thập niên - Tổng sản lượng quốc dân nội địa (GDP) của Trung Quốc đã tăng từ 281,3 tỉ USD lên đến 8.220,9 tỉ USD, tăng gấp 29 lần.

Nền kinh tế Trung Quốc: Phép lạ đang biến mất

Theo các số liệu chính thức được công bố bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) từ năm 1982 đến năm 2012 - trong vòng ba thập niên - Tổng sản lượng quốc dân nội địa (GDP) của Trung Quốc đã tăng từ 281,3 tỉ USD lên đến 8.220,9 tỉ USD, tăng gấp 29 lần.

Đọc  E-paper

Thành tích này chưa phải là một kỷ lục. Trong 30 năm, từ 1960 đến 1990, GDP của Nhật Bản (được xem là có sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong giai đoạn 15 năm từ 1960 đến 1975) đã tăng từ 44,3 tỉ USD lên 3.103 tỉ USD, tăng gấp 71 lần.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính trong ba thập niên gần đây nhất, từ năm 1982 đến năm 2012, trên toàn hành tinh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là vô đối. Trong thời gian này, GDP của Nhật Bản chỉ tăng từ 1.117 tỉ USD (1982) lên 5.964 tỉ USD (2012), tức chỉ tăng có năm lần.

Công nhân Trung Quốc làm việc trong một dây chuyền lắp ráp điện tử

Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc bình quân trong giai đoạn này là 15,8%/năm, đặc biệt có những năm tốc độ tăng GDP rất đáng nể như năm 1996 tăng 30,1%, năm 2007 tăng 28,8%, năm 2008 tăng 29,4% và năm 1994 tăng kỷ lục 36,41%.

Thu nhập bình quân đầu người mỗi năm (income per capita) của người dân Trung Quốc đã tăng từ 279 USD vào năm 1982 lên đến 6.086 USD vào năm 2012, còn nếu tính theo PPP (sức mua ngang giá) thì mức thu nhập bình quân này lên đến 9.100 USD vào năm 2012.

Vào năm 1990 nền kinh tế hơn 1 tỉ dân của Trung Quốc còn đứng vào hàng thứ 10 của thế giới, đến năm 2010 nền kinh tế Trung Quốc đã qua mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai, có số dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (ba ngàn tỉ USD) và được xem là công xưởng lớn nhất thế giới.

Vào thời điểm đó, nhiều nhà phân tích chiến lược kinh tế đã cho rằng chuyện Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới là chuyện đương nhiên không cần phải bàn, vấn đề là sự soán ngôi đó sẽ diễn ra vào thời điểm nào mà thôi.

Mà thật ra thời điểm đó cũng không quá xa và cũng dễ tiên lượng: năm 2012 GDP của Trung Quốc bằng 52% GDP của Mỹ, nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ bằng 1/5 tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc như ba thập niên vừa qua, việc soán ngôi sẽ diễn ra trước năm 2020.

Nhưng sự đời không diễn ra suôn sẻ. Từ năm 2011, Li Zoujun, một nhà nghiên cứu kinh tế người Mỹ gốc Trung Quốc đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc mà ông dự đoán là sẽ xảy ra vào tháng 8/2013 dựa trên các nguyên nhân chủ yếu là sự tan vỡ của bong bóng thị trường bất động sản, sự vỡ nợ của chính quyền địa phương và tình trạng đào thoát đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc.

Thực tế cho thấy tiên đoán của Li Zoujun đã không xảy ra hoặc chưa xảy ra, do sức chịu đựng của nền kinh tế Trung Quốc vẫn khá bền bỉ và do các biện pháp can thiệp hoãn binh hiệu quả của chính phủ và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến năm 2013, những nguyên nhân mà Li nêu ra vào năm 2011 xem ra trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn và vẫn đang là những bài toán hóc búa chưa có lời giải của nền kinh tế Trung Quốc. Những số liệu do Trung Quốc công bố gần đây - tuy độ chính xác chưa đáng tin cậy lắm - cũng cho thấy tính chất phức tạp và nghiêm trọng của tình hình đã đến mức báo động.

Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống tài chính ngân hàng Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong vòng 10 năm qua, lên đến 18 ngàn tỉ USD. Các doanh nghiệp Trung Quốc vào năm 2012 phải trả lãi ngân hàng lên đến 1 ngàn tỉ USD (gấp hơn năm lần GDP của Việt Nam).

Tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Trung Quốc, theo một ước tính thận trọng nhất, đã chiếm từ 10 - 15% GDP của Trung Quốc, tức khoảng từ 800 tỉ USD đến 1.200 tỉ USD.

Tình trạng tăng trưởng chóng mặt của tín dụng ngân hàng cho thấy trong thời gian qua, chiến lược phát triển của Trung Quốc dựa chủ yếu vào đầu tư, đặc biệt là đầu tư của các tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Nhưng hiệu quả của đầu tư ngày càng xuống thấp, thể hiện qua việc gia tăng chỉ số ICOR. Năm 2012, chỉ số ICOR tổng hợp của đầu tư Trung Quốc bình quân là 5,2, riêng ICOR của đầu tư công còn lớn hơn nhiều.

Sự kém hiệu quả của đầu tư công, sự phung phí nguồn vốn đầu tư vào những dự án đa ngành và thất thoát vào những khoản cho vay mờ ám lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng lên đến con số khủng của các tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước.

Hiện nay, một tập đoàn đóng tàu lớn nhất Trung Quốc đang lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính và không thể tiếp tục vay ngân hàng, vì vậy dự định phát hành trái phiếu.

Nhưng ai sẵn sàng mua các trái phiếu này? Những số liệu vừa nói đã củng cố nhận định của Paul Krugman, kinh tế gia Mỹ đoạt giải Nobel, rằng nền kinh tế Trung Quốc đã và đang có một tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa đầu tư và tiêu dùng.

Trong khi thông thường các nền kinh tế khác đầu tư hiện tại cho sự gia tăng tiêu dùng trong tương lai, mô hình phát triển của Trung Quốc trong nhiều năm là đầu tư hiện tại cho tăng trưởng đầu tư hơn nữa trong tương lai. Trung Quốc đã sử dụng 50% GDP để đầu tư trong khi chỉ có 35% GDP là dành cho tiêu dùng.

Nói rõ hơn, người dân Trung Quốc không có khả năng tiêu thụ những sản phẩm do nền công nghiệp Trung Quốc làm ra, và Trung Quốc phải cố gắng xuất khẩu để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng nhiều cách, trong đó có việc duy trì một tỷ giá thấp hơn thực tế của đồng nhân dân tệ.

Điều đó có nghĩa là khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc ngày càng mở rộng, người dân nghèo nông thôn nhận được rất ít thu nhập từ phép lạ kinh tế của Trung Quốc.

Điều đó đã giải thích sự xuất hiện từ nhiều năm nay bên cạnh một nền công nghiệp khổng lồ chuyên sản xuất hàng cao cấp phục vụ xuất khẩu, một mạng lưới công nghiệp nội địa gồm những doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ, chất lượng thấp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đông đảo cư dân nông thôn.

Sự cạnh tranh giá rẻ đã đưa chất lượng hàng hóa xuống thấp đến mức độc hại và điều đó đang gây ảnh hưởng nặng nề đến thương hiệu Trung Quốc trên toàn thế giới.

Khi phần lớn nguồn thu nhập có được từ tăng trưởng kinh tế chạy vào túi quan chức tham nhũng và các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế Nhà nước, họ có điều kiện tiếp tục sử dụng số tích lũy khổng lồ đó để mở rộng đầu tư, chưa kể được tiếp sức bởi một hệ thống ngân hàng sẵn sàng cho vay cho bất cứ dự án phát triển nào.

Trong nhiều năm, nền công nghiệp của Trung Quốc đã hưởng lợi thế từ nguồn nhân lực dư thừa ở nông thôn chấp nhận mức lương thấp và điều kiện làm việc tồi tệ.

Đến nay, nguồn nhân lực ấy đã cạn kiệt - do những khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục đào tạo trong nước - không đủ cung ứng cho nhu cầu nhân lực tay nghề cao của một nền công nghiệp đang tiến tới trình độ hiện đại.

Người dân mua sắm trong siêu thị

Khan hiếm nhân lực dẫn đến yêu cầu nâng cao lương bổng, chi phí sản xuất gia tăng. Và bây giờ, đã có những dấu hiệu cho thấy hiện tượng năng suất giảm dần đã xảy ra. Chỉ số ICOR của đầu tư tại Trung Quốc đã tăng dần từ năm 2003, và lên mức cao nhất vào năm 2012, cho thấy hiệu quả đầu tư ngày càng giảm dần.

Nhiều nhà phân tích kinh tế Trung Quốc ngay từ năm 2012 đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc nên kích thích tiêu dùng, giảm bớt đầu tư không hiệu quả và cho rằng mô hình phát triển dựa vào đầu tư đã không còn là một sự chọn lựa thích hợp của nền kinh tế Trung Quốc.

Đầu tư dàn trải không những làm giảm hiệu năng đầu tư mà còn dẫn đến hiện tượng bong bóng tại các thị trường có sức hấp dẫn đòn bẩy tài chính cao như thị trường bất động sản. Tuy nhiên, người ta tin rằng chính phủ Trung Quốc vẫn đang kiểm soát được tình hình.

Những động thái gần đây như cắt giảm dự trữ tối thiểu bắt buộc nhằm tăng thanh khoản của hệ thống ngân hàng, thực hiện các động tác đảo nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp... cho thấy đã có những nỗ lực “rút củi đáy nồi”. Nhưng áp lực vỡ nợ chắc chắn vẫn tồn tại như lưỡi gươm Damocles đang treo lơ lửng.

Những khó khăn đang diễn ra có thể chưa đủ để gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện đối với nền kinh tế Trung Quốc, khiến cho nền kinh tế  Trung Quốc phải húc đầu vào “trường thành” (Hitting the Wall) như Paul Krugman đã tiên đoán.

Nhưng đối với nhiều nhà phân tích kinh tế, phép lạ kinh tế Trung Quốc đã kết thúc. Tăng trưởng GDP sẽ chậm lại và một số cải cách kinh tế sẽ diễn ra nhằm tái lập những cân đối vĩ mô cần thiết.

Trung Quốc sẽ không còn là trung tâm phát triển nhanh với mức lương thấp nữa và cuối cùng vai trò công xưởng của thế giới cũng sẽ chấm dứt. Sẽ không có một nước riêng lẻ nào có thể đảm đương vai trò này, nhưng một nhóm nước thì có thể. Và ứng viên số một cho vị trí này có lẽ không ai khác ngoài ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền kinh tế Trung Quốc: Phép lạ đang biến mất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO