“Không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân”

Nguồn VOVNews| 25/09/2009 00:24

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Chính sách nhất quán của Nhà nước VN là chống chiến tranh, phấn đấu thúc đẩy giải trừ quân bị, bảo vệ hoà bình

“Không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân”

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định như vậy tại Phiên họp Thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với chủ đề “Không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, Việt Nam ủng hộ các kế hoạch, sáng kiến liên quan của cộng đồng quốc tế, trong đó có những đề nghị của các nước Không liên kết và đề nghị 5 điểm của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon

Sáng 24/9, theo giờ New York, Mỹ (tức tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên họp Thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an LHQ với chủ đề “Không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Tham dự phiên họp có Người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 9/2009 chủ trì phiên họp.

Trong lịch sử 64 năm của Liên Hợp Quốc, đây là phiên họp đầu tiên của Hội đồng Bảo an ở cấp nguyên thủ quốc gia bàn riêng vấn đề không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 9/2009 nêu ra những nguy cơ của chạy đua vũ trang, của việc phổ biến vũ khí hạt nhân đối với nhân loại, khẳng định vai trò của Hội đồng Bảo an trong việc gìn giữ hoà bình thế giới, giải trừ quân bị, chăn chặn buôn bán, vận chuyển, phát triển và sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ: Thế kỷ XX đã phải chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân, chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ráo riết về mọi mặt, gây ra căng thẳng trong đời sống quốc tế, tiêu phí những nguồn lực lẽ ra có thể dành cho phát triển và đặt thế giới trước mối hiểm họa hủy diệt chưa từng có. Cũng trong thế kỷ XX, nhiều chính phủ, tổ chức và cá nhân đã tham gia vào một phong trào thế giới đòi thủ tiêu vũ khí hạt nhân, chống chiến tranh hạt nhân và bảo vệ hòa bình.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nêu rõ hiện vẫn tồn tại kho vũ khí hạt nhân đủ sức hủy diệt thế giới nhiều lần, tình hình phổ biến vũ khí hạt nhân có những diễn biến mới hết sức phức tạp và nguy cơ loại vũ khí này rơi vào tay các tổ chức khủng bố cũng gia tăng. Chỉ trong một thập kỷ qua, chi phí quân sự của thế giới đã tăng 45%, trong đó chi phí cho vũ khí hạt nhân lớn gấp nhiều lần so với chi phí đã dành cho Các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ để giúp hàng tỷ người giảm bớt đói nghèo, ngăn chặn sự xuống cấp của môi trường, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị phải nhanh chóng nâng cao hiệu quả của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, trong đó có việc phát huy thẩm quyền của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Việt Nam đề nghị các nước ủng hộ Nghị định thư kèm theo Hiệp ước về Khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á đã có hiệu lực từ năm 1997.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định quan điểm của Việt Nam là đẩy mạnh sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình cần thực sự là một trụ cột bền vững cho hệ thống chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo đó, Việt Nam đề nghị triệu tập một hội nghị quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích hoà bình để trao đổi về những vấn đề như điều phối quốc tế, các biện pháp hỗ trợ phát triển chính sách, khoa học, công nghệ và cả luật lệ đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, Việt Nam ủng hộ các kế hoạch, sáng kiến liên quan của cộng đồng quốc tế, trong đó có những đề nghị của các nước Không liên kết và đề nghị 5 điểm của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, đồng thời nêu đề nghị của Việt Nam, nhấn mạnh giải trừ quân bị hạt nhân và ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, tiến tới loại bỏ vũ khí hạt nhân là yêu cầu cấp thiết, là nguyện vọng chính đáng của nhân loại. Các nước có vũ khí hạt nhân, các liên minh quân sự và các nước có tiềm lực quân sự lớn có trách nhiệm hàng đầu trong vấn đề này. Việt Nam chia sẻ mong muốn chung của cộng đồng quốc tế là các cuộc thương lượng song phương, đa phương, các kế hoạch đơn phương sớm đưa đến cắt giảm mạnh các kho vũ khí hạt nhân, đảm bảo an ninh cho những nước không có vũ khí hạt nhân chống lại việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng loại vũ khí này.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nêu rõ Việt Nam hiện là thành viên của tất cả các điều ước quốc tế về cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về việc nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình, trong đó có những nghĩa vụ theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vấn đề này. Con người đã tạo ra vũ khí hạt nhân thì phải có trách nhiệm đầy đủ loại trừ nó để được sống trong một thế giới yên bình.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ, chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam là chống chiến tranh, phấn đấu thúc đẩy giải trừ quân bị, bảo vệ hoà bình; đồng thời cam kết đóng góp hết sức mình vào những nỗ lực chung vì mục tiêu cao cả đó.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 9/2009 chủ trì phiên họp với sự tham dự của Người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ của tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Chủ tịch nước ta Nguyễn Minh Triết tham dự và phát biểu tại phiên họp, đề xuất cần sớm khởi động đàm phán thoả thuận quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong lịch sử 63 năm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đây là phiên họp thượng đỉnh thứ 5 và là phiên họp thượng đỉnh đầu tiên bàn về vấn đề không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân; cho thấy những tiến bộ trong lĩnh vực giải trừ, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, nhất là trong chính sách về vấn đề này của một số nước có vũ khí hạt nhân.

Mở đầu phiên họp, lãnh đạo tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã thông qua Nghị quyết kêu gọi các nước nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy giải trừ quân bị nhằm giảm nguy cơ “chủ nghĩa khủng bố hạt nhân”.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu ra nguy cơ của việc phổ biến vũ khí hạt nhân đối với nhân loại, khẳng định vai trò của Hội đồng Bảo an trong việc gìn giữ hoà bình thế giới, giải trừ quân bị, chăn chặn buôn bán, vận chuyển, phát triển và sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Tổng thống Barack Obama nói: “Nghị quyết được thông qua ngày hôm nay sẽ tăng cường cho Hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Chúng tôi cũng làm rõ rằng Hội đồng Bảo an có cả quyền hạn và trách nhiệm để xác định và có hành động cần thiết khi những hành động vi phạm Hiệp ước đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế. Toàn thế giới phải liên kết với nhau. Và chúng ta phải chứng minh rằng luật pháp quốc tế không phải là lời hứa suông mà rằng các điều ước sẽ được thi hành nghiêm túc”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đánh giá phiên họp thượng đỉnh này thực sự đã mở ra một trang mới trong lịch sử của Hội đồng Bảo an, viết lên một chương mới cho hoà bình, an ninh nhân loại.

Lãnh đạo 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đều khẳng định cam kết xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân; hoan nghênh một số tiến triển mới đạt được trong giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama vừa cho biết, nước này mong muốn đóng vai trò như một cầu nối cộng đồng quốc tế và đi đầu trong hình thành các điều luật nhằm kiềm chế các kế hoach thu lời siêu lợi nhuận

Ông Hatoyama đã có bài phát biểu tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc ngày 24/9, trong đó nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn và chính phủ Nhật Bản hiện nay sẽ không quay lưng lại với những thách thức này.

Nhật Bản dự định sẽ làm chiếc cầu nối giữa phương Tây và phương Đông, giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển và giữa sự đa dạng của các nền văn minh trên thế giới. Toàn cầu hóa có cả bóng tối và ánh sáng và việc kiểm soát bóng tối đang trở thành nhiệm vụ toàn cầu đối với thế giới ngày nay. Sự hợp tác quốc tế là cần thiết nhằm xây dựng các hệ thống hạn chế các vấn đề như đói nghèo và chênh lệch kinh tế đồng thời kiểm soát được các cơ chế kiếm lời siêu lợi nhuận.

Ông Hatoyama cũng đã bày tỏ tham vọng xây dựng một “Cộng đồng Đông Á” và cho rằng, giảm thiểu nguy cơ bất ổn an ninh không chỉ mang lại lợi ích cho khu vực mà còn cho cả thế giới.

Tại buổi thảo luận chung trong khuôn khổ hoạt động của Khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 64, giải trừ quân bị là vấn đề trọng tâm được Tổng thống Nga Medvedev tập trung trong bài phát biểu. Ông Medvedev khẳng định với cộng đồng thế giới rằng, Nga tiếp tục chương trình cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. Theo lời Tổng thống Nga, đây cũng là nhân tố quan trọng cho một sự khởi đầu mới trong quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng lưu ý, nếu không giải quyết những vấn đề mang tính nguyên tắc như vấn đề Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, phát triển vũ khí tấn công chiến lược phi hạt nhân, thì không thể đạt được tiến bộ trong việc giải trừ quân bị.

Tổng thống Nga cũng thông báo, Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí tấn công có thể hoàn thiện trong tháng 11/2009, đồng thời kêu gọi các cường quốc hạt nhân khác cùng tham gia vào tiến trình này mà không cần chờ đợi những kết quả các cuộc đối thoại Nga-Mỹ.

Đề cập vấn đề xung đột khu vực, ông Medvedev nêu rõ, Nga sẵn sàng tiếp tục tham gia tìm kiếm những khả năng tốt nhất để bình ổn tình hình. Việc sử dụng vũ lực chỉ làm tình hình trở nên căng thẳng. Tổng thống Nga cũng cho rằng cần phải bổ sung nguyên tắc Toàn vẹn an ninh vào hệ thống cơ sở pháp luật quốc tế hiện đại. Bảo vệ con người và tự do con người phải là cơ sở để củng cố niềm tin và ổn định trên thế giới.

Liên quan đến việc cải tổ Liên Hợp Quốc, ông Medvedev kêu gọi nhanh chóng tìm kiếm những thoả hiệp trong việc mở rộng thành phần Hội đồng bảo an. Liên Hợp Quốc cần tăng cường ảnh hưởng của mình, giữ gìn không khí đoàn kết, tính bất di bất dịch của những nguyên tắc cơ bản trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Ngày nay, Liên Hợp Quốc phải là chỗ dựa cho việc xây dựng các cơ cấu thế giới, qua đó góp phần hiện thực hoá các cách tiếp cận được thoả thuận trong các cuộc gặp G8, G20 và trong các thoả thuận quốc tế khác. Điều này đòi hỏi Liên Hợp Quốc phải làm sao để có sự hoà hợp lợi ích của các quốc gia và các dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO