Made in USA: Phiên bản 2

THỤY KHA| 18/10/2012 05:17

Cùng với ánh hào quang của Facebook, Google hay Apple, “made in USA” vẫn tiếp tục là biểu tượng của giá trị toàn cầu, đi liền với các giá trị về thương hiệu và chất lượng.

Made in USA: Phiên bản 2

Cùng với ánh hào quang của Facebook, Google hay Apple, “made in USA” vẫn tiếp tục là biểu tượng của giá trị toàn cầu, đi liền với các giá trị về thương hiệu và chất lượng.

Đọc E-paper

Cách đây không lâu, Red Peak Group, một công ty tư vấn thương hiệu toàn cầu (văn phòng ở New York), nhận hợp đồng nghiên cứu tên cho dịch vụ video theo yêu cầu tại thị trường Trung Quốc. Họ đã thử nghiệm một loạt cái tên Trung Quốc cho dịch vụ này, nhưng cuối cùng, kết quả là: Đại đa số người tiêu dùng ở Trung Quốc ưa thích một cái tên Mỹ “You On Demand”.

“Những gì chúng tôi tìm thấy là người tiêu dùng nhiều nước vẫn thích những sản phẩm liên quan đến Mỹ, chứ không phải địa phương. Có một thái độ rất tích cực dành cho sản phẩm made in USA”, Giám đốc Điều hành Red Peak Group, James Fox, cho biết.

Theo nghiên cứu này, tầng lớp trung lưu đang nổi lên ở các nước đang phát triển trên khắp thế giới có nhu cầu sử dụng hàng hóa cao cấp hơn.

Tại Brazil, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, hàng hóa “made in USA” vẫn đi liền với các giá trị về thương hiệu, chất lượng và những giá trị toàn cầu, giúp người dùng cảm nhận “mình là những công dân của thế giới” khi sử dụng những sản phẩm Coca - Cola, McDonald’s, Nike, Budweiser, General Motors, hay Levi’s.

Về mặt thương hiệu, những thương hiệu Mỹ luôn nằm trong nhóm đầu Thương hiệu giá trị nhất thế giới. Về mặt doanh thu, trong 6 tháng đầu năm, doanh số Harley-Davidson tăng 16,5% tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương và 58% ở châu Mỹ Latinh.

Doanh số bán hàng của Tiffany tại Nhật Bản tăng 13%. Trong hai quý vừa qua, Yum!, công ty mẹ của KFC và Pizza Hut, đã mở 328 nhà hàng ở Trung Quốc...

Các thương hiệu Mỹ có sự phát triển ấn tượng khi nhận được sự hậu thuẫn của chính quyền Obama về tự do hóa thương mại và ưu tiên hàng nội địa. Trong năm 2011, Mỹ đã thúc đẩy thỏa thuận tự do thương mại với Panama, Colombia và Hàn Quốc.

Trong bốn năm qua, xuất khẩu của Mỹ đã tăng từ 133 tỷ USD trong tháng 12 năm 2008 đến 183 tỷ USD trong tháng 7 năm 2012. Hiểu được điều đó, nhiều công ty Mỹ được sự hậu thuẫn của chính phủ đã phát triển các công cụ để tăng cường sức mạnh của hàng hóa “made in USA”.

Chẳng hạn, có những công cụ tìm kiếm như Made In USA!, hoặc danh mục hàng “Still Made in USA” hay website “American Made Products Directory”, “MadeInUSAForever.com”. Trong đó, “MadeInUSAForever.com” là website lớn nhất bán hàng sản xuất tại Mỹ, bán hơn 2.300 sản phẩm các loại, từ hàng may mặc đến công nghệ cao.

Allen Adamson, Giám đốc Quản lý của Landor Associates, một công ty xây dựng thương hiệu toàn cầu, nói rằng thương hiệu made in USA cũng đang hưởng lợi từ sự thành công vượt bậc của nhiều công ty công nghệ Mỹ như Apple, Facebook và Google.

“Dấu ấn của Silicon Valley luôn nổi bật trong trí tưởng tượng toàn cầu. Khi cuộc cách mạng của Facebook hay sự bùng nổ các sản phẩm của Apple như iPhone hay iPad thì hình ảnh Mỹ sẽ được nhìn nhận tốt hơn. Facebook, Twitter hay Apple sẽ tiếp tục trở thành những thành đại sứ cho nhãn hiệu made in USA, giống như Ford Motor, GM và General Electric đã làm được cách đây 50 năm”, Allen Adamson nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Made in USA: Phiên bản 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO